Ngày 12/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021). Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, nhận định điểm nhấn trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội là cùng thành phố xây dựng, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành 3 nghị quyết mang tính đột phá.
Trong đó, một trong những nghị quyết quan trọng, chưa có tiền lệ là Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói về 3 điểm nhấn của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIV. Ảnh: C.H. |
Hai điểm nhấn còn lại là Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.
"Đoàn đại biểu Quốc hội đã đồng hành cùng chính quyền thành phố từ những ngày đầu xây dựng đề án cho đến khi được thông qua và đi vào tổ chức triển khai. Những điều trên thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm của các đại biểu Quốc hội dành cho TP", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định UBND thành phố sẽ tận dụng những cơ chế đặc thù, những nghị quyết trên một cách hiệu quả nhất để phục vụ người dân tốt hơn.
Tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ông Quang cho rằng việc được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết là điều chưa địa phương nào, chưa nhiệm kỳ nào làm được.
"Chúng ta cần lưu tâm Nghị quyết 54 đã đi qua hơn 60% thời lượng nhưng kết quả còn khiêm tốn. Ngoài ra, việc thành lập TP Thủ Đức nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp và không được chuẩn bị chu đáo sẽ rất nhiều người buồn, thất vọng vì đã nỗ lực để nghị quyết được thông qua", Phó bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý.
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIV vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.
Cụ thể, các hội thảo xây dựng pháp luật được tổ chức nhiều nhưng số lượng đại biểu tham dự còn hạn chế. Các tài liệu dự án luật được gửi chậm khiến đại biểu ít thời gian tham khảo, nghiên cứu.
Ngoài ra, các cuộc giám sát, khảo sát do Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia còn ít, việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ hỗ trợ còn hạn chế. Đặc biệt, việc đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số cơ quan còn chậm giải quyết đơn thư cùa người dân dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm.