Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

35 người chết vì bạo động, chính phủ Ai Cập từ chức

Chính phủ tạm thời của Ai Cập do Hội đồng Quân sự cấp cao dựng lên kể từ sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vừa đệ đơn xin từ chức vì tình hình bạo lực lan rộng trên khắp cả nước.

35 người chết vì bạo động, chính phủ Ai Cập từ chức

Chính phủ tạm thời của Ai Cập do Hội đồng Quân sự cấp cao dựng lên kể từ sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vừa đệ đơn xin từ chức vì tình hình bạo lực lan rộng trên khắp cả nước.

>>Ai Cập bên thềm cuộc nội chiến mới

Tờ Telegraph đưa tin, bạo lực bắt đầu hôm Chủ nhật ở Ai Cập đã làm ít nhất 35 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, sau khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình.

Ngày hôm qua, Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập (SCAF) đã huy động đến quân đội vũ trang để giành lại quyền kiểm soát quảng trường Tahrir từ tay người biểu tình, trong bối cảnh thế giới lên án mạnh mẽ những hoạt động đàn áp đẫm máu của chính phủ Ai Cập.

35 người chết vì bạo động, chính phủ Ai Cập từ chức
Bạo động không ngừng leo thang tại Ai Cập.

Tuy nhiên, số người biểu tình ủng hộ đổ về thủ đô Cairo vẫn không ngừng gia tăng. Ước tính, hàng chục ngàn người biểu tình đang có mặt tại quảng trường Tahrir để gây sức ép buộc chính quyền quân sự đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Bất lực trước tình hình, nội các tạm thời do Hội đồng Quân sự Tối cao dựng lên để điều hành đất nước trong thời gian chuyển giao đã đệ đơn xin từ chức. Ông Mohammed Hegazy, phát ngôn viên nội các cho hay: “Chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf đã giao lại quyền điều hành đất nước cho Hội đồng Quân sự tối cao”. Bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc vì những vụ việc đẫm máu”, thế nhưng chính phủ tạm vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ cho tới khi quân đội chấp thuận đơn từ chức.

Thế nhưng, theo đánh giá của các nhà phân tích, lá đơn từ chức này có thể là nỗ lực của nội các để cứu vãn danh tiếng hoặc động thái bị SCAF giật dây để xoa dịu người biểu tình và kéo dài thời gian để tính toán những bước đi tiếp theo.

Trong một diễn biến khác, các nhà ngoại giao trên toàn thế giới đều bày tỏ quan ngại sâu sắc với tình hình bạo động không ngừng leo thang ở Ai Cập. Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, cuộc bầu cử nên diễn ra trong “tự do và công bằng”, tránh trì hoãn. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế”, ông Carney cho hay.

William Hague, ngoại trưởng Anh thì cho rằng lãnh đạo quân sự nên từ bỏ quyền lực mà họ đang nắm giữ từ thời Mubarak. Ông nói: “Điều cực kì quan trọng là các cuộc bầu cử phải được tổ chức và sau đó nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự để đất nước Ai Cập thực sự dân chủ.”

Lấy làm tiếc về tình hình ở Ai Cập, Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập khẳng định các cuộc bầu cử vẫn sẽ được tiến hành đúng theo thời gian biểu mà họ đưa ra trước đó. Tuy nhiên, SCAF không nói rõ có đáp ứng đòi hỏi nhanh chóng chuyển giao quyền lực của những người biểu tình hay không.

Hồng Duy

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm