Người dân tại TP.HCM vừa hứng chịu trận mưa lớn vào tối 6/8. Mưa trút xuống với cường độ lớn liên tục trong nhiều giờ đã khiến một số tuyến đường ngập sâu. Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ nhận định đây là trận mưa lớn nhất kể từ đầu năm nay tại TP.HCM.
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết trận mưa tối qua có nhiều điểm bất thường so với những đợt mưa khác từ trước đến nay ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ. Một số khu vực đã ghi nhận lượng mưa lịch sử.
Đặc biệt và bất thường
Theo bà Lan, trận mưa lớn tối 6/8 tại TP.HCM có 3 điểm bất thường cần được phân tích. Thứ nhất, khu vực thường duy trì kiểu hình sáng nắng, chiều mưa từ tháng 5 đến tháng 10 nhưng với thời lượng mưa mỗi ngày chỉ kéo dài 15-30 phút, tối đa là 1 giờ.
Tuy nhiên, trận mưa tối qua bắt đầu nặng hạt từ 19h và kéo dài đến 22h, sau đó giảm dần. Như vậy, TP.HCM đã mưa liên tục 3 giờ với cường độ lớn. Đây là điều hiếm khi xảy ra.
Thứ hai, chuyên gia cho biết lượng mưa tối qua ghi nhận được ở các trạm quan trắc dao động 150-200 mm. Đặc biệt, trạm đo mưa ở Mạc Đĩnh Chi (quận 1) ghi nhận lượng mưa lên đến 212 mm. Đây có thể là lượng mưa lịch sử, chưa từng xuất hiện trong chuỗi số liệu quan trắc tại khu vực này.
“Kiểu mưa trên toàn thành phố với lưu lượng 150-200 mm là rất đặc biệt và bất thường. Mưa không đồng đều ở các nơi, nhưng đều là mưa to”, bà Lan nói.
Thứ ba, thời gian mưa trễ hơn bình thường. Những trận mưa trong giai đoạn này thường trút xuống vào chiều hoặc chiều tối, thời gian người dân đi làm về. Nhưng hôm qua, mưa bắt đầu vào buổi tối.
Ngoài ra, khoảng thời gian có mưa lớn, sấm sét cũng liên tục xuất hiện tại các khu vực. Điều này ít khi xảy ra, đặc biệt trong giai đoạn chưa phải cao điểm của mùa mưa.
Bà Lan phân tích rằng trước đó một đêm, mưa lớn đã xuất hiện nhưng chủ yếu ở Đồng Nai và miền Tây. Nhưng tối 6/8, mặc dù mưa trên diện rộng ở Nam Bộ nhưng lại tập trung cao điểm ở quần đảo Trường Sa với lưu lượng gần 200 mm và TP.HCM.
"Các khu vực này mưa lớn kèm theo sấm sét liên tục 3 giờ là do tồn tại rất nhiều ổ mây dông kết nối với nhau, trút nước xuống liên tục", bà Lan cho biết.
Tiếp tục hứng những trận mưa tương tự
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, lý giải đợt mưa này xuất hiện với cường độ lớn do rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam nối với một vùng áp thấp ở Biển Đông đang hoạt động mạnh kết hợp với gió mùa tây nam đã tạo ra một tổ hợp gây mưa.
Những hình thái tác động khiến gió tây nam liên tục mang hơi ẩm vào đất liền và hình thành nhiều ổ mây dông gây ra mưa lớn.
Chuyên gia dự báo trong 2-3 ngày tới, rãnh áp thấp có xu hướng nâng trục lên phía bắc và suy yếu. Gió mùa tây nam hạ cường độ sẽ kéo giảm lượng mưa ở TP.HCM và Nam Bộ. Khu vực này chỉ còn mưa rào vào chiều tối, ban ngày có nắng.
Mưa lớn khiến người dân di chuyển khó khăn, nhiều phương tiện chết máy khi đi qua các tuyến phố ngập sâu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cùng nhận định trên, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho rằng các tổ hợp thời tiết tác động không chỉ gây ra mưa lớn mà còn mưa kéo dài suốt một tuần qua ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong khi đó, tháng 8 chưa phải cao điểm mùa mưa.
Khu vực sẽ hứng chịu cao điểm mưa vào tháng 9 và tháng 10. Lúc này, nhiều hình thái cực đoan trên Biển Đông có thể tác động khiến gió tây nam mang theo nhiều hơi ẩm vào đất liền, khu vực tiếp tục có mưa to đến rất to.
"Từ cuối tháng 8 đến tháng 10, tôi cho rằng TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ nhiều khả năng hứng chịu thêm những trận mưa tương tự tối 6/8. Mưa có thể không tập trung ở quận 1 nữa mà sẽ xảy ra ở những nơi khác", bà Lan nhận định.
Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng trận mưa tối qua xảy ra không phải vào cao điểm của triều cường nhưng đã khiến nhiều tuyến phố ngập nặng. Trong khi đó, đỉnh triều trong năm ở TP.HCM thường rơi từ tháng 9 đến tháng 11.
Tổng hợp những phân tích trên, chuyên gia cảnh báo mưa lớn cực đoan kết hợp triều cường có thể khiến nhiều nơi ở TP.HCM tiếp tục ngập nặng nề thời gian tới.
Tối 6/8, TP.HCM có mưa trên diện rộng. Đây là ngày mưa cao điểm nhất trong đợt mưa lớn kéo dài từ 5/8 đến 8/8.
Cơn mưa lớn bắt đầu lúc gần 19h. Các đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền (trước cổng khu biệt thự An Phú) tại quận 2 ngập sâu quá bánh xe. Các tuyến đường nội khu cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đến sáng nay, một số nơi vẫn còn ngập cục bộ do nước chưa kịp thoát hết.
Theo bản đồ dự báo thời tiết 10 ngày, TP.HCM sẽ xuất hiện mưa dông liên tiếp từ nay đến hết 15/8 với lượng mưa giảm dần qua từng ngày. Đợt mưa cao điểm chỉ kéo dài trong các ngày 6-8/8.