Theo Guardian, 343 tờ báo đăng tải các bài xã luận trong chiến dịch tập thể nhằm phản bác điều mà các hãng này coi là "cuộc chiến bẩn thỉu chống lại tự do báo chí" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các bài xã luận được đăng tải trong ngày 16/8.
"Donald Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên công kích báo chí hay cảm thấy bị đối xử không công bằng. Nhưng ông ấy là người đầu tiên có chính sách nhất quán nhằm làm suy yếu, chia rẽ hay thậm chí gây nguy hiểm cho công việc của báo giới", bài xã luận của Guardian chỉ trích.
Tổng thống Trump công kích các phóng viên hôm 3/8 tại bang Pennsylvania. Ảnh: The Hill. |
Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên công kích các tòa soạn báo cũng như cá nhân các phóng viên, chỉ trích các bài tường thuật, dù đưa tin chính xác, là "tin giả" và gọi báo chí là "kẻ thù của nhân dân".
Tính tới ngày 16/8, hàng trăm hãng thông tấn, báo chí tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch phản bác Tổng thống Trump, trong đó có nhiều tờ báo lớn như New York Times, Guardian, Philadelphia Inquirer hay Chicago Sun Times. Tổ chức khởi xướng chiến dịch là Boston Globe, một tờ báo có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ.
Mỗi tờ báo sẽ đăng tải một bài xã luận riêng, mà theo Boston Globe, thể hiện các quan điểm chính trị khác nhau nhưng có chung tiếng nói cảnh báo về cuộc chiến hiện tại chống lại giới truyền thông của Tổng thống Trump.
"Công việc của báo giới không phải là cứu nước Mỹ khỏi Tổng thống Trump mà là đưa tin, nghiên cứu, phân tích và xem xét kỹ lưỡng nhất có thể mà không lo sợ (trước nhà chức trách)", Guardian thể hiện quan điểm.
Jim Acosta, phóng viên của hãng CNN tại Nhà Trắng, thường xuyên có các va chạm với Tổng thống Trump. Ảnh: Fox News. |
Vài tuần qua, Tổng thống Mỹ đã leo thang cuộc chiến với giới truyền thông lên mức độ mới. Trong một sự kiện tại bang Pennsylvania, ông Trump đã chỉ vào các phóng viên tới đưa tin về sự kiện, gọi những người này là "tin giả, tin kinh tởm". Nhà Trắng cũng cấm phóng viên của CNN tới đưa tin một sự kiện sau khi người này đặt một câu hỏi cho Tổng thống Trump.
"Bình luận của Tổng thống Trump ở rất gần với ngưỡng bạo lực, có thể khiến các phóng viên, người chỉ làm công việc của họ, bị tổn thương và dẫn tới tự kiểm duyệt các bài viết", cựu cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein đánh giá.