Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 câu hỏi lớn từ lời kêu cứu của rapper Tiến Đạt ở Thạnh Mỹ Lợi

Phía sau vụ việc rapper Tiến Đạt tố chính quyền cưỡng chế thu hồi đất khi chưa được đền bù thỏa đáng vẫn còn những câu hỏi thắc mắc về dự án 120 ha tại Thạnh Mỹ Lợi (TP.HCM).

Tại sao dự án gần 15 năm chưa triển khai mà vẫn không bị thu hồi; giá đền bù giải phóng mặt bằng có quá rẻ so với giá thị trường; có chuyện chủ đầu tư không gặp chủ đất để thương lượng hay không… là những câu hỏi vẫn chưa có lời giải về dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM) rộng tới 120 ha.

Tại sao dự án kéo dài vẫn không bị thu hồi?

Tháng 6/2004, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi 120 ha đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi và tạm giao cho Công ty đầu tư và xây dựng Thanh Niên Xung Phong bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng khu dân cư.

Khu dân cư này được đặt tên tạm thời là Thạnh Mỹ Lợi B với vị trí đẹp, phía tây và nam đều giáp sông Sài Gòn, phía bắc giáp Thủ Thiêm và trung tâm hành chính quận 2. Khu Thạnh Mỹ Lợi B còn có đại lộ Võ Chí Công, cầu Phú Mỹ chạy qua, giao thông với quận 7 và trung tâm TP.HCM đều thuận lợi.

Nhiều người dân TP.HCM kỳ vọng ở đây một khu trung tâm đô thị lớn tập trung. Các khu nhà ở cao tầng được bố trí trên các lô đất giáp chân cầu Phú Mỹ và đường vành đai ngoài phía Đông, xung quanh các khu trung tâm đô thị của khu vực này.

3 cau hoi sau loi keu cuu cua rapper Tien Dat anh 1
Dự án Thạnh Mỹ Lợi B bị bỏ hoang gần 15 năm. Ảnh: Hiếu Công.

Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Công ty đầu tư và xây dựng Thanh Niên Xung Phong gần như không làm gì. Sau khi cầu Phú Mỹ và đường Võ Chí Công được xây dựng, khu vực Cát Lát trở nên sầm uất hơn, tốc độ đô thị hóa tại quận 2 được đẩy nhanh, khu vực Thạnh Mỹ Lợi B vẫn giậm chân tại chỗ.

Tháng 8/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM công bố quyết định thanh tra và nhận định dự án 120 ha tại Thạnh Mỹ Lợi đã triển khai gần 10 năm nhưng tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng rất chậm, chưa triển khai đầu tư xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, gây lãng phí cho sử dụng đất, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phát sinh việc tranh chấp, khiếu nại gay gắt của các hộ dân.

Thay vì thu hồi dự án treo nhiều năm, Sở TN&MT TP.HCM vẫn kiến nghị UBND thành phố cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án và yêu cầu giải phóng mặt bằng xong trong tháng 12/2014.

Việc không thu hồi dự án treo nhiều năm khiến nhiều người dân sống tại Thạnh Mỹ Lợi đặt câu hỏi. Họ cho rằng nếu thu hồi dự án sớm, giao cho một chủ đầu tư khác có năng lực hơn, người dân sẽ sớm được ổn định cuộc sống.

Quyền lợi của người dân có đất có được đảm bảo?

Khu vực đất dự án Thạnh Mỹ Lợi B trước kia là vùng đất trũng ven sông Sài Gòn. Người dân sống bằng nghề nông và đi làm thuê cho các khu vực lân cận. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thu hồi đất, đồng ruộng rơi vào cảnh bỏ hoang, người dân thấp thỏm chờ đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống.

Khi dự án treo nhiều năm không được thành phố xử lý, người dân không thể sản xuất và ổn định kinh tế, nhiều hộ dân phải sống trong cảnh nhà cửa cũ kỹ, xuống cấp mà không thể đầu tư sửa chữa, xây mới.

Nhiều gia đình không làm nông nghiệp, không có thu nhập phải đi làm thuê ở nhiều nơi. Một số khác vì không có thu nhập nên sinh ra cảnh nợ nần, phải bán nhà cho những người đầu cơ đất. Cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Trong khi đó, nhiều người đầu cơ đất tại Thạnh Mỹ Lợi để mong được đền bù những lô đất dịch vụ ở khu vực tái định cư.

3 cau hoi sau loi keu cuu cua rapper Tien Dat anh 2
Cuộc sống của người dân Thạnh Mỹ Lợi khó khăn khi dự án treo kéo dài. Ảnh: Lê Trai.

Mặt khác, giá đền bù đất khu vực này rất thấp so với giá thị trường khiến người dân cảm thấy không thỏa đáng. Theo một số người dân, giá đền bù là 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, 8 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Đây là mức giá rất rẻ mà người dân cho rằng nếu bán đi thì không thể mua được chỗ khác.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của hạ tầng, giá đất tại quận 2 liên tục tăng, phổ biến ở mức 60-80 triệu đồng/m2. Một số lô đẹp có thể tới 100 triệu đồng/m2.

Người dân cũng cho rằng chủ đầu tư đang đứng trước một món lợi rất lớn khi được giao dự án 120 ha, nhưng lại đền bù rất rẻ.

Chủ đầu tư không gặp dân để thương lượng đền bù?

Một trong những hộ dân có đất cần giải tỏa nhường chỗ cho dự án là gia đình nghệ sĩ Tiến Đạt. Anh cho biết gia đình mình được UBND quận 2 quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 806 triệu đồng cho 2.441 m2. Ngoài ra, chủ đầu tư bồi thường thêm 2,86 tỷ đồng. Tổng số tiền gia đình được bồi thường cho lô đất 2.441 m2 là 3,66 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/m2).

Tiến Đạt cho biết gia đình anh không được chủ đầu tư gặp gỡ để đàm phán, thương lượng giá đất đền bù theo quy định. Khi gia đình anh không đồng ý, chính quyền quận 2 và phường Thạnh Mỹ Lợi đã can thiệp, đưa ra mức giá đền bù, rồi sau đó là cưỡng chế thu hồi đất.

3 cau hoi sau loi keu cuu cua rapper Tien Dat anh 3
Gia đình Tiến Đạt cương quyết giữ đất vì giá bồi thường không thỏa đáng. Ảnh: Hiếu Công.

Không chỉ Tiến Đạt, một số người dân khác ở Thạnh Mỹ Lợi cũng cho biết không thấy đại diện chủ đầu tư dự án Thạnh Mỹ Lợi B xuống thương lượng giá đất để đền bù. Như vậy, người có đất không thể gặp trực tiếp người thực hiện dự án để có cơ chế giá 2 bên cùng thấy thỏa đáng.

Tuy nhiên, đại diện UBND phường Thạnh Mỹ Lợi nói với Zing.vn rằng quá trình thu hồi, đền bù và cưỡng chế đều được làm đúng theo quy định của pháp luật. Khiếu nại của gia đình Tiến Đạt là không có cơ sở.

Phát triển dự án nhưng phải hài hòa lợi ích giữa các bên

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), để phát triển bền vững một sự án bất động sản thì phải cân bằng lợi ích của các chủ thể liên quan. Bốn chủ thể được ông kể ra là người dân có đất, chủ đầu tư, khách hàng và Nhà nước.

3 cau hoi sau loi keu cuu cua rapper Tien Dat anh 4
Chuyên gia cho rằng phát triển dự án phải hài hòa lợi ích của các bên. 

Ông Châu cũng nhấn mạnh dù dự án nào đi nữa thì phải đảm bảo quyền lợi thỏa đáng của người dân. Khi người dân không đồng thuận đền bù thì cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Điều này giống với vụ việc đã xảy ra ở Thủ Thiêm.

Chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh chênh lệch địa tô bất hợp lý là không thể chấp chận được. Ông yêu cầu cần phải giải quyết hài hòa, thỏa đáng quyền lợi của người có đất, nhất là số người chưa đồng tình.

“Chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc này, cần xác định mức lợi nhuận hợp lý chứ không phải là siêu lợi nhuận. Chưa nhận tiền bồi thường thì phải thương lượng với người dân có đất để tạo sự đồng thuận. Thậm chí pháp luật còn có cơ chế cho phép người dân có đất có quyền góp vốn cùng đầu tư. Người dân thấy bồi thường thấp quá có thể góp vốn, sau này được hiệu quả đầu tư”, ông chia sẻ.

3 cau hoi sau loi keu cuu cua rapper Tien Dat anh 5
Rapper Tiến Đạt: 'Tiền đền bù đất không đủ cho tôi mua cánh cửa' Rapper Tiến Đạt cho rằng số tiền chủ dự án đền bù đất cho gia đình không đủ để anh mua một cánh cửa.

Ai đang có lợi ích tại dự án treo 14 năm ở quận 2 Sài Gòn?

Dự án liên quan đến lời kêu cứu của rapper Tiến Đạt đã treo hơn 14 năm và từng đổi chủ.

Lời kêu cứu của rapper Tiến Đạt và dự án treo 14 năm ở quận 2 Sài Gòn

Giữa tháng 8, trên mạng xã hội lan truyền video từ trang cá nhân của nghệ sĩ Tiến Đạt cùng lời mô tả “đến lượt rapper Tiến Đạt trở thành dân oan”.



Hiếu Công - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm