Sau ca đại phẫu tách rời, Hoàng Trúc Nhi - Hoàng Diệu Nhi đã tỉnh. Các bác sĩ đang lên kế hoạch để tập vật lý trị liệu cho hai bé. Thành quả này là sự phối hợp ăn ý của gần 100 y bác sĩ. Đó là người ở mặt trận, trực tiếp cầm dao mổ và người ở hậu phương, lặng lẽ gác cửa sinh, cửa tử. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), là một trong những “chiến sĩ” thầm lặng như thế.
Hai cơ thể kỳ lạ được nhìn thấu nhờ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh
“Từ khi hai bé được chuyển viện đến nay, chúng tôi chụp liên tục, chẩn đoán liên tục và cập nhật bản vẽ không ngừng. Tôi không nhớ mình đã chụp hình và siêu âm cho song Nhi bao nhiêu lần. Bao nhiêu lần hy vọng, lẫn tuyệt vọng”, bác sĩ Khánh nhớ lại những ngày đầu chẩn đoán hình ảnh cho Trúc Nhi, Diệu Nhi.
Cũng trong lầu đầu nhìn thấy phim MRI của song Nhi, cô không tin vào mắt mình. "Tại sao lại có cơ thể kỳ lạ đến vậy. Tôi lập tức chạy lên phòng bệnh để tận mắt nhìn, chạm tay vào cơ thể bé và chính tay tôi tiến hành siêu âm. Tôi vừa bất ngờ, vừa thương các con", cô nói.
Khi song Nhi được 3 tháng tuổi, bác sĩ Khánh cùng đồng nghiệp chính thức bắt tay vào chẩn đoán hình ảnh để tìm hiểu sự dính liền của hai cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - người trực tiếp theo dõi song Nhi từ 3 tháng tuổi đến nay. Ảnh: Trương Khởi. |
Cô cho biết trong giai đoạn đầu, việc xem và chẩn đoán qua hình ảnh rất khó khăn vì cơ thể này quá lạ lùng và tất cả đều còn nhỏ bé.
Với những em bé bình thường, bác sĩ chỉ cần bơm thuốc cản quang đúng liều theo cân nặng để tiến hành chụp CT. Còn với cặp song Nhi, việc tính toán liều lượng thuốc cho từng bé, trong thể trạng dính liền nhau là điều không dễ dàng.
Lần chụp CT Scan đầu tiên, một bé cho kết quả hình ảnh khá rõ. Bé còn lại do sự thông thương mạch máu, liều thuốc cản quang bơm vào chưa đủ. Ngoài ra, thời điểm đó, Trúc Nhi - Diệu Nhi đều chưa khỏe, thở nặng nên hình ảnh vừa nhòe thuốc, vừa có nhiều xảo ảnh do cử động thở.
Khi song Nhi được 6 tháng tuổi, hội đồng chuyên môn quyết định chụp CT Scan lần thứ 2. Ở lần này, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), đã mời bác sĩ Huỳnh Thị Vân, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh làm việc tại Pháp, về Việt Nam trợ giúp. Chuyên gia này đã đưa ra chiến lược cụ thể để chụp phim và làm thế nào để xác định đúng toàn bộ ống tiêu hóa.
Lúc này, bác sĩ Khánh đã kết luận được chi tiết vị trí giải phẫu, sự dính nhau ở ống tiêu hóa và tiết niệu sinh dục. Tuy nhiên, do kích thước các mạch máu còn quá nhỏ để phân tích, phim CT lần này chỉ có thể phác thảo các hệ cơ quan và sự dính liền, chưa đủ dữ liệu về giải phẫu mạch máu để đảm bảo cho ca mổ.
Để thu thập thêm nhiều thông tin về mặt hình ảnh, cô đã thực hiện siêu âm toàn diện cho Trúc Nhi - Diệu Nhi, gồm siêu âm não, tủy, bụng, chậu... Để xác định được phần ruột bị dính liền, cô cho hai bé uống thuốc cản quang để nhận diện hình ảnh trên phim X-quang.
Với phần khung đại tràng, bác sĩ Khánh phải bơm thuốc cản quang từ hậu môn chung. Để đánh giá não, tủy, đặc biệt là vùng chậu - tầng sinh môn, cô nhiều lần chụp MRI cho song Nhi. Đây là nơi dính nhau có giải phẫu xương, cơ quan sinh dục, ruột rất phức tạp.
30 ngày trước đại phẫu: Phẫu thuật viên chờ ê-kíp chẩn đoán hình ảnh
Khi song Nhi được 9 tháng tuổi, ca đại phẫu tách dính vẫn chưa ấn định được thời gian và lên kế hoạch chi tiết. Nguyên nhân là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chưa lên được phác đồ các mạch máu trong cơ thể hai bé.
"Phim CT Scan của hai lần trước chưa đủ thông tin để định hình được sự thông nối mạch máu. Hai em bé và gia đình chờ phẫu thuật viên, phẫu thuận viên chờ ê-kíp chẩn đoán hình ảnh. Lúc đó, tôi gần như rơi vào tuyệt vọng”, cô kể lại.
Một tháng trước mổ, các bác sĩ hội chẩn và quyết định chụp CT Scan lần thứ 3 cho cặp song sinh. Lần này, cô nhận được sự hướng dẫn từ ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa X-quang, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chẩn đoán hình ảnh nhi khoa, bác sĩ Tuấn đã đưa ra protocol chụp CT mạch máu đồ cho trường hợp dính phức tạp này.
"Kết quả đúng như mong đợi, hình ảnh phân bố mạch máu lần này thật đẹp và rất chi tiết. Tôi đọc hình ảnh CT với tâm trạng phấn khởi và tự tin vô cùng. Những gì tôi mong muốn đều hiện lên rõ ràng, từ nội tạng, sự tách dính tại các cơ quan, đặc biệt là sự thông nối các mạch máu trong cơ thể song Nhi. Bức tranh toàn diện về hai cơ thể dính liền này được phác thảo hoàn chỉnh. Tôi sơ đồ hóa tất cả thông tin đọc được và trình bày lại cho các phẫu thuật viên”, bác sĩ Khánh nói.
Ngay khi sơ đồ thông nối mạch máu hoàn thiện, ca mổ được chính thức sắp xếp lịch và lên kế hoạch chi tiết. Các bác sĩ tự tin cầm dao bước vào cuộc mổ.
Nét đáng yêu của Diệu Nhi trước khi được gây mê, bắt đầu ca mổ. Ảnh: Thuận Thắng. |
"Con trẻ đã mạnh mẽ, người lớn cớ gì để mệt"
Ca đại phẫu tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được thực hiện trong 13 giờ. Trước đó, 4 giờ sau khi tiến hành ca mổ, GS.TS.BS Trần Đông A, Chuyên gia cao cấp, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, người trực tiếp tham vấn chuyên môn và theo dõi ca mổ, cho biết việc chuẩn bị trước phẫu thuật tốt, các hình ảnh chẩn đoán trước đó gần như chính xác hoàn toàn. Do đó, ca mổ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi.
Chia sẻ với Zing tại phòng chiếu trực tiếp ca mổ, cô cho biết những cuộc mổ thông thường, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hầu như không cần vào phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, ca mổ này, cô không thể vắng mặt.
“Suốt 9 tháng qua tôi đã theo dõi, bên cạnh hai bé. 13 giờ phẫu thuật cũng là từng ấy thời gian tôi như ngồi trên đống lửa. Lúc tách Trúc Nhi - Diệu Nhi ra thuận lợi, lượng máu chảy nhiều, tim tôi nổ tung vì vui sướng”, bác sĩ Khánh nói.
Bác sĩ Khánh (bên phải) theo dõi tình trạng của hai bé sau ca mổ tách rời. Ảnh: BSCC. |
"Ca đại phẫu này thực hiện thành công là thành quả của tập thể. Cảm ơn các bác sĩ. Nếu không có những người thầy, những đồng nghiệp sát cánh, tôi khó lòng tự mình thực hiện được", cô nói.
Sau mổ tách, song Nhi được chuyển về khoa Hồi sức Ngoại. Các bác sĩ sẽ theo dõi lâm sàng tình trạng sức khỏe của các con trong từng phút. Các chỉ số tri giác, sinh hiệu, tình trạng thiếu máu, các ống dẫn lưu, thông tiểu, đi tiêu sẽ được kiểm tra chặt chẽ. Bác sĩ Khánh cũng tiếp tục siêu âm, theo dõi cả hai bé trong chặng đường mới.
"Tất cả vẫn đang bắt đầu, hành trình hồi phục và theo dõi song Nhi sẽ còn rất lâu, nhưng tôi tràn đầy hy vọng và không cảm thấy mệt mỏi. Ngay cả chính con trẻ đã mạnh mẽ hơn như thế, người lớn chúng ta có cớ gì để mệt”, cô khẳng định.