Người dân ở Nam Bộ vừa trải qua một trận mưa lớn vào tối 6/8. Lượng mưa ghi nhận ở nhiều nơi trên 100 mm như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.
Tại TP.HCM, mưa như trút nước liên tục trong 6 giờ. Chuyên gia khí tượng nhận định đây là trận mưa đặc biệt lớn với vũ lượng nhiều nơi trên 150 mm.
Đợt mưa này vẫn tiếp diễn ở Nam Bộ hôm nay (7/8) với lưu lượng phổ biến 30-50 mm, có nơi trên 100 mm. Đợt mưa cao điểm kéo dài đến hết ngày 8/8 và giảm dần trong những ngày sau.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ ngập ở khu vực trũng thấp trên các tuyến đường thuộc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh khiến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng có mưa, có nơi mưa rất to. Người dân cần đề phòng các hiện tượng cực đoan đi kèm theo mưa như lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn ở TP.HCM vào tối 6/8 gây ngập nghiêm trọng ở khu Thảo Điền và Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cùng lúc, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một vùng áp thấp vừa hình thành ở giữa Biển Đông. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng tây bắc và chưa có khả năng mạnh thêm.
Tuy nhiên, khu giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) đã có gió mạnh cấp 6-7. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh.
Phía tây nam Biển Đông cũng có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 2-3 m, biển động.
Trên đất liền, cơ quan khí tượng cho biết Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác. Riêng Việt Bắc và Tây Bắc có mưa với lượng phổ biến 20-50 mm/ngày. Nhiều nơi có thể mưa lớn trên 100 mm.
Tại Hà Nội, hình ảnh mây vệ tinh, ảnh định vị dông sét và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển từ phía đông lúc 6h. Vùng mây này sẽ gây mưa dông cho các quận huyện: Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín và tiếp tục mở rộng trong những giờ tới.