Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bi kịch của những người cấy mắt nhân tạo

Sau khi thị giác trở lại không lâu, 350 bệnh nhân sử dụng mắt giả của hãng Second Sight sẽ lại mất đi khả năng nhìn.

vong mac nhan tao anh 1

Những hệ thống can thiệp vào não để chữa bệnh đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây không phải là cây đũa thần để chữa lành cho bệnh nhân.

Sản phẩm hỗ trợ thị giác của hãng Second Sight, có trụ sở ở Los Angeles, chính là lời cảnh báo dành cho những bệnh nhân muốn tìm lời giải ở công nghệ cấy chip não.

“Đem con bỏ chợ”

Barbara Campell từng bị cướp đi một nửa thị lực vào năm 30 tuổi do căn bệnh di truyền. Bà đã sử dụng võng mạc nhân tạo cho mắt trái suốt 4 năm qua, giúp bà nhìn được khá tốt. Thế nhưng, giờ đây chính đôi mắt giả ấy đã đưa bà về với bóng tối một lần nữa.

“Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc ấy. Đang bước xuống bậc thang để chuyển tàu, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng ‘bíp, bíp, bíp’ vọng từ đâu đó”, Campbell kể.

Âm thanh ấy đến từ chiếc mắt giả sinh học Argus II vừa dừng hoạt động của bà. Những vùng sáng - tối vốn rõ mồn một trước mắt bà giờ đây đột nhiên biến mất.

Terry Byland, trường hợp duy nhất cấy võng mạc nhân tạo cho cả 2 mắt, sử dụng hệ thống Argus I đời đầu của công ty Second Sight Medical Products cho mắt phải vào năm 2004. 11 năm sau, người đàn ông tiếp tục cấy mắt giả Argus II vào mắt trái. Byland là người hỗ trợ hãng thiết bị y học này phát triển công nghệ mắt giả.

Nếu mắt giả có vấn đề, đó thực sự sẽ là ác mộng với tôi vì tôi không thể sửa

Terry Byland, người lắp tới 2 võng mạc nhân tạo của Second Sight

“Từ một người bình thường, tôi bỗng trở thành người phát ngôn cho cuộc thử nghiệm công nghệ lúc bấy giờ”, ông nhớ lại.

Vào năm 2020, Byland nhận được tin hãng công nghệ y học đã “mang đến ánh sáng” cho mình sắp sửa phá sản. Lúc đó, đôi mắt sinh học của ông vẫn còn sử dụng được, nhưng Byland không rõ khi nào chúng sẽ tắt ngấm.

“Tôi ổn nếu chúng vẫn sử dụng bình thường như bao lâu nay. Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, đó thực sự sẽ là ác mộng với tôi, vì tôi không cách nào sửa được chúng”, người đàn ông tâm sự với với tạp chí IEEE Spectrum.

vong mac nhan tao anh 2

Võng mạc nhân tạo của Barbara Campell đột ngột tắt khi bà đang trên đường đến tàu điện ở Manhattan. Sau đó, nó không bao giờ hoạt động lại. Ảnh: New York Times.

“Công nghệ tuyệt vời thật đấy, nhưng công ty tạo ra nó thì quá tệ hại”, Ross Doerr, một bệnh nhân khác của Second Sight, thẳng thắn chia sẻ. Sau khi cấy một bên mắt vào năm 2019, ông vẫn nhớ như in khoảnh khắc chứng kiến ánh đèn Giáng sinh lấp lánh trước mắt mình ngày ấy. Ông còn vui sướng hơn khi nghe tin hãng sẽ cập nhật phần mềm để nâng cao thị lực của ông.

Thế nhưng, thời điểm đầu dịch Covid-19, Doerr nghe được một vài tin đồn không hay về công ty Second Sight. “Ông gọi lên công ty thử xem chứ chúng tôi bị đuổi việc rồi, À, còn vụ cập nhật thì chắc cũng không thực hiện nổi đâu”, một nhân viên chăm sóc khách hàng nói với ông.

Họ chỉ là 3 trong hơn 350 bệnh nhân khiếm thị khác bị hãng công nghệ y học Second Sight Medical Products “đem con bỏ chợ”, không được tiếp tục hỗ trợ công nghệ võng mạc do hãng phát triển. Chỉ cần thiết bị có lỗi nhỏ, và những bệnh nhân này sẽ phải quay lại với bóng tối.

Nghiêm trọng hơn, hệ thống mắt giả Argus có thể để lại biến chứng hoặc xung đột với các kỹ thuật y học khác như chụp cộng hưởng MRI. Người bệnh muốn gỡ mắt giả cũng phải tiêu tốn nhiều chi phí và đối diện với nỗi đau khủng khiếp.

Công nghệ mang lại hi vọng cho người mù

Ý tưởng cấy mắt giả sinh học được tiến sĩ Robert Greenberg, Chủ tịch của Second Sight, nảy ra vào lúc đang xem video thử nghiệm cho dây điện tiếp xúc với mắt một bệnh nhân khiếm thị năm 1991.

Người bệnh đột nhiên nhìn thấy một vệt sáng khi sợi dây chạm vào võng mạc, tạo ra dòng điện. Sau đó, bệnh nhân xác nhận mình nhìn thấy 2 điểm sáng khi bác sĩ gắn thêm dây điện thứ 2. “Nếu có thể tạo ra 2 điểm sáng, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nhiều điểm hơn và tái tạo hình ảnh thành công”, Greenberg trả lời phỏng vấn của Spectrum vào năm 2011.

vong mac nhan tao anh 3

Robert Greenberg là nhà đồng sáng lập Second Sight và mất hàng năm trời để đưa võng mạc giả ra thị trường. Ảnh: Zuma Press.

Ông dành hàng năm trời để thực hiện hóa ý tưởng này. Cuối cùng, Argus I và Argus II đã được châu Âu và Mỹ chính thức phê chuẩn lần lượt vào năm 2011 và 2013.

Theo IEEE Spectrum, ngoài việc trải qua cuộc phẫu thuật cấy chip vào não suốt 4 giờ đồng hồ, bệnh nhân phải còn đeo một cặp kính gắn chiếc camera siêu nhỏ giúp thu nhận thông tin hình ảnh.

Sau đó, camera sẽ chuyển đổi hình ảnh thành 60 điểm ảnh trắng đen và thành xung điện truyền không dây đến dãy 60 điện cực chứa trên con chip cấy trong võng mạc. Dãy điện cực này sẽ tạo ra tín hiệu trong võng mạc và truyền qua các dây thần kinh để gửi dữ liệu đến não bộ phân tích, mang lại thị lực cho bệnh nhân.

Nhưng đó không phải thị lực thật sự. Argus II chỉ đem lại thị lực giả. Một khi người dùng di chuyển phần đầu, hình ảnh trước mắt sẽ chuyển thành các sắc xám và ẩn hiện liên tục. “Đây mới chỉ là những bước đầu sơ khai của công nghệ này”, theo Greenberg. Hãng cũng cho biết các bệnh nhân hài lòng và dần thích nghi với những chuyển cảnh đơn giản này.

Chỉ cần nhìn thấy một phần thôi cũng đủ làm cả bệnh nhân và bác sĩ vui sướng

Lucian Del Priore, nhà vật lý nghiên cứu công nghệ của Second Sight

Nhiều người bệnh sau đó đã nhận ra vạch kẻ đường khi đi qua một con đường tối hay thấy ánh sáng của khuôn mặt ngay trước họ. “Dù không phải là thị lực bình thường, nhưng điều đôi mắt này quá tốt so với những gì chúng tôi từng có được”, Ross Doerr nhớ lại cảm nhận của mình sau cuộc phẫu thuật.

Jeroen Perk, bị mù hoàn toàn lúc 19 tuổi, đã trở thành bệnh nhân trẻ nhất cấy mắt giả Argus II vào năm anh 36 tuổi. Chỉ vài năm sau, Perk xuất hiện trong một video trượt tuyết và bắn cung do Second Sight đăng tải.

“Họ đã phải đối diện với bóng tối trong một thời gian dài. Họ thậm chí còn không phân biệt được đâu là biển xanh, cát vàng, đâu là hầm mỏ tối hù. Việc nhìn thấy một phần thôi cũng đủ làm cả bệnh nhân và bác sĩ chúng tôi vui sướng”, Lucian Del Priore, một trong những nhà vật lý tham gia vào công nghệ cấy ghép chia sẻ.

Sự lụi tàn của phát minh không tưởng

Dù vượt trội về mặt công nghệ, Second Sight vẫn đối mặt với một số vấn đề tài chính. Với giá bán 150.000 USD, võng mạc nhân tạo này đắt gấp 5 lần so với các thiết bị kích thích dẫn truyền thần kinh thông thường. Bệnh nhân khi cấy Argus II mất 497.000 USD để chi trả toàn bộ từ chi phí cho thiết bị, phẫu thuật cho đến hồi phục hậu phẫu.

vong mac nhan tao anh 4

Ross Doerr không thể chụp cộng hưởng từ MRI cho khối u não của mình vì bác sĩ không nhận diện được võng mạc giả Second Sight cấy trong mắt ông. Ảnh: Bob O' Connor.

“Càng dùng tôi càng thấy nó có ích. Não tôi như được huấn luyện sau mỗi lần nhìn thấy đồ vật”, Barbara Campbell, người được cấy mắt trong cuộc thử nghiệm lâm sàng của Argus II, từng thừa nhận võng mạc giả này rất hữu dụng.

Nhưng sau 4 năm sử dụng, thiết bị đột ngột tắt ngấm khi bà đang trên đường đến ga tàu điện. Dù đã đưa đến Second Sight để sửa vài lần nhưng thiết bị vẫn không hoạt động lại. Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc gỡ thiết bị, bà nhận ra việc trải qua một cuộc phẫu thuật khác là quá mạo hiểm và vẫn giữ nguyên chiếc võng mạc nhân tạo bị hư ở bên mắt trái.

Mặt khác, theo IEEE Spectrum, mối quan hệ giữa Greenberg và các nhà đầu tư của Second Sight tệ dần qua từng năm. Năm 2015, ông từ chức CEO, sau đó rời khỏi ban quản trị vào năm 2018 do khác biệt trong định hướng tương lai.

Tháng 7/2019, Second Sight thông báo ngừng dự án mắt giả sinh học để tập trung phát triển công nghệ cấy não mới, Orion, giúp khôi phục thị lực cho người mù. Công ty sau đó đã đối diện với bờ vực phá sản vào năm 2020 và phát hành 57,5 triệu USD trái phiếu với 5 USD/trái phiếu. Tuy nhiên, sau đó mệnh giá trái phiếu giảm mạnh còn 1,5 USD.

Không email, không thư từ hay bất cứ cuộc gọi nào. Chúng tôi giờ như sống trong bóng tối

Ross Doerr, bệnh nhân dùng thiết bị của Second Sight

Tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty thông báo ngừng hoạt động và bán đấu giá toàn bộ thiết bị y học.

Hãng không có bất kỳ thông báo nào về việc đóng cửa đến các bệnh nhân của mình. “Không email, không thư từ hay bất cứ cuộc gọi nào”, Ross Doerr chia sẻ trên Facebook sau những nỗ lực vô vọng để liên hệ với hãng. “Bệnh nhân cấy mắt chúng tôi giờ đây như đang sống trong bóng tối”, ông bộc bạch.

Đến tháng 2/2022, Second Sight thông báo sáp nhập với công ty sinh dược học bào chế Nano Precision Medical (NPM) mới được thành lập không lâu. Điều đáng nói là hãng sẽ chuyển hướng sang vận chuyển dược phẩm, đồng thời toàn bộ thành viên ban quản trị của Second Sight đều rời khỏi vị trí ở công ty mới.

Với sự sáp nhập này, tương lai của công nghệ cấy ghép thị lực đang trở nên mù mịt hơn bao giờ hết.

Thất bại là một phần không thể tránh khỏi với những đổi mới sáng tạo. Không thể không thừa nhận Argus II là một công nghệ tân tiến, đồng thời mở đường cho nhiều hãng phát triển hệ thống võng mạc giả khác.

Nhưng với những người sắp sửa cấy mắt, câu chuyện của bệnh nhân tại Second Sight sẽ càng làm họ chùn bước. Liệu con người có nên đánh cược vào công nghệ không tưởng này? Và liệu khi đánh cược vào nó, mở ra một thế giới trước mắt thì con người có nên phụ thuộc cả đời vào một thiết bị như thế không?

Hi vọng hồi sinh BlackBerry đã tắt

Hơn một tháng sau tuyên bố "chúng tôi chưa chết", OnwardMobility chính thức thông báo hủy kế hoạch ra mắt điện thoại BlackBerry 5G.

Sẽ ra sao nếu có người chết ngoài vũ trụ?

Với viễn cảnh du lịch vũ trụ phổ biến trong tương lai, cần có những quy trình rõ ràng để điều tra, xử lý người chết ngoài không gian.

Thúy Liên

Theo IEE Spectrum

Bạn có thể quan tâm