2666 là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn người Mỹ Latin Roberto Bolaño, được xuất bản một năm sau khi ông qua đời vì căn bệnh suy gan khi 50 tuổi.
2666 không chỉ là kiệt tác cuối đời của một tiểu thuyết gia, mà còn là kiệt tác đến từ "tiếng nói văn chương Mỹ Latin quan trọng nhất trong thế hệ của ông".
Cuốn sách 2666 của Roberto Bolaño vừa được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam. |
Một kiệt tác đồ sộ
Cuốn sách xoay quanh rất nhiều nhân vật, nhưng tất cả chỉ đều dẫn đến Santa Teresa, thành phố bên rìa sa mạc ở bắc Mexico, giáp biên giới Mỹ.
Ở đó có người châu Âu nghiên cứu văn chương, một giáo sư đại học, một nhà báo Mỹ, một nhà văn Đức kiệt xuất nhưng sống ẩn dật. Rất nhiều cảnh sát, gái điếm và những nhân vật tưởng chừng chẳng có can hệ gì đến nhau.
Những vụ giết người cứ xảy ra hàng ngày trong cái thành phố đầy sức sống và cũng nhiều hiểm họa ấy. Trong cuốn sách, từ năm 1990 đến 1997, 108 xác chết đều là phụ nữ và các bé gái.
Xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm là một vũ trụ đủ màu hỉ, nộ, ái, ố, đủ mùi triết lý, nực cười, lãng mạn, tục tằn, ngây thơ đến độ đui mù, ngoan ngoãn xoay quanh địa ngục lỗ đen và răm rắp tuân theo lệnh của lỗ đen.
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã được giới phê bình đón nhận tích cực và dành tặng nhiều lời khen ngợi. Tác phẩm chiến thắng giải "Altazor Award" năm 2005 tại Chile và khi được dịch sang tiếng Anh năm 2008 cũng chiến thắng luôn giải "National Book Critics Circle Award for Fiction" của Mỹ.
Tờ New York Times xếp cuốn sách là một trong 10 tác phẩm hay nhất năm 2008, trong khi tạp chí TIME cũng vinh danh 2666 là tiểu thuyết hư cấu hay nhất cũng trong năm đó.
Tựa đề cuốn sách là một điều bí ẩn, đến nay chưa ai giải đáp được. Con số 2666 không xuất hiện dù chỉ một lần trong suốt tác phẩm và Bolaño cũng chưa từng lên tiếng giải thích ý nghĩa của nó.
Tuy vậy, 2666 đã xuất hiện trong một vài các tác phẩm khác của Bolaño, có thể kể đến Amulet ('một nghĩa trang vào năm 2666) và The Savage Detectives ('khoảng năm 2600 gì đó').
Trong bản gốc tiếng Tây Ban Nha, tác phẩm 2666 dày hơn 1.100 trang. Sau khi chuyển ngữ, bản sách tiếng Việt có độ dày gần 900 trang, kết cấu 5 phần rõ ràng.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về 2666, câu chuyện đằng sau cuốn sách, cũng như khi so sánh với các tác phẩm khác, công ty sách Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Nhìn thế giới từ phương Tây: Tiểu thuyết của Murakami và Bolano ở Việt Nam" vào tháng 5 vừa qua.
Chương trình có sự tham gia của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, một trong hai dịch giả chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ 2666 về Việt Nam.
Roberto Bolaño (trái) và Haruki Murakami - hai nhà văn xuất sắc của thời đại. |
"Đừng bó buộc nhà văn trong định danh quốc tịch của họ"
Ngay từ phần mở đầu của buổi tọa đàm, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định ông không phải là nhà nghiên cứu Roberto Bolaño. Ông chỉ đơn giản là người đọc Bolaño sớm hơn so với độc giả Việt Nam.
Ông cũng là người gợi ý hai cuốn sách hay nhất của Bolaño để phía đơn vị xuất bản đem tác phẩm về với độc giả Việt, một trong hai tác phẩm đó là 2666.
Thực chất, cách đây 12 năm, Bolaño đã xuất hiện tại văn đàn Việt Nam với cuốn tiểu thuyết Đêm Chile nhưng chưa được chú ý nhiều. Đến năm 2020, khi tác phẩm 2666 được xuất bản, công chúng mới nghiêm túc nhìn nhận văn chương và tài năng của ông.
Trần Tiễn Cao Đăng biết đến Bolaño lần đầu năm 2007 với cuốn The Savage Detectives (tạm dịch: Trinh thám hoang dại) qua người bạn. Điều đáng nói là khi ấy cuốn sách 2666 vẫn chưa được dịch ra tiếng Anh. Phải khi sách được xuất bản tại Mỹ năm 2008, tên tuổi của Bolaño mới gây được tiếng vang lớn trên thế giới.
Tương truyền khi 2666 ra mắt tại thành phố New York, Mỹ, có hiệu sách còn bố trí riêng một người để lấy sách cho độc giả, bởi số người muốn mua cuốn sách của Bolaño rất lớn. Sức hút cũng không kém gì Haruki Murakami khi mới xuất hiện tại cộng đồng Anh ngữ.
Một điều thú vị khi nhắc đến Bolaño, Murakami hay bất kỳ nhà văn nào khác, Trần Tiễn Cao Đăng khuyên độc giả đừng bó buộc họ trong định danh quốc tịch của chính họ như Chile hay Nhật Bản…, mà đơn giản hãy gọi họ là nhà văn.
Ví dụ, các tác phẩm của Murakami, khi loại bỏ hết tên riêng tiếng Nhật và thay bằng những cái tên trong bất cứ ngôn ngữ nào khác, câu chuyện vẫn không thay đổi.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhà văn vốn chẳng phải đến từ phương Tây, từ khu vực Âu - Mỹ, nhưng vẫn được yêu thích trên toàn thế giới, là tính hiện thực.
Ở Bolaño, tính hiện thực xuyên suốt trong từng trang sách. Ngay chính ở 2666, độc giả cũng có thể thấy rõ điều đó, như ở phần 4 của cuốn sách là chương mà các tội ác dày đặc, ta bị đông cứng người lại vì có quá nhiều việc ác hiển hiện đến như vậy.
Còn Murakami lại là những thế giới siêu thực, song song với nhiều yếu tố kỳ ảo. Hầu như các tác phẩm của Murakami đều có yếu tố phi thực như vậy, như trong Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Cuộc săn cừu hoang…
Các nhân vật của Bolaño và Murakami cũng trái ngược nhau. Bolaño luôn coi mình trước hết với vai trò nhà thơ, mặc dù thành công vang dội trong mảng văn chương. Vì thế, trong hầu hết sách của ông, nhân vật nhà thơ luôn xuất hiện, hiện thân cho cái tôi của chính ông.
Trong Trinh thám hoang dại, toàn bộ câu chuyện xoay quanh các nhà thơ và số phận của họ. Họ hướng tới cái đẹp mà chỉ có mình họ quan tâm đến.
Họ đi bán thuốc phiện để được làm thơ. Nhưng xã hội hiện đại không quan tâm đến họ, biến họ thành kẻ lạc loài. Trong 2666, tuýp nhân vật này lại xuất hiện, đó là anh nhà thơ trong nhà thương điên.
Còn với Murakami, các nhân vật chính lại chưa bao giờ là nhà thơ hay nghệ sĩ. Họ chỉ là những người bình thường, sống độc thân hoặc cô đơn, thường thích nấu ăn và thích nghe nhạc jazz.
Có thể nói hai nhà văn lớn được nhắc đến thuộc hai thế giới hoàn toàn khác nhau, nhưng cùng được xem là hai trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của thời hiện đại.
Khách mời Trần Tiễn Cao Đăng, một trong hai dịch giả chuyển ngữ tác phẩm 2666 về Việt Nam. Ảnh: Zzzreview. |
Với gần 900 trang, cuốn sách 2666 có sự tham gia của hai dịch giả giàu kinh nghiệm là Quân Khuê và Trần Tiễn Cao Đăng. Theo chia sẻ từ đại diện đơn vị xuất bản, cuốn sách cũng được gia hạn bản quyền đến hai lần, không chỉ bởi độ dày, mà còn bởi sự chỉn chu, cầu toàn của người dịch, biên tập viên với một kiệt tác văn chương.
Kết thúc buổi tọa đàm, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khuyên độc giả đừng nản lòng trước sự đồ sộ của 2666. Văn chương của Bolaño được đánh giá tương đối dễ đọc, dễ hiểu. Ông cũng không phải là người thích chơi chữ nhưng lại có biệt tài kể chuyện cuốn hút.
Độc giả hãy cứ kiên nhẫn, hãy cứ thoải mái tận hưởng cuốn sách từng chút một, và sẽ tìm thấy sự hài lòng khi gấp trang cuối cùng lại.