Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 năm sau vụ nổ tàu con thoi gây chấn động nước Mỹ

Hơn một phút sau khi rời bệ phóng, tàu con thoi Challenger, một trong những niềm tự hào của hàng không vũ trụ Mỹ, nổ tung trước sự chứng kiến của hàng triệu người.

Sự kiện phóng tàu Challenger còn mang ý nghĩa đặc biệt, khi một giáo viên sẽ trực tiếp giảng bài từ quỹ đạo trái đất. Cô Christa McAuliffe, một giáo viên về xã hội học tại trường Trung học Concord, New Hampshire, được NASA lựa chọn. Thời gian dài trước chuyến du hành, người ta coi đây là may mắn với cô.

Tàu Challenger thực hiện sứ mệnh lịch sử tại trung tâm vũ trụ Kennedy, Florida. Nhiều tháng trước, người ta gấp rút hoàn thiện các khâu để sẵn sàng phóng tàu vào không gian.

Hệ thống đặc biệt đưa Challenger cùng các tên lửa đẩy từ nhà chứa tới bệ phóng. Tàu Challenger còn có tên khác là OV-099, thực hiện lần cất cánh đầu tiên trong tháng 4/1983. Tới khi gặp nạn năm 1986, tàu đã thực hiện được 10 sứ mệnh với thời gian trên quỹ đạo đạt 62 ngày, 7 giờ, 56 phút và 22 giây. Nó quay 995 vòng xung quanh quỹ đạo trái đất và di chuyển qua khoảng cách 41,5 triệu km.

7 thành viên phi hành đoàn tàu Challenger trước giờ phóng. Từ trái sang phải là Christa McAuliffe, Gregory Jarvis, Judy Resnik, chỉ huy Dick Scobee, Ronald McNair, phi công Michael Smith và Ellison Onizuka.

Tàu Challenger rời bệ phóng ngày 28/1/1986 trước sự chứng kiến của hàng triệu người, trong đó có hàng nghìn em nhỏ đang ấp ủ mong ước trở thành phi hành gia.

Khoảnh khắc tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn ở phía bên phải tàu Challenger gặp sự cố. Tại thời điểm này, tàu rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Kennedy chưa đầy một phút.

Con tàu nổ tung sau 73 giây rời bệ phóng. Vụ tai nạn khiến thân tàu nát vụn thành nhiều mảnh nhỏ, kéo theo cái chết của 7 phi hành gia. Vụ tai nạn giáng một đòn mạnh vào chương trình tàu con thoi của NASA, vốn là niềm tự hào của cả nước Mỹ.

Ở giây thứ 76, một trong các tên lửa đẩy của tàu bay vô định trong không trung. Các mảnh vỡ từ thân tàu rơi xuống phía dưới trong lớp khói. Đám mây màu nâu đỏ bao trùm Challenger bắt nguồn từ nhiên liệu của tàu.

Bức ảnh được công bố sau tai nạn, cho thấy mảnh vỡ của Challenger rơi xuống phía dưới. Mũi tên trên cùng chỉ vào mảnh vỡ phần cánh trái của tàu, mũi tên thứ 2 là phần động cơ chính trong khi mũi tên cuối cùng là phần thân tàu.

Vụ tai nạn gây ra cú sốc lớn với người dân Mỹ. Tổng thống Ronald Reagan (giữa) cùng các quan chức cấp cao trong khoảnh khắc xem lại thảm kịch tàu con thoi Challenger trên TV. Tại thời điểm thảm kịch xảy ra, phi đội tàu con thoi được coi là biểu tượng cho công nghệ chinh phục không gian của Mỹ, vượt xa đối thủ lớn nhất của họ là Liên Xô.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và Hải quân Mỹ được huy động để vớt các mảnh vỡ từ vụ tai nạn trên Đại Tây Dương, nơi Challenger rơi xuống. Nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn và thu thập mảnh vỡ kéo dài nhiều tuần. Chúng được đưa trở tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để điều tra nguyên nhân tai nạn.

Thi thể các phi hành gia cũng được tìm thấy và đưa trở lại Florida trước khi trả về gia đình.

Kết quả điều tra kéo dài nhiều tháng cho thấy, nguyên nhân thảm họa là do các vòng đệm bằng cao su bên trong tên lửa đẩy hư hại vì nhiệt độ xuống thấp vào đêm trước diễn ra vụ phóng. Sự cố này gây rò rỉ khí rất nóng áp suất cao từ tên lửa. Nó thổi thẳng vào bình nhiêu liệu gắn ngoài của tàu, gây thủng bình trước khi nổ.

Tháng một hàng năm, NASA tổ chức lễ tưởng niệm thảm kịch Challenger và các sự cố không gian khác. Đáng buồn, Challenger không phải là tàu con thoi duy nhất gặp nạn. Ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia nổ tung trong quá trình trở lại trái đất, gây ra cái chết của 7 phi hành gia. Tai nạn xảy ra vài ngày sau khi bức ảnh này được chụp.

Thảm kịch tàu con thoi Challenger Ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nổ tung sau 73 giây rời bệ phóng, sát hại toàn bộ 7 phi hành gia đang trên đường bay vào không gian.

Hồng Duy

Ảnh: NASA

Bạn có thể quan tâm