Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 phút lãng phí đã khiến Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa

Hệ thống báo cháy hoạt động không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề của Nhà thờ Đức Bà.

Theo báo New York Times, ông Benjamin Mouton - kiến trúc sư giám sát việc thiết kế hệ thống phòng cháy của Nhà thờ Đức Bà - thừa nhận ông đã đánh giá thấp về tốc độ lan của ngọn lửa trong vụ cháy ngày 15/4 vừa qua, mà hậu quả là những thiệt hại thảm khốc hơn nhiều so với dự đoán.

Ông Mouton cho biết hệ thống chữa cháy này dựa trên giả định rằng nếu nhà thờ bắt lửa, những phần làm bằng gỗ sồi cổ trên gác mái sẽ cháy chậm, giúp kéo dài thời gian cho lực lượng cứu hỏa.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 1
Kiến trúc sư Benjamin Mouton trên truyền hình Pháp sau khi thảm họa xảy ra. Ảnh: Medias-presse.

Không giống với các địa điểm nhạy cảm tại Mỹ, hệ thống liên lạc với cơ quan cứu hỏa của Nhà thờ Đức Bà không được kích hoạt ngay khi phát hiện cháy. Thay vào đó, một lính gác nhà thờ phải leo lên cầu thang dốc để đến được gác mái, kiểm tra xem ngọn lửa đã thực sự bùng lên chưa trước khi gọi cứu hỏa.

“Quá trình này khiến một người khỏe mạnh mất tầm 6 phút để thực hiện”, ông Mouton giải thích. Chỉ sau khi ngọn lửa bùng lên cao, Sở cứu hỏa mới được thông báo để triển khai các phương án chữa cháy.

Và mất thêm khoảng 20 phút sau - trong trường hợp lực lượng cứu hỏa phản ứng trơn tru, kể từ khi chuông báo cháy vang lên - những người lính cứu hỏa đầu tiên mới đến nơi, mang theo những vòi nước nặng hàng trăm kg để bắt đầu chiến đấu với ngọn lửa.

Càng chậm trễ, mức độ tàn phá càng cao

“Tôi đã choáng váng với tốc độ những thanh gỗ sồi của Nhà thờ Đức Bà bốc cháy”, báo New York Times dẫn lời ông Mouton nói: “Gỗ sồi cổ như vậy thường không dễ cháy. Điều này thật khó hiểu”.

Nhưng các chuyên gia cứu hỏa nhận xét đội ngũ của ông Mouton đã đánh giá thấp rủi ro từ hỏa hoạn, vì các hệ thống phản ứng cháy mà họ thiết kế là quá chậm để ngăn chặn ngọn lửa kịp thời.

“Hệ thống đó gần như vô dụng”, Jonathan Barnett, một chuyên viên cứu hoả tại Basic Expert Australia cho hay. “20 phút là quá nhiều cho thời gian chờ khi một vụ cháy xảy ra. Một khi những thanh gỗ bắt đầu bén lửa, bạn sẽ không thể dập tắt nó. Tôi vẫn không hiểu vì sao họ có thể xây dựng một hệ thống với độ trễ nhiều như vậy”.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 2
Phần màu cam là khu vực cầu thang xoắn dẫn lên gác mái. Ảnh: NYT.

Francois Chatillon, một kiến trúc sư cấp cao từng làm việc trong nhiều sự án phục hồi di tích lịch sử của Pháp, cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ hỏa hoạn với những thanh gỗ sồi bên dưới mái Nhà thờ Đức Bà đã được đề cập đến từ lâu. Ông nói: “Khu vực này như một hộp diêm, chỉ cần ném que diêm vào thì mọi chuyện đã rồi”.

Chatillion còn cho biết thêm rằng ông không hề ngạc nhiên về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà vào hôm 15/4 vừa rồi, vì đáng lẽ ngôi thánh đường đã bị cháy từ trước đó rồi. Tuy vậy, ông Mouton cùng nhóm của ông không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tất cả những quyết định được đưa ra.

Kế hoạch của họ ít nhất đã được Bộ Văn hóa Pháp phê duyệt. Chuyên gia Charlotte Hubert, người đứng đầu một nhóm kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm quản lý các địa điểm lịch sử tại Pháp, cho biết an ninh tại công trình quan trọng như Nhà thờ Đức Bà được chính phủ quản lý rất chặt chẽ. 

Song các chuyên gia cứu hỏa vẫn lên tiếng chỉ trích ông Mouton và ông Régis Prunet, hai trong số các quan chức hàng đầu của dự án Nhà thờ Đức Bà, vì đã tính toán sai trong nhiệm vụ bảo vệ một khối kiến trúc khác thường, phức tạp và quan trọng như Nhà thờ Đức Bà.

Người trong cuộc nói gì?

Ông Mouton là kiến trúc sư phụ trách Nhà thờ Đức Bà từ năm 2000 đến 2013. Trong thời gian tại nhiệm, ông từng giám sát một cuộc cải tổ lớn về phòng cháy ở ngôi thánh đường 856 năm tuổi này.

“Vấn đề an toàn hỏa hoạn đã được tôi đề cập ngay khi nhận nhiệm vụ”, ông nhấn mạnh. “Tôi đã quản lý vấn đề này từ đầu đến cuối”.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 3
Tóm tắt diễn biến 30 phút đầu khi ngọn lửa bùng lên. 

Mouton và Prunet đã phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn. Trước đây, chưa từng có một kế hoạch phòng cháy chữa cháy, thậm chí kế hoạch sơ tán con người bên trong Nhà thờ Đức Bà trong trường hợp ngọn lửa bùng lên.

Hai ông là những người đầu tiên được thuê để thiết kế hệ thống một hệ thống phòng cháy hiệu quả nhất có thể.

Nhưng khi ngân sách tăng cao hơn dự kiên, chính quyền đã quyết định rút ngắn thời gian duy trì dự án từ 4 xuống còn 2 năm. “Dù tài chính thế nào, chúng tôi cũng không vì vậy mà thu hẹp quy mô dự án”, ông Mouton cam đoan.

Trên thực tế, đã có những cuộc tranh cãi về việc lắp đặt vòi phun nước hoặc tường chống lửa trên khu vực gác mái vì sợ ảnh hưởng đến cấu trúc gỗ lịch sử ở đây.

Các chuyên gia cho biết họ sẵn sàng hy sinh trạng thái nguyên sơ của những gì đã xây dựng hơn 850 năm trước, để có thể cứu được ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà nếu hỏa hoạn xảy ra. Song ý kiến đó đã bị bác bỏ.

“Không chỉ thay đổi bề ngoài, việc lắp tường lửa sẽ làm hỏng cả chi tiết bên trong. Vì nếu muốn bổ sung một thành phần khác, bạn bắt buộc phải cắt bỏ bớt gỗ đi”. Ông Mouton cũng cho biết phương án lắp vòi phun nước cũng bị loại vì sẽ “nhấn chìm cả công trình”.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 4
Cấu trúc gỗ sồi phức tạp trên gác mái Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: NYT.

Công nghệ tường chống lửa đã được sử dụng ở những nơi khác trong nhà thờ, nhưng không phải trên gác mái. Ông Prunet cho biết độ phức tạp của cấu trúc gác mái Nhà thờ Đức Bà là ở một tầm cao khác: các thanh gỗ sồi đan vào nhau kín đến mức ông gọi đây là “khu rừng”.

Những cuộc thử nghiệm đã được ông Mouton tiến hành để xác định thời gian cần thiết cho một người khỏe mạnh leo lên gác mái kiểm tra ngọn lửa. “Giải pháp đó có vẻ hợp lý với tôi, khi xem xét rằng gỗ sồi già không dễ cháy như thế”.

Những chỉ trích nối dài

6h20 chiều, lính canh gác mái Nhà thờ Đức Bà theo lên nóc để kiểm tra tình hình sau khi hệ thống cảnh báo cháy lần đầu. Người này không thấy một ngọn lửa rõ ràng nào và đi xuống. Ít lâu sau, chuông báo cháy vang to lần nữa và ngọn tháp 856 năm tuổi của Nhà thờ Đức Bà Paris sụp đổ sau 2 tiếng bén lửa.

“Cần phải làm một cuộc điều tra đầy đủ về lần báo hiệu đầu tiên đó”, Glenn Corbett, giáo sư khoa học lửa tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, khẳng định. “Đó có lẽ là sai lầm lớn nhất họ mắc phải”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia hỏa hạn vẫn đang cố gắng để giải thích niềm tin của ông Mouton về việc lửa sẽ lan chậm trong gỗ già, cứng. Ông Corbett nói rằng trong những truyền thuyết vô căn cứ từ lâu, các đám cháy trong những toà nhà gỗ nặng có niên đại từ thế kỷ 19 đôi khi được gọi với cái tên “cháy chậm”.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 5
Khu vực tháp và gác mái sau vụ cháy. Ảnh: NYT.

Ông Barnett, chuyên gia người Úc, lại nhấn mạnh rằng thời gian cần thiết để một thanh gỗ dày bắt lửa hoàn toàn khác với việc tính toán ngọn lửa sẽ lan nhanh thế nào. “Ông ta đã tính toán sai diện tích lớn của bề mặt”, Barnett cho biết. “Nhiệt lượng lúc đó rất lớn khiến ngọn lửa lan nhanh”.

Vào thời điểm chuông báo thứ hai vang lên lúc 6h43 chiều, người lính gác leo lên cầu thang lần nữa, nhưng ngọn lửa đã lan thành đám cháy lớn. Đội cứu hoả có mặt lúc 6h51.

Guillaume Poitrinal, chủ tịch Fondation du Patrimoine, một tổ chức quảng bá di sản kiến trúc Pháp, cho hay tất cả những tai họa vừa xảy ra là có thể tránh được. Công ty Siemens đã cung cấp công nghệ báo cháy sớm từ năm 2013, nhưng bị từ chối được cung cấp hợp đồng dịch vụ cho Nhà thờ Đức Bà nên không thể trả lời những câu hỏi vận hành liên quan.

Báo cháy ở Pháp không bao gồm tính năng tự động cảnh báo cho Sở cứu hoả, người phát ngôn của đội cứu hoả Paris xác nhận. “Có thể có báo động sai, nên chúng tôi phải có người xác nhận trước”, Gabriel Plus từ đội cứu hoả nói như một cách gỡ vòng vây cho kiến trúc sư Mouton.

Bài học để lại về giải pháp cứu hỏa

Một giải pháp được nhắc đến nhiều sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà là sự hiện diện thường trực thường trực của lính cứu hỏa tại công trình. Bất cứ toà nhà nào cũng “mang nguy cơ cháy”, và giải pháp này hiện đã được áp dụng tại bảo tàng Lourve, toà án thành phố Paris, Quốc hội và Thư viện Quốc gia.

Song Nhà thờ Đức Bà lại không nằm trong danh sách này.

30 phut lang phi khien Nha tho Duc Ba ton hai anh 6
Người dân Paris tham gia một buổi lễ bên ngoài Nhà thờ Đức Bà vào hôm qua 19/4. Ảnh: NYT.

Ông Mouton cũng đã thừa nhận rằng lính cứu hỏa tại chỗ sẽ là cách đáng tin cậy nhất để chống thiệt hại do hoả hoạn, nhưng ông nói điều này sẽ bất khả thi nếu “những đám cháy xảy ra ở khắp mọi nơi tại Paris và ngoại ô”.

Dù vẫn có một số rủi ro khi thực hiện, “mọi thứ đều tương đối”, ông Mouton nói. “Hiện tại, tôi đang rất bối rối vì những gì đã xảy ra”. Ông Mouton rồi sẽ bắt tay vào việc xây dựng một hệ thống cứu hỏa khác, nhưng có lẽ ông đã nhận được bài học kinh nghiệm lớn nhất đời mình.

“Hệ thống phát hiện sẽ như cũ”, nhưng hệ thống phản hồi sẽ thay đổi. Tôi đã biết rằng một vài phút ban đầu của đám cháy sẽ quyết định tất cả”, ông nói. Dừng một chút, ông tiếp lời: “Thực tế là, một người luôn làm tốt hơn sau những sai lầm”.

Cỗ máy giúp dập tắt đám cháy trong nhà thờ Đức bà Paris Lực lượng cứu hỏa Pháp đã tận dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ những người lính trong việc khống chế ngọn lửa nhấn chìm Nhà thờ Đức Bà trong vụ cháy gần đây.

Cận cảnh công trình ở Syria truyền cảm hứng cho Nhà thờ Đức Bà Paris

Vương cung thánh đường từ thế kỷ 5 được cho là nguyên bản của công trình nhà thờ nổi tiếng ở Pháp rơi vào tình trạng bị lãng quên sau khi nổ ra xung đột ở Syria năm 2011.








Hữu Chiến

Bạn có thể quan tâm