Một nạn nhân trong vụ bê bối bị truyền máu nhiễm HIV năm 1970 tại Anh. Ảnh: BBC. |
Vụ bê bối truyền máu nhiễm HIV và viêm gan C khiến 30.000 người trở thành nạn nhân ở Anh lại trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây. Vào tháng này, thảm họa điều trị tồi tệ nhất trong lịch sử ngành y tế Anh bước vào giai đoạn điều tra tiếp theo.
Một cuộc điều tra công khai về thảm họa gây nhiễm trùng máu từ những năm 1970 đến 1980 do ông Brian Langstaff, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao, dẫn đầu và đang xem xét những gì thực sự xảy ra.
Sau 30 năm, các nạn nhân một lần nữa đối diện nỗi đau tột cùng. Nhiều người trong số đó đã không còn sống để chờ đến ngày công lý được thực thi. Gia đình các nạn nhân đã chịu đựng nỗi đau hàng thập kỷ và mong mỏi vào cuộc điều tra đang được tiến hành.
Sir John Major, cựu Thủ tướng Anh, từng tuyên bố sẽ nghiêm khắc điều tra vụ việc. Trả lời báo chí, ông Major cho biết phương pháp điều trị gây nhiễm độc máu đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Song, tuyên bố "các nạn nhân gặp sự cố vô cùng xui xẻo" khiến những người sống sót và gia quyến rất giận dữ.
Điều gì đã xảy ra?
Trong những năm 1970 và 1980, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) đã cho bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông và các rối loạn máu khác truyền yếu tố VIII bị nhiễm HIV hoặc viêm gan C.
Để đáp ứng nhu cầu lớn về yếu tố VIII - phương pháp điều trị đông máu, NHS đã nhập khẩu các sản phẩm máu từ Mỹ.
Máu được chưng cất từ hàng nghìn người, bao gồm cả những tù nhân được trả tiền để hiến tặng. Nhưng nó không hề được sàng lọc trước khi truyền và do đó đã lây nhiễm bệnh tật cho gần 30.000 người.
Các nạn nhân và tang quyến khẳng định họ chưa từng được cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng máu. Chính vì thế, họ cáo buộc chính phủ đã sơ suất.
Ông Brian Langstaff, người đứng đầu cuộc điều tra về máu bị nhiễm trùng tại Anh. Ảnh: Telegraph. |
Vụ bê bối chỉ được công chúng chú ý vào năm 2016, khi các tổ chức vận động cho các nạn nhân và gia đình gây sức ép, buộc chính phủ phải điều tra sự việc, đưa sự thật ra ánh sáng.
Jason Evans, người sáng lập Factor 8, một tổ chức vận động cho một cuộc điều tra công khai về vụ bê bối, nói với Al Jazeera nhóm chưa bao giờ từ bỏ việc tìm ra sự thật.
“Họ có thể nghĩ câu chuyện bị lãng quên và đây là tai nạn không thể tránh khỏi. Nhưng đây không phải sự thật", ông nói. Vụ bê bối sức khỏe được cho là thảm họa điều trị lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Vương quốc Anh.
Cuộc điều tra đang xem xét điều gì?
Cuộc điều tra công khai độc lập được tổ chức nhằm xét xét từng trường hợp trong hàng nghìn người bị nhiễm bệnh từ năm 1970. Cuộc điều tra do cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May công bố ngày 11/7/2017, bắt đầu lấy bằng chứng vào đầu năm 2019.
Sau đó, cựu thẩm phán người Anh, ông Brian Langstaff, tiếp tục điều tra. Từ đó đến nay, họ đã tổ chức một số phiên điều trần ở London, Edinburgh, Leeds, Cardiff và Belfast. Họ nói chuyện với các nạn nhân, tang quyến và cựu quan chức chính phủ cấp cao. Nhóm điều tra dự định thẩm vấn thêm các quan chức chính phủ cấp cao để tìm thêm bằng chứng.
Cuộc điều tra xem xét mức độ được biết về các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh và liệu bệnh nhân có được cảnh báo về các nguy cơ hay không. Họ cũng đang xem xét liệu vụ bê bối có bị che đậy cố ý trong nhiều năm qua không.
Một người hiến máu tại trung tâm Dịch vụ Máu Quốc gia ở London. Ảnh: Toby Melville/Reuters. |
Kết quả của cuộc điều tra có thể là gì?
Cựu Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock, xuất hiện trong cuộc điều tra vào năm 2021. Ông cho biết chính phủ sẽ tuân thủ bất cứ điều gì mà báo cáo cuối cùng khuyến nghị.
"Nếu kết quả của cuộc điều tra này là bồi thường cho các nạn nhân, chính phủ sẽ thực hiện điều đó", ông nói.
Hàng nghìn người ở một số quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Canada và Mỹ, cũng bị nhiễm bệnh trong những năm 1970.
Một số người đã kiện các công ty cung cấp các sản phẩm bị nhiễm bệnh và được trả hàng triệu USD. Một số quốc gia kết tội các quan chức chính phủ và nhà cung cấp.
Nhưng ở Anh, điều đó đã không xảy ra, nhưng tổ điều tra hứa báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào năm 2023, đi kèm các khuyến nghị.
Theo Telegraph, gần đây, Chính phủ Anh tuyên bố các nạn nhân của vụ bê bối này sẽ nhận được khoản tiền tạm thời để bù đắp cho “nỗi đau không thể tưởng tượng được” mà họ đã phải gánh chịu.
Các bộ trưởng dự kiến thông báo các khoản thanh toán sẽ được miễn thuế và sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân. Khoản bồi thường của họ được đại diện tổ điều tra cho biết là không dưới 100.000 bảng Anh.
Một lá thư được gửi cho Thủ tướng do ba cựu thư ký y tế - Jeremy Hunt, Matt Hancock và Andy Burnham - cảnh báo "có hơn 400 người chết kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu", với "ước tính một người nhiễm bệnh sẽ chết sau 4 ngày".