Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 hướng đổ bộ của bão số 3 - Wipha khi vào đất liền

Sau khi quét qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cơ quan khí tượng đưa ra 3 kịch bản đổ bộ của bão số 3 nhưng đều gây mưa lớn và nguy cơ sạt lở đất ở miền Bắc.

Dự báo ngày 31/7 về đường đi của bão số 3 - Wipha Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đã hình thành trên khu vực bắc Biển Đông. Trong 2 ngày tới, bão dự kiến vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định, gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ.

Chiều 31/7, tâm bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) nằm cách khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) 250 km về phía đông. Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10 km/h, quét qua khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi tiến về phía vịnh Bắc Bộ. 

"Tuy nhiên khi đi vào đất liền, bão có thể đổ bộ tại các khu vực theo nhiều kịch bản khác nhau", tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết. 

3 kịch bản đổ bộ của bão Wipha

Theo tiến sĩ Lâm, các phân tích về bão số 3 hiện nay cho thấy sự khác biệt khá lớn về vị trí, cường độ của bão ở thời điểm hiện tại so với các mốc thời gian trong 3 ngày tới. 

Theo đó, bão số 3 - Wipha có thể đổ bộ đất liền các tỉnh Bắc Bộ theo 3 kịch bản khác nhau. Khả năng cao nhất là bão di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu, sau đó hướng về vịnh Bắc Bộ và mạnh lên khi đổ bộ các tỉnh ven biển miền Bắc.

Quảng Ninh và Nam Định được cho là khu vực đổ bộ trực tiếp của bão nếu theo kịch bản này.

Kịch bản số 2 là sau khi đi qua vịnh Bắc Bộ, bão Wipha di chuyển dọc biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu theo hướng này, các tỉnh miền núi phía Bắc là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bão đổ bộ. 

Khả năng thứ 3, bão có thể men theo ven biển, đi xuống khu vực đồng bằng Bắc Bộ rồi tới Thanh Hóa. Sau khi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng áp thấp. 

"Các thông tin dự báo về bão số 3 sẽ được thay đổi, cập nhật liên tục do cường độ và quỹ đạo của cơn bão này rất phức tạp", ông Lâm nhận định. 

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa lớn diện rộng

Dù chưa thể nhận định chính xác khu vực đổ bộ của bão số 3 khi vào đất liền nhưng chuyên gia thời tiết khẳng định bão sẽ gây ra mưa lớn diện rộng cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên là khu vực Đông Bắc, sau đó mưa mở rộng dần ra khu vực Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và một phần khu vực từ Thanh Hóa đến Nghệ An. Mưa lớn tập trung vào khoảng đêm 2/8 kéo dài đến ngày 3/8.

Cơ quan khí tượng cảnh báo mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn có thể gây ra nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở Tây Bắc và khu vực dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn. Mưa lớn cũng khả năng gây ra ngập úng ở vùng trũng và đô thị.

bao so 3 anh 3
Bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây ngập úng vùng trũng và đô thị. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. 

Hiện, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Sóng biển cao 3-5,5 mét.

Từ sáng 1/8, vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, sau đó tăng lên cấp 7-8 khi bão đổ bộ. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5 mét.

Chiều 1/8, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa dông kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh. Mưa lớn sẽ kéo dài đến hết ngày 4/8, tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn. 

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An và khu vực sông suối tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên 2-5 mét. Vùng núi phía Bắc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. 

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 3, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai đã họp khẩn, yêu cầu các địa phương khẩn trương lên phương án ứng phó với bão. Kế hoạch cần được triển khai tại tất cả các khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị, vùng trũng và trung du để người dân chủ động phòng tránh khi bão đổ bộ. 

Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão số 3, giật cấp 11 khi đổ bộ

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sáng 31/7 đã mạnh lên thành bão số 3 có tên quốc tế là Wipha. Trong 2 ngày tới, bão có thể đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh và Nam Định.



Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm