Đạo nhạc luôn là câu chuyện muôn thuở ở làng giải trí. Năm nay, thị trường quốc tế có khá ít bê bối liên quan tới vấn đề này nhưng mỗi vụ scandal đều cho thấy sức ảnh hưởng lớn, thậm chí phá hủy hình ảnh nghệ sĩ và khiến họ lao đao trong sự nghiệp.
Katy Perry suýt bị phạt 20 triệu USD vì đạo nhạc
Cuối tháng 7, có tới tới 9 bồi thẩm đoàn đã nhất trí hit Dark Horse (2013) của Katy Perry là sản phẩm đạo nhái Joyful Noise - ca khúc thuộc sở hữu của rapper Flame từ 11 năm trước.
Theo New York Times, AP, 20 triệu USD là mức phạt áp dụng ban đầu cho bạn gái Orlando Bloom và những cá nhân/đơn vị liên quan gồm hãng thu âm Capitol Records, Dr. Luke, Max Martin và Cirkut. Nhưng sau cùng, họ chỉ mất 2,27 triệu USD (riêng Perry chỉ nộp 550.000 USD) cho vụ bê bối này.
Emanuel Lambert - luật sư của Flame - trả lời báo chí về án phạt đối với giọng ca sinh năm 1984: "Chúng tôi làm điều này không phải vì tiền. Thân chủ tôi muốn tìm kiếm công lý và vì vậy, ông ấy hài lòng với phán quyết của tòa".
Katy Perry lao đao khi tòa đưa ra phán quyến trong vụ kiện với Joyful Noise, dù trước đó cô tỏ ra khá bình thản. |
Trước đó, ở phiên xét xử đầu, Flame nhấn mạnh Perry đã sử dụng trái phép giai điệu từ ca khúc của anh. Nam rapper còn khẳng định hình ảnh phù thủy trong MV Dark Horse gây ảnh hưởng tới danh dự của người đạo Cơ đốc. Vì thế, anh muốn được pháp luật can thiệp để đòi lại công bằng.
Còn về phía nữ ca sĩ, cô lý giải rằng muốn truyền tải thông điệp nữ quyền qua hình ảnh ẩn dụ từ con ngựa Trojan ở MV, chứ không như lời Flame nói là liên quan tới tôn giáo.
Giọng ca 8X còn giải thích phần nhạc của Dark Horse do Dr. Luke và Cirkut sáng tác có thể đã chịu ảnh hưởng từ Joyful Noise. Trong khi đó, 2 nhạc sĩ kia đều phủ nhận từng nghe qua bài hát của Flame.
2019 là một năm thảm bại đối với Katy Perry khi cô liên tiếp dính tới kiện tụng bản quyền âm nhạc, hình ảnh. Ngoài ra, màn trở lại của ca sĩ với single Harleys In Hawaii cũng không được nhiều người đón nhận. Sản phẩm này thậm chí không thể lọt nổi BXH Billboard Hot 100.
Quán quân American Idol liên tục bị tố ăn cắp chất xám
Theo đuổi dòng nhạc đồng quê ngọt ngào và êm dịu, Carrie Underwood trở nên nổi tiếng sau khi đoạt giải quán quân American Idol 2005. Đến nay, cô đã gặt hái được thành công nhất định nhưng cũng lắm bê bối liên quan tới bản quyền nhạc.
Carrie Underwood là ca sĩ nổi tiếng, từ 7 lần nhận giải Grammy. |
Vào năm 2013, nhạc sĩ Amy Bowen đã tố hit Remind Me của Underwood và tay chơi guitar Brad Paisley có những điểm tương đồng với ca khúc cùng tên của cô.
Theo tìm hiểu, trong vụ kiện này, Bowen đã nhờ nhà âm nhạc học Judith Finell nghiên cứu rất kỹ giai điệu của hai ca khúc. Song song đó, một thẩm phán tên Aleta Trauger cũng đưa ra 4 lập luận chứng minh Paisley và Underwood đạo nhạc.
Thế nhưng, tòa đã tuyên bố giọng ca tuổi 46 trắng án trong phiên xét xử sau đó 3 năm.
Đến năm 2017, Underwood lại bị tố ăn cắp chất xám. Lần này đến từ Ron McNeill và Georgia Lyons. Cụ thể, bộ đôi nghệ sĩ nói họ được thuê để viết bài hát Something In The Water cho Underwood nhưng cuối cùng không được ghi tên là tác giả.
Mới đây nhất, trong năm nay, quán quân American Idol tiếp tục vướng ồn ào. Hôm 19/6, nữ ca sĩ Heidi Merrill đã kiện Underwood đạo nhạc. Trong đơn, Merrill nói ca khúc Game On của cô bị Underwood cướp trắng trợn từ giai điệu cho đến tên gọi.
"Game On từng được Merrill gửi cho Mark Bright (nhà sản xuất âm nhạc của Underwood) nhưng ông từ chối phát hành. Một năm sau, Underwood lại ra mắt ca khúc này. Game On còn được chọn làm nhạc nền cho giải bóng đá bầu dục Mỹ", nguồn tin cho biết.
Carrie Underwood bị Heidi Merrill kiện ăn cắp trắng trợn ca khúc Game On. |
Tim Foster - luật sư riêng của Heidi Merrill - đã liên hệ với Underwood để đề nghị giải quyết nhưng bị từ chối. Ông bức xúc nói trên Reuters: "Bài hát của cô ấy rất giống với sáng tác của Merrill. Chúng tôi muốn được bồi thường một khoản tiền xứng đáng".
Trước hàng loạt những câu hỏi từ báo chí, giọng ca nhạc đồng quê vẫn cương quyết giữ im lặng. Hiện, đơn kiện từ Merrill đã được tòa án ở New York thụ lý và sẽ đưa ra xét xử thời gian tới.
Lady Gaga và ồn ào Shallow
Shallow là bản tình ca đầy cảm xúc, gắn liền với những trường đoạn hạnh phúc nhất của hai nhân vật do Lady Gaga và Bradley Cooper thể hiện ở A Star Is Born - tác phẩm điện ảnh ăn khách bậc nhất năm 2019.
Hồi tháng 2, khi cặp nghệ sĩ mang Shallow lên sân khấu Enigma cùng những cái ôm, ánh mắt luôn hướng về nhau, khán giả cho biết họ đã thực sự tin Gaga và Cooper yêu nhau nồng nàn trong giây phút đó.
Và như một quy luật, dù nhận vô vàn lời ca ngợi và thống trị các BXH lớn (trong đó có Billboard 200), Shallow vẫn không tránh khỏi nghi vấn đạo nhái.
Lady Gaga và Bradley Cooper từng vướng tin đồn phim giả tình thật sau màn song ca Shallow trên sân khấu Enigma (Las Vegas, Mỹ). |
Khoảng 4 tháng trước, trên Us Magazine, nhạc sĩ vô danh Steve Ronsen tố Lady Gaga và ê-kíp đã sao chép một đoạn giai điệu cho Shallow từ Almost, ca khúc kém nổi tiếng của ông.
"Shallow có khá nhiều nốt giống với Almost, đặc biệt là đoạn three-note progression G, A, B (3 hợp âm trong một trình tự nhất định) kể từ đoạn: 'I'm falling. In all the good times I find myself...'. Ronsen cho rằng đoạn three-note progression được ông viết năm 2012 và bây giờ Shallow lại được sử dụng giai điệu đó", nguồn tin dẫn lời nhạc sĩ.
Đáp trả cáo buộc này, cô nàng quái chiêu đã mạnh dạn nhờ nhà thẩm định âm nhạc nghe hai ca khúc trên. Kết quả, các chuyên gia khẳng định không tìm thấy điểm tương đồng nào giữa Almost và Shallow. Họ còn cho rằng đoạn three-note progression trong sáng tác của Ronsen từng được sử dụng rộng rãi ở thập kỷ trước.
Tuy như vậy, phía Ronsen vẫn kiên quyết kiện Lady Gaga. Hôm 8/8, đại diện pháp lý của nhạc sĩ đã cung cấp hồ sơ vụ kiện cho cảnh sát, với yêu cầu nữ ca sĩ phải bồi thường hàng trăm triệu USD.
Trước động thái này, luật sư riêng của Gaga lập tức bày tỏ sự tức giận và gọi hành động đó là làm tiền, xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự và uy tín nghệ sĩ. Hiện, vụ kiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.