Chiếc xe chở 4 cô gái ngồi ở cốp. Ảnh chụp màn hình |
Mạng xã hội đang xôn xao về clip ghi lại cảnh ô tô màu xanh, nhãn hiệu KIA Cerato mang biển số 20A-518.83, chở 4 cô gái trong khoang hành lý phía sau, di chuyển qua tuyến đường huyện thuộc thị trấn Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Trong clip, 4 cô gái ngồi trong cốp xe và để chân ra ngoài.
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Đồng Hỷ xác định, người điều khiển ô tô là anh N.D.N. Bốn cô gái có độ tuổi từ 18-20 tuổi, cùng trú tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên.
Tại cơ quan công an, tài xế N. cho biết, 4 cô gái đi bơi, ướt quần áo, do sợ làm bẩn xe nên đã ngồi vào khoang hành lý để di chuyển về nhà. Anh N. bị phạt 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Trước đó, ngày 30/5, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3, Cục Cảnh sát giao thông đã xử phạt 1 triệu đồng với tài xế Quyết, 39 tuổi, trú huyện Thạch Thất, Hà Nội về hành vi chở người trên thùng xe trái quy định.
Người đàn ông này đã để bé trai 7 tuổi ngồi trong thùng xe bán tải, lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - QL45 hướng Hà Nội – Thanh Hoá. Người này đã để bé trai ngồi trên thùng xe suốt quãng đường hơn 150km từ BigC Hà Nội qua các cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ, Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL 45. Chỉ khi đến nút giao Đông Xuân ở Thanh Hóa, bị cảnh sát dừng xe thì sự việc mới được ngăn chặn.
Cảnh sát khuyến cáo tài xế không chở người trên thùng xe bán tải, đặc biệt khi di chuyển trên cao tốc. Tình huống phanh gấp hoặc xe vào khúc cua, gặp ổ gà, người trên thùng xe có thể nguy hiểm tính mạng.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, lần đầu tiên xuất hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ “độc, dị” như vậy. Hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân những người ngồi trên xe và người tham gia giao thông khác. Đặc biệt, điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Bởi vậy, việc cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm giao thông đường bộ với mức phạt 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng với người điều khiển ô tô chở 4 cô gái ngồi trong cốp xe thò chân ra ngoài hay phạt 1 triệu đồng với tài xế chở trẻ em trong thùng xe bán tải vẫn có phần nương tay.
“Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy tắc an toàn. Theo đó, người ngồi trên ô tô phải ngồi đúng vị trí ghế ngồi. Nếu ghế ngồi có dây an toàn thì phải thắt dây an toàn. Với ô tô con, cốp xe là nơi để hàng hóa, vật dụng. Thùng xe bán tải là nơi chở hàng chứ không phải là chỗ để chở người”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, hành vi chở người trên thùng xe trái quy định bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy.
“Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Ngoài ra, với hành vi lạng lách đánh võng trên đường thì người điều khiển phương tiện cũng có thể bị xử phạt thêm lỗi này. Nếu vụ việc không may tai nạn xảy ra gây hậu quả chết người hoặc thương tích 61 % thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, nếu là hình ảnh cố tình dàn dựng để đăng tải lên mạng xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì cũng sẽ bị xử lý theo luật an ninh mạng. Người đó có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hậu quả xảy ra”, Luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Luật sư cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ độ tuổi của 4 cô gái ngồi trong cốp xe. Trường hợp đã đủ 18 tuổi thì cũng cần xử lý nghiêm.
“Nếu xác định các cô gái này có hành vi gây rối trật tự công cộng thì cũng có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 144. Từ những vụ việc gần đây cho thấy, chúng ta cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của người dân. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tương tự để tránh xảy ra tai nạn giao thông", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.