Các nhà khoa học tại Đại học Leeds, Edinburgh và Hoàng gia London đã sửng sốt trước lượng băng mất đi của Trái Đất. Họ kết luận Trái Đất đã mất khoảng 28.000 tỷ tấn băng trong chưa đầy 3 thập kỷ qua. Lượng băng đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt nước Anh với độ dày 100 m. Sự mất mát này đang tiếp diễn.
Phân tích của nhóm nghiên cứu tại Anh đồng thời cảnh báo sông băng và chỏm băng tan có thể khiến nước biển dâng thêm 1 m vào cuối thế kỷ, theo Guardian.
"Mỗi cm nước biển dâng đồng nghĩa 1 triệu người sẽ di dời khỏi quê hương ở vùng đất thấp", Andy Shepherd, Giám đốc Trung tâm Quan sát và Mô hình hóa Vùng cực, Đại học Leeds, ước tính.
Bên cạnh đó, tốc độ băng tan hiện nay sẽ làm giảm nghiêm trọng khả năng phản chiếu bức xạ Mặt Trời trở lại không gian. Băng trắng biến mất để lại biển và đất bên dưới, hấp thụ lượng nhiệt ngày càng lớn. Hệ quả là Trái Đất nóng lên nhanh hơn nữa.
Sông băng tan chảy trên quần đảo Svalbard ở Bắc Cực. Ảnh: Getty. |
Nước ngọt sinh ra từ sông băng và chỏm băng tan làm thay đổi trên diện rộng đặc tính sinh học vùng nước ở Bắc Cực và Nam Cực. Sông băng trên vùng núi biến mất sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước sạch cho nhiều cộng đồng.
"Trước đây, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu một số khu vực riêng biệt như Nam Cực hay Greenland, nơi xảy ra băng tan. Đây là lần đầu tiên có người xem xét toàn bộ lượng băng đang biến mất trên khắp hành tinh. Những gì phát hiện được đã khiến chúng tôi rất sốc", Shepherd chia sẻ.
Nhóm của Shepherd đã nghiên cứu khảo sát từ vệ tinh các sông băng tại Nam Mỹ, châu Á, Canada và một số vùng khác. Họ cũng xem xét chỏm băng bao phủ vùng đất tại Nam Cực và Greenland, cùng những thềm băng trôi từ Nam Cực ra biển. Phạm vi nghiên cứu áp dụng trong giai đoạn 1994-2017.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, phần lớn lượng băng mất đi của Trái Đất là hệ quả trực tiếp từ khí hậu đang nóng lên", các nhà khoa học kết luận trong bài viết đăng trên tạp chí Cryosphere Discussions.