Ảnh chụp của Hải quân Philippines cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các trạm radar trái phép tại khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Australia News |
Ngày 29/10, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), vốn được thành lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), ra quyết định rằng tòa có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông và Manila có quyền đơn phương khởi kiện trong trường hợp này. Ngoài ra, PCA nêu rõ việc Bắc Kinh từ chối tham gia không ảnh hưởng tới phán quyết của tòa, theo Diplomat.
Đáng chú ý, tòa án đã bác bỏ luận điểm của Trung Quốc rằng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 tạo thành một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua phương thức duy nhất là đàm phán. Tòa án phán quyết rằng DOC chỉ là thỏa thuận chính trị không có ràng buộc về mặt pháp lý.
Theo giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, Manila đang chờ PCA trả lời 4 câu hỏi lớn về vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều đầu tiên là tuyên bố về yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh ở Biển Đông. Manila cho rằng “đường 9 đoạn” là tuyên bố hàng hải quá đáng và không phù hợp với quyền lợi của các quốc gia ven biển theo UNCLOS. Trung Quốc vẫn kiên quyết bảo vệ yêu sách phi lý không theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, một khi tòa án phán quyết về vấn đề này, việc duy trì yêu sách mơ hồ của Bắc Kinh sẽ bị hạn chế.
Thứ hai, dựa theo khẳng định “đường 9 đoạn” là tuyên bố phi lý, Manila muốn nêu rõ rằng hoạt động chiếm đóng các thực thể trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Theo ông Batongbacal, Bắc Kinh đưa ra các tuyên bố vô căn cứ nhằm chiếm đoạt hoặc tuyên bố chủ quyền với các vùng hoàn toàn ngập nước hay đòi hỏi quyền lợi đối với nguồn tài nguyên có sinh vật và không sinh vật, như kiểm soát hàng hải.
Thứ 3, Manila muốn tòa án đưa ra phán quyết trước lập luận rằng Trung Quốc đang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo UNCLOS.
Thứ 4, Manila muốn tòa án quốc tế khẳng định Trung Quốc đã can thiệp vào khả năng tự do đi lại trong EEZ của Philippines.
Theo PCA, họ sẽ không giải quyết tất cả các yêu cầu của Philippines, song khẳng định có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Manila đưa ra.
Dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, cuối năm 2014, nước này đưa ra bản tuyên bố lập trường về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Kể từ đó, tòa án coi tài liệu này là văn bản trình bày rõ ràng nhất về quan điểm của Bắc Kinh với vụ kiện và từ đó đưa ra phán quyết hôm 29/10.