Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) đang tới gần. Dịp này, nhiều người không tiếc tiền mua đồ sang mạ vàng 24K làm quà cho chị em, tuy nhiên, có những điều không phải ai cũng biết.
Không chỉ có hồng mạ vàng
Cách đây vài năm, hồng mạ vàng lần đầu đổ bộ thị trường Việt đã tạo ra cơn sốt, thu hút giới trẻ bởi nó vừa đẹp vừa độc lạ. Nhưng khi trở nên phổ biến, hồng vàng không còn giữ được sức hấp dẫn như trước nữa.
Để hút khách, năm nay các chủ buôn không chỉ bán hoa hồng mạ vàng mà còn trình làng nhiều loại hoa khác cũng được mạ vàng 24K như lan, cúc, hướng dương, sen, tulip, loa kèn, rhum,…
Theo khảo sát của Zing.vn, nếu được mạ vàng 24K thật, giá của chúng thường dao động từ 900.000-1 triệu đồng một hộp nhỏ (kích thước 13x13 cm), 2,5-3 triệu đồng một hộp lớn (kích thước 13x23 cm) hoặc 3 triệu đồng một bông. Còn nếu là hàng giả, mỗi bông hoa chỉ có giá 400.000-500.000 đồng (tùy loại).
Ngoài ra, còn có một số sản phẩm mạ vàng khác như chocolate. Chúng được bán với giá 2,5 triệu đồng/hộp to gồm 4 chữ cái L,O,V,E hoặc 1 triệu đồng một hộp nhỏ.
Năm nay trên thị trường không chỉ có hoa hồng mạ vàng mà còn có nhiều loại hoa khác cũng được mạ vàng 24K như lan, cúc, hướng dương, sen, tulip,... Ảnh: Hiếu Công.
|
Một công ty chuyên các loại quà tặng ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) còn trình làng cả chậu hoa lan mạ vàng 24K với giá gần 20 triệu đồng. Đơn vị này cũng đang ấp ủ tung ra thị trường đôi thiên nga bên trong chứa lá vàng tán mỏng giá vài triệu đồng/đôi.
Để cho ra đời những bông hoa mạ vàng đẹp đúng dịp 8/3, theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp này (xin được giấu tên), từ 4-6 tháng trước đó, đội ngũ của họ đã phải nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm mới bởi việc ra khuôn mẫu mất rất nhiều thời gian.
Tuy vậy, theo ghi nhận của Zing.vn, đến nay lượng khách đặt mua hoa mạ vàng chưa nhiều dù dân buôn tung đủ chiêu kích cầu như khuyến mại gấu bông, giảm giá...
Anh Vũ Mạnh Cường (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng anh sẽ mời bạn gái đi ăn uống "sang chảnh" thay vì bỏ ra một số tiền lớn để mua hoa mạ vàng.
"Tôi thấy chi vài triệu mua một bông hồng vàng là lãng phí. Tôi sẽ để số tiền đó làm một số việc thực tế hơn như đưa bạn gái đi ăn uống, mua món đồ mà cô ấy thích", anh nói.
Khác với giới trẻ, ông Bùi Đa (57 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay ông sẽ chọn mua một bông hồng vàng tặng vợ. "Vợ tôi thích mua vàng làm của để dành nên tôi nghĩ món quà này là hợp lý", ông chia sẻ.
Trong khi đó, chị Trần Thùy Dung, người bán hồng mạ vàng qua mạng, cho biết năm nay lượng người đặt mua không nhiều.
"Tôi giảm giá, tặng thêm hộp đựng, thậm chí cả gấu bông, tung đủ chiêu mà cũng ít người hỏi. Hơn một tuần qua tôi mới chỉ nhận được 3-4 đơn hàng chủ yếu từ người quen, thân mua ủng hộ là chính", chị kể.
Dân buôn tặng gấu bông cho khách mua hồng mạ vàng, nhưng sản phẩm này vẫn không hút khách. Ảnh: Mai Anh. |
Nguyên liệu làm hồng mạ vàng được nhập từ nhiều nơi
Ông Phạm Ngọc Long, chủ một đơn vị chuyên mạ vàng quà tặng khẳng định hoa mạ vàng không thể có giá vài trăm nghìn đồng một bông.
Để chứng minh cho điều này, ông phân tích mỗi chỉ vàng nguyên liệu có giá từ 3,6-4 triệu đồng. Sau khi trải qua nhiều khâu để biến vàng thành hạt nano phủ, người chế tác sẽ phải cộng thêm rất nhiều chi phí cho công đoạn đó.
“Như vậy, lượng vàng thật phủ lên hoa trị giá tiền triệu chứ vài trăm nghìn một bông thì không thể là vàng. Đó có thể là một số hạt kim loại cũng ở dạng nano như kim loại thiếc hoặc bột kim loại nặng”, ông nhấn mạnh.
Để làm thành một bông hoa mạ vàng thật, đơn vị chế tác phải nhập nguyên liệu từ nhiều nơi. Ảnh: Hiếu Công. |
Với 15 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Long cho hay có 3 loại nguyên liệu chính để tạo thành hoa mạ vàng 24K thật gồm hạt nhựa tinh chất các loại như PP…, các loại kim loại gồm cả vàng 24K và hợp kim thiếc.
“Mỗi bông hoa mạ vàng là sản phẩm của sự kết hợp giữa nguyên liệu được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Đức, Trung Quốc… Đơn cử vàng bóng, khuôn được nhập từ Đức, vàng mờ sử dụng công nghệ Đài Loan, khung bo có những chi tiết nhập từ Hàn Quốc, có những cái nhập từ Trung Quốc…”, ông dẫn chứng.
Đồ phủ vàng ăn được khi nào?
Chocolate mạ vàng mang tính tượng trưng chứ không thể ăn được. Ảnh: Hiếu Công. |
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại chocolate mạ vàng 24K, nhưng thực tế chúng không dùng để ăn vì được làm từ sứ màu như chocolate với “hạn sử dụng” lên tới 20 năm. Nguyên liệu chỉ mang tính chất tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.
Theo một chuyên gia ở lĩnh vực này, tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, các món ăn phủ vàng đều trải qua những công đoạn xử lý rất công phu. Nếu vàng phủ trên các món ăn là vàng tinh khiết, ở dạng nano, được xử lý đúng quy chuẩn, được cấp giấy chứng nhận của các cơ quan danh tiếng ở nước ngoài thì ăn vào không vấn đề gì còn ngược lại, bạn đang đưa kim loại nặng vào người.
Vị này khuyến cáo dù là vàng tinh khiết ăn nhiều cũng không tốt.