Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

300 bản phim điện ảnh Việt Nam bị hư hỏng nặng

Các đạo diễn cho rằng để tạo ra sản phẩm tương đương với chất lượng bản positive gốc, giá thành có thể từ 100.000 USD tới 1 triệu USD cho mỗi bộ phim, tùy mức độ hỏng.

Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp.

Ngày 1/4, trao đổi với Zing, NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải xác nhận mới đây ông cùng 19 thành viên của Hãng Phim truyện Việt Nam ký vào đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về việc 300 bản phim bị hư hại.

Tổn thất nghiêm trọng của điện ảnh Việt Nam

Trong đơn kiến nghị, các nghệ sĩ, đạo diễn của Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết: “Công ty Vận tải thủy (Vivaso) do thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm đã không sửa hệ thống điều hòa bảo quản lạnh của kho phim trong nhiều tháng, khiến 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam cho tới nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được”.

Theo các nghệ sĩ, đạo diễn, đây là tổn thất rất nghiêm trọng cả về mặt tinh thần và vật chất cho nền điện ảnh Việt Nam nói riêng, ngành văn hóa nói chung.

Tuy nhiên, tại họp báo ngày 24/3, khi được hỏi các bộ phim có được coi là di sản hay không và phương án xử lý vụ việc, bà Phan Linh Chi, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói 300 bản phim bị hỏng “chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam và chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản”.

Trước phản hồi này, các thành viên của Hãng Phim truyện Việt Nam khẳng định điều đó không chính xác. “Chúng tôi tin đây là câu trả lời không đúng, dù vô tình hay cố ý, đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng. Công chúng sẽ hiểu các bản phim này không có nhiều giá trị, vì ở Viện phim đã có một ‘bản gốc’ nào đó. Từ ‘bản gốc’ đó, có thể in được rất nhiều bản sao, bản copy khác một cách dễ dàng và không tốn kém gì nhiều về kinh phí", trích nội dung kiến nghị.

Trong đơn, các thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết những bản phim dương bản gốc (positive) được nhắc đến (PV: tức 300 bản phim bị hư hỏng) là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển. Trong đó, một bản được lưu trữ tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Bản còn lại được lưu giữ tại Viện Phim Việt Nam (với mục đích lưu chiểu). Trong điện ảnh, bản positive này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng.

Đặc biệt, để in lại bản phim dương bản gốc mới hoặc số hóa của các bộ phim cũ rất phức tạp, đòi hỏi kinh phí cao vì nó liên quan đến việc phục chế các bản phim gốc đã cũ. Các bản negative này theo thời gian đều xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in. Đây là quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao. Trên thế giới cũng không có nhiều cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế.

hang phim truyen anh 1

Nhiều phim của hãng bị hư hỏng. Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Hiện Viện Phim Việt Nam có những hạn chế về phương tiện kỹ thuật. Để đạt được tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm tương đương với chất lượng bản positive gốc, giá thành có thể từ 100.000 USD tới 1 triệu USD cho mỗi bộ phim, tùy mức độ hỏng, xuống cấp. Nhân lên với việc số hóa, phục chế 300 bộ phim bị hỏng, đây sẽ là con số không hề nhỏ.

Các đạo diễn, nghệ sĩ chỉ ra 300 bản phim nhựa bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, chúng còn có thể được sử dụng ở những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả.

Đề xuất Vivaso in toàn bộ bản phim hỏng

Các nghệ sĩ cho rằng tổn thất của việc hỏng 300 bản phim do sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết của Vivaso là rất nghiêm trọng. Do đó, đề nghị Bộ VHTT&DL có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc 300 bộ phim kinh điển bị làm hỏng, đồng thời có phương án đánh giá công khai, minh bạch thiệt hại để Vivaso đền bù thiệt hại.

Các thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam cũng đưa ra phương án Vivaso - bằng cách nào đó - phải in lại toàn bộ bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của các bản phim gốc và chuyển lại cho Chính phủ quản lý.

Trong cuộc họp báo diễn ra cách đây ít ngày, bà Phan Linh Chi - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VHTT&DL) cho biết Hãng Phim truyện Việt Nam đang có 291 phim. 278 phim trong số đó có bản gốc được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Những phim còn lại không lưu trữ vì Hãng Phim truyện Việt Nam làm theo đơn đặt hàng hoặc hợp tác với đơn vị bên ngoài. Do đó, không cần lo lắng việc bản phim gốc bị mất mát.

Ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.

Năm 1953, Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập. Đây là nơi sản xuất các tác phẩm kinh điển như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông.

Năm 2017, Công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam nhưng sau đó tranh cãi giữa các nghệ sĩ, đạo diễn và lãnh đạo Visaco liên tiếp xảy ra. Một năm sau, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm.

Sau đó, Vivaso xin thoái vốn nhưng suốt nhiều năm chưa thể hoàn tất. Hiện, Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng.

Chàng trai và dự án “Việt Sử Kiêu Hùng”

Trần Minh Tuấn là người đang lèo lái con thuyền mang tên Việt Sử Kiêu Hùng - dự án phim dã sử với nhiều thể nghiệm độc đáo. Anh Tuấn cùng cả nhóm bắt tay thực hiện dự án Việt Sử Kiêu Hùng với các tập phim dã sử nhiều tập, tái hiện những trận chiến oai hùng, nhân vật lịch sử tiêu biểu hay câu chuyện còn nhiều bí ẩn trong lịch sử Việt Nam mang tính chất điện ảnh hoành tráng hơn.

Đêm nhạc của Hiền Hồ, Trịnh Thăng Bình bị hủy bỏ

Đơn vị tổ chức mới đây thông báo hủy đêm nhạc của Hiền Hồ và Trịnh Thăng Bình. Sự kiện dự kiến diễn ra ngày 22/4 tại Quảng Ninh.

Hình tượng đàn ông gây bức xúc trên phim Việt giờ vàng

Các nhân vật nam trong phim truyền hình "Dưới bóng cây hạnh phúc" khiến khán giả bức xúc khi bộc lộ nhiều tính xấu như gia trưởng, thích sống ảo.

Lan Phương

Bạn có thể quan tâm