Theo Guardian, những vụ chết người xảy ra tại hai bệnh viện ở Muzaffarpur thuộc bang Bihar. Đây không phải là lần đầu tiên những cái chết như thế này xuất hiện ở Muzaffarpur, nơi nổi tiếng với các vườn vải.
Những nạn nhân đều cho thấy triệu chứng của hội chứng viêm não (AES), theo lời quan chức y tế cấp cao Ashok Kumar Singh. Hầu hết nạn nhân gặp tình trạng suy giảm glucose trong máu đột ngột.
Khoảng 40 trẻ em khác gặp những triệu chứng tương tự đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt.
Trẻ em được đưa tới bệnh viện với hội chứng viêm não (AES) tại khu vực Muzaffarpur, bang Bihar, Ấn Độ, hôm 10/6. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi đang cố hết sức để cứu chúng", ông S P Singh, giám đốc y tế của bệnh viện đại học y Sri Krishna, cho biết.
Sự bùng phát căn bệnh này diễn ra hàng năm trong những tháng mùa hè ở Muzaffarpur, thường trùng với thời điểm vải vào mùa thu hoạch.
"Cơ quan y tế địa phương đã khuyến cáo người dân chăm sóc trẻ nhỏ trong những ngày mùa hè khi nhiệt độ lên cao hơn 40 độ C", ông Ashok Kumar Singh cho biết.
Căn bệnh này, được gọi theo tiếng địa phương là chamki bukhar, từng khiến 150 người thiệt mạng vào năm 2014. Đến năm 2015, các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng căn bệnh có thể liên quan đến một chất độc được tìm thấy trong quả vải.
Tạp chí The Lancet cho biết quả vải có chứa thành phần làm ức chế khả năng sản xuất glucose của cơ thể. Những trẻ nhỏ thiếu ăn thường có mức đường trong máu thấp hơn bình thường.
Việc ăn vải khi bụng đói khiến những đứa trẻ này hay giật mình trong đêm. Nếu nặng hơn chúng sẽ mất ý thức vì bị sưng não cấp tính.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra những đứa trẻ bị bệnh phải nhập viện ở Muzaffarpur từ giữa tháng 5 và tháng 7/2014. Họ nhận thấy mối liên kết giữa căn bệnh của những đứa trẻ tại Ấn Độ với một đợt bùng phát bệnh gây sưng não và co giật ở trẻ em tại vùng Caribe.
Đợt bùng phát bệnh ở vùng Caribe do quả ackee có chứa hypoglycin gây ra. Hypoglycin là một độc tố ngăn cản cơ thể sản xuất glucose. Các xét nghiệm sau đó của nhóm nghiên cứu cho thấy quả vải cũng chứa hypoglycin.
Các nhà khoa học cũng cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn để lý giải hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh, dẫn đến co giật, thay đổi trạng thái tâm thần và khiến nạn nhân tử vong trong hơn một phần ba trường hợp.
Những vụ việc liên quan đến dấu hiệu của bệnh thần kinh cũng đã được phát hiện tại các vùng trồng vải ở Bangladesh.