Kể từ khi phát động cuộc thi vào tháng 11/2013 đến nay, đã có hơn 250 ứng dụng được gửi về tham dự chương trình thông qua website http://www.khuyenkhichsangtaoviet.com/. Theo đánh giá của BTC, các ứng dụng tương đối hoàn thiện chiếm khoảng 60% tổng số ứng dụng tham gia. Nội dung của các ứng dụng cũng rất phong phú, trong đó do ảnh hưởng của “cơn sốt” game Flappy Bird trong tháng hai, số lượng ứng dụng trò chơi và giải trí tăng vọt và chiếm 30% tổng số ứng dụng.
Ứng dụng giải trí vốn không thể thiếu trong các cuộc thi về ứng dụng. |
Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, trưởng ban giám khảo vòng sơ khảo, cho biết: “Các tác giả trẻ vào vòng chung khảo đều rất tiềm năng. Các bạn đều đến từ các cơ sở đào tạo CNTT có uy tín và mang đến các ứng dụng thú vị, có ý tưởng sáng tạo khá tốt, có công nghệ và giải pháp thực hiện tiên tiến”.
BGK đã lựa chọn ra 26 ứng dụng có số điểm cao nhất để vào vòng chung khảo. Trong đó có 12 ứng dụng đến từ các tác giả tại Hà Nội, 11 ứng dụng đến từ các tác giả tại TP.Hồ Chí Minh và 3 ứng dụng từ Đà Nẵng. Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Đại học Bách khoa Hà Nội là các trường có nhiều sinh viên tham gia dự thi nhất.
Ban giám khảo đắn đo khi chọn lựa 26 ứng dụng bước vào chung kết. |
“Các ứng dụng có chất lượng ngang nhau, nên lựa chọn không dễ”, ông Lê Nguyên Thành, chuyên gia lập trình Android, thành viên hội đồng sơ khảo cuộc thi, cho biết. “Một số ứng dụng thể hiện ý tưởng tốt, hoặc đào sâu công nghệ như Tìm kiếm AR, Tìm trọ, BusHCM… Ngoài ra thì các ứng dụng như BusAlarmHanoi đơn giản nhưng tôi đánh giá rất cao về mặt ý tưởng. Riêng ứng dụng khiến BGK tiếc nuối nhất khi phải loại là PhotoQuote”.
Trong khi đó, một thành viên Hội đồng sơ khảo khác là ông Hoàng Xuân Bách, Tổng giám đốc công ty ISVN, khen ngợi tinh thần tham gia của các thí sinh. “Ấn tượng lớn nhất với tôi là ngay ở tuần đầu tiên của cuộc thi, đã có khá nhiều sản phẩm chất lượng tham gia cuộc thi. Phần lớn thí sinh là các sinh viên ĐH-CĐ trên cả nước. Các em vừa học vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu công nghệ, mày mò làm ứng dụng, là rất đáng hoan nghênh, khích lệ. Cuộc thi cũng đã thu hút được một số lượng lớn thí sinh tham gia rất tích cực và sôi nổi”.
Danh sách 26 ứng dụng được tham dự vòng thi chung khảo. |
Kể từ khi phát động vào tháng 11/2013, Sáng tạo ứng dụng di động 2013 đã trở thành sân chơi yêu thích của các bạn sinh viên đam mê công nghệ trên khắp cả nước. Cuộc thi đã tạo nên một môi trường sáng tạo và có tính tương tác cao. Các thí sinh có thể đăng tải ứng dụng để cộng đồng tải về dùng thử và cùng góp ý để hoàn thiện hơn. Ngoài tổng giá trị giải thưởng lên đến 50.000 USD (1 tỷ đồng), trong đó giải nhất lên đến 200 triệu đồng, các sinh viên ưu tú đạt giải cao còn được lựa chọn tham gia các chương trình đào tạo cũng như ưu tiên xem xét tạo cơ hội tốt nhất vào làm việc tại tập đoàn công nghệ Huawei toàn cầu.
Vòng chung khảo cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 4, hứa hẹn mang đến cuộc đua sôi nổi của 26 ứng dụng hoàn chỉnh nhất. Ngoài giải thưởng cho thí sinh dự thi, cuộc thi có các giải khuyến khích dành cho người dùng có bình chọn và đóng góp tích cực trong vòng chung khảo. BTC sẽ tiến hành chấm điểm, công bố và trao giải trong tháng 5.
Với vòng thi chung khảo, 26 ứng dụng sẽ được cập nhật hoàn thiện nhất và tiếp tục được bình chọn tại website http://www.khuyenkhichsangtaoviet.com/ để giúp các tác giả dự thi tiến gần hơn với giải thưởng khủng từ chương trình.
Tư liệu: Khuyến khích sáng tạo Việt