Sáng ngày 10/2 (giờ Hà Nội), Toà Phúc thẩm Khu vực Tư pháp thứ 9 ra phán quyết ủng hộ tiếp tục duy trì đình chỉ lệnh cấm nhập cư ông Trump ban hành. Bộ Tư pháp thông báo đang nghiên cứu phán quyết và sẽ cân nhắc các lựa chọn. Nhà phân tích của CNN, Jeffery Toobin, nhận định: “Chính quyền Trump đã thua lớn và thua đau. Họ sẽ phải sớm vạch ra kế hoạch hành động kế tiếp”.
Đây là nhiệm vụ lớn đầu tiên, dù đã tiên đoán trước, của cựu thượng nghị sĩ Jeff Sessions sau khi trở thành bộ trưởng cơ quan này.
Thẩm phán tại toà phúc thẩm khu vực số 9 trong buổi điều trần về kháng nghị của chính quyền Trump. Ảnh: AP. |
Đưa vụ việc ra Toà Tối cao
Chính quyền Trump có thể kháng nghị trực tiếp lên Toà án Tối cao. Đây có thể là con đường khó khăn, khi số lượng thẩm phán đang ở thế cân bằng 4 - 4 giữa những vị có quan điểm bảo thủ và những người có quan điểm tự do.
Trong khi ứng viên thẩm phán tối cao mà Tổng thống Trump đề cử, ông Neil Gorsuch, chỉ mới bắt đầu quá trình chờ được phê chuẩn ở Thượng viện, toà án có thể quyết định không nhận phân xử vụ việc này. Một phán quyết cần có ít nhất 5 phiếu mới có thể đảo ngược phán quyết của toà cấp thấp hơn.
Kháng cáo tại tòa phúc thẩm toàn thể
Bộ Tư pháp có thể kiến nghị phán quyết của hội đồng ban đầu gồm 3 thẩm phán ngay tại toà phúc thẩm khu vực 9. Khi đó, vụ việc sẽ được phân xử lại bởi đoàn thẩm phán gồm tất cả 11 vị chứ không phải bởi một nhóm được lựa chọn. Sau khi xét xử, hội đồng sẽ ra một phán quyết mới và có trọng lượng hơn so với quyết định ban đầu.
Tuy nhiên, đây cũng là một lựa chọn khó khăn do các thẩm phán tại toà án ở San Francisco được xem là những người quan điểm tự do nhất nước Mỹ. 18 vị thẩm phán ở đây được bổ nhiệm bởi các tổng thống đảng Dân chủ, so với chỉ 7 vị do các tổng thống đảng Cộng hoà lựa chọn.
Nếu lựa chọn phương án này, Bộ Tư pháp có 14 ngày để tiến hành thủ tục.
Lệnh cấm nhập cư của Trump bị diễn giải là cấm cửa Hồi giáo. Ảnh: AP. |
Đưa vụ việc trở về bang Washington
Chính quyền Trump có thể chấp nhận kết luận của toà phúc thẩm và đưa vụ việc trở về toà liên bang ở Seattle, nơi đầu tiên ra phán quyết chặn đứng lệnh cấm nhập cư của Trump hồi tuần trước.
Phán quyết của toà phúc thẩm thứ 9 chỉ xoay quanh việc thẩm phán Seattle là ông James Robart để hạn chế tạm thời lệnh cấm của Trump. Sự “tạm thời” ở đây kéo dài không lâu, chỉ trong 14 ngày.
Điều diễn ra sau đó là phe phản đối lệnh cấm muốn xin tòa ban hành một án lệnh sơ bộ. Đây cũng chỉ là một lệnh tạm ngưng, nhưng có thể gia hạn thời gian chặn nhập cư cho đến ngày toà xử chính thức rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump có vi hiến hay không.
Phiên điều trần về một án lệnh sơ bộ đã được sắp xếp. Thẩm phán Robart đã cho phép cả 2 bên thời hạn đến ngày 17/2 để gửi phản biện. Phán quyết của ông Robart dự kiến sẽ kéo theo những phiên phúc thẩm sau đó. Đội ngũ của Trump lại tiếp tục phản kháng và quyết định này có thể sẽ được đưa ra Toà án Tối cao.
Trump ban hành sắc lệnh hành pháp mới
Dù không hẳn nghiêng về phía Tổng thống Trump, phán quyết của toà án như gợi mở rằng nếu phạm vi sắc lệnh hành pháp được thu hẹp lại, không phải là cấm tất cả công dân từ 7 nước Hồi giáo như ban đầu, thì nó có thể vượt qua những rào cản pháp lý.
Toà án phúc thẩm lưu ý chuyện Văn phòng Cố vấn của Nhà Trắng đang đề xuất cho phép một số công dân được cấp quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ nhập cảnh như bình thường. Toà cho rằng những thay đổi này cần do chính tổng thống ban hành. Cùng lúc, chính quyền Trump có thể loại bỏ những sơ hở hướng đến bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, từ đó khiến Hồi giáo không còn là cái cớ chính.