Là nơi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của cả nước từ ngày 23/1, TP.HCM đã kiểm soát tốt khi giai đoạn 1 của dịch chỉ có 3 ca nhiễm. Ngày 9/3, thành phố có ca nhiễm thứ 4 (bệnh nhân 23), đặt dấu mốc cho giai đoạn 2 của dịch. Từ đó, TP.HCM liên tục phát hiện ca nhiễm mới. Cao điểm nhất là ngày 22/3, ngành y tế thành phố phát hiện 6 ca nhiễm mới.
Đến sáng 21/4, gần 90 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, thành phố có 54 ca nhiễm, trong đó 51 người đã khỏi bệnh, xuất viện. Theo thống kê, 35/54 ca nhiễm là người nhập cảnh từ nước ngoài (64,8%), chỉ có 19 ca phát hiện từ cộng đồng (35,2%). Đây là kết quả từ những nỗ lực kiểm soát dịch chủ động tại TP.HCM.
Kiểm soát "ổ dịch"
Khi chuyển giao từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 của dịch, dù không có ca nhiễm mới, TP.HCM vẫn luôn đề cao cảnh giác, kiểm soát các cửa khẩu để sớm phát hiện những người đến từ vùng dịch.
Đầu giai đoạn 2, sau khi bệnh nhân thứ 34 - một ca "siêu lây nhiễm" - được phát hiện ở Bình Thuận ngày 9/3, TP.HCM liên tục xuất hiện 3 ca nhiễm mới liên quan trường hợp này từ ngày 13/3 đến 16/3.
Một con hẻm tại quận 8 bị cách ly vì có ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vừa cắt được chuỗi lây nhiễm từ bệnh nhân 34, TP.HCM tiếp tục đối mặt với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng từ 2 "ổ dịch" tại quận 8 và quận 2.
"Ổ dịch" tại quận 8 xuất phát từ những người tham dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia (bệnh nhân 100). "Ổ dịch" tại quận 2 liên quan đến quán bar Buddha được phát hiện từ ca 91. Đây cũng là "ổ dịch" lớn thứ 2 cả nước, sau Bệnh viện Bạch Mai.
Ngành y tế phát hiện và cách ly điều trị 17 bệnh nhân liên quan bar Buddha (quận 2) và chỉ xác định 1 trường hợp nhiễm Covid-19 tại "ổ dịch" quận 8 là bệnh nhân thứ 100. Tất cả người tiếp xúc gần được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Sau 14 ngày kể từ khi phát hiện ca chỉ điểm đầu tiên, cả 2 "ổ dịch" trên được kiểm soát, cắt chuỗi lây nhiễm.
Ngoài ngăn chặn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, để kiểm soát nguồn lây nhiễm xâm nhập từ nước ngoài, TP.HCM cũng tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8/3.
Năng lực cách ly, điều trị lớn
Ngày 25/3, TP.HCM có 10.885 giường cách ly tập trung và 900 giường điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi đó nhận định nếu TP.HCM vượt 1.000 ca nhiễm là "vỡ trận". Đây được xác định là giới hạn đỏ của thành phố. Để nâng cao năng lực cách ly, điều trị, Sở Y tế đã liên tục tăng công suất giường và các thiết bị xét nghiệm.
TP.HCM xây dựng bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đến ngày 20/4, thành phố có 12.738 giường cách ly tập trung. 99% giường trong số đó đang không sử dụng. Ngoài ra, thành phố có 24.000 giường sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần thiết. Số giường điều trị Covid-19 là 2.300 giường, trong đó chỉ có 3 bệnh nhân đang được điều trị, còn lại đều đã khỏi bệnh.
Ngành y tế cũng nỗ lực để nâng cao năng lực xét nghiệm lên 5.000 mẫu/ngày. Đến ngày 10/4, thành phố có 20.000 bộ xét nghiệm và dự kiến đến ngày 15/5, thành phố có 70.000 bộ.
Ngăn chặn nguồn lây nhiễm
Từ ngày 1/4, TP.HCM cùng cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó, thành phố đặc biệt chú ý đến phát hiện và ngăn chặn nguồn lây nhiễm.
TP.HCM đặt 62 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ để phát hiện người nghi nhiễm. Ảnh: Chí Hùng. |
Thành phố đã lập 62 chốt, trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ để điều tra dịch tễ và kiểm tra sức khỏe của những người ra, vào thành phố. Tất cả hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và Ga Sài Gòn phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
Đánh giá công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Thành phố đã lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc, giám sát hơn 7.000 công nhân trong thành phố. Tính đến ngày 20/4, thành phố đã lấy hơn 4.000 mẫu xét nghiệm.
Sẵn sàng cho giai đoạn "bình thường mới"
Nhận định dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài cho đến khi có vắc xin và thuốc đặc trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố cần phải lên lộ trình cho một giai đoạn "bình thường mới": Có người nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch Covid-19. Người dân phải chung sống an toàn với dịch, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồ họa: Phượng Nguyễn, Hoài Thanh. |
Để thực hiện nhiệm vụ này, TP.HCM đã bắt đầu với sáng kiến xây dựng Bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp. Trong đó đặt ra 10 tiêu chí với thang điểm 100. Các doanh nghiệp có chỉ số rủi ro trên 80 điểm sẽ phải ngừng hoạt động.
Từ bộ tiêu chí này, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo từng đơn vị xây dựng bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành nghề, lĩnh vực mình phụ trách, gồm: Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thành phố dự kiến công bố các bộ tiêu chí này trước 30/4 để tháng 5, TP.HCM có thể bước vào giai đoạn "bình thường mới" - vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.
Tính đến 20/4, TP.HCM đã trải qua 20 ngày cách ly xã hội, trong đó, có 17 ngày liên tục không phát hiện ca bệnh mới.
Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố kết thúc cách ly xã hội vào ngày 22/4 và đề nghị Thủ tướng ban hành một Chỉ thị mới với tinh thần mọi hoạt động phải có quy định an toàn phòng chống dịch.
Ví dụ, quy chế doanh nghiệp an toàn dịch; trường học an toàn dịch; đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách, quy mô hoạt động của người dân và những cam kết hoạt động đi lại. Đồng thời cần tái lập lại tình trạng bình thường mới.