Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

25 tuổi phá thai 18 lần

Theo bác sĩ Phan Chí Thành, đây là trường hợp phá thai nhiều lần nhất từng khám. Khi siêu âm, tử cung của cô gái này "tan nát", dính buồng tử cung, rất khó có con trong tương lai.

Qua thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Ảnh: Ygeiamou.

"Nữ bệnh nhân 25 tuổi cùng chồng đến khám vì kết hôn 3 năm nhưng chưa có con. Khi tâm sự riêng với bác sĩ, cô thú nhận đã nạo hút thai 18 lần. Con số này khiến tôi sững sờ", thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, kể về một bệnh nhân ở Hà Nội ông mới thăm khám gần đây.

Tử cung "tan nát", phụ khoa viêm nhiễm nặng vì yêu mù quáng

Theo bác sĩ Thành, đây là trường hợp phá thai nhiều lần nhất từng khám. Bệnh nhân không chia sẻ về độ tuổi quan hệ tình dục và phá thai lần đầu nhưng chắc chắc từ khi còn rất trẻ. Khi siêu âm, tử cung của cô gái này "tan nát", dính buồng tử cung. Khoảng 90% trường hợp gặp phải tình trạng này là do can thiệp nạo hút lấy thai. Hiện tại, trường hợp này tiếp tục điều trị và chưa có thai.

Một trường hợp khác bác sĩ Phan Chí Thành tiếp nhận gần đây là nữ sinh lớp 12, được mẹ đưa đi khám sau khi phát hiện quan hệ tình dục với bạn trai và có dấu hiệu mắc bệnh phụ khoa. Sau khi thăm khám, kết quả nữ sinh viêm âm đạo nặng và mắc nấm candida.

"Nữ sinh thừa nhận từng quan hệ với 4 bạn trai, lần đầu tiên vào năm lớp 8. Tất cả những lần gần gũi với bạn trai đều không sử dụng bao cao su, tránh thai bằng cách xuất tinh ra ngoài", bác sĩ Thành nói.

Khi vị chuyên gia tư vấn về nguy cơ mắc bệnh tình dục, thậm chí HIV, nữ sinh cho rằng tin tưởng bạn trai không mắc bệnh và chỉ có một bạn tình là mình.

Theo bác sĩ Thành, ông đã gặp rất nhiều trường hợp các bạn trẻ ở tuổi vị thành niên tránh thai bằng niềm tin bạn tình chung thủy, không mắc bệnh tình dục. Không ít trẻ vị thành niên được bố mẹ đưa tới khám đơn thuần vì chậm kinh 4-5 tháng, không biết mình mang thai. Đến khi siêu âm, cả bệnh nhân và gia đình đều "ngã ngửa" khi thai đã quá lớn. Thậm chí, họ chưa tin vào kết quả, yêu cầu bác sĩ xét nghiệm thêm máu để khẳng định.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bị đau bụng, viêm, lúc này, trẻ mới chia sẻ với bố mẹ. Khi tới khám, bệnh nhân đã bị viêm ứ mủ ở hai vòi trứng.

Nao hut thai som anh 1

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: BSCC.

Coi phá thai như một biện pháp tránh thai

Bác sĩ Thành cho rằng quan hệ tình dục không xấu. Nhưng ở lứa tuổi vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục, "chuyện ấy" có thể mang đến hậu quả khôn lường.

Đặc biệt, quan hệ khi cơ thể còn quá non nớt làm tổn thương cơ quan sinh sản ở cả nam và nữ. Các em có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục, gây tắc vòi trứng ở nữ, tắc ống dẫn tinh ở nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến nhất ở Việt Nam.

"Trẻ vị thành niên nạo hút thai cũng gây nguy hiểm. Đáng tiếc, nhiều em quan niệm nạo hút thai là một biện pháp tránh thai, có nghĩa cứ mang bầu là uống thuốc ra thai hoặc nạo hút... Đây là quan điểm rất tai hại và để lại nhiều hậu quả. Chúng tàn phá hệ thống sinh sản. Nhiều bạn trẻ mất cơ hội làm mẹ sau này vì nạo hút thai nhiều lần", vị chuyên gia cho hay.

Về tâm lý, trẻ bị tấn công tình dục hay quan hệ khi chưa sẵn sàng gây hoảng sợ, stress, sang chấn kéo dài sau này. "Khi mang thai ngoài ý muốn, phải nạo hút thai có thể ám ảnh các em gái suốt đời. Nhiều bạn gái rơi vào trầm cảm, muốn tự tử", bác sĩ Thành nói.

Nao hut thai som anh 2

Mang thai ở độ tuổi quá trẻ, cả mẹ và thai nhi có thể phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Ảnh: Eldeber.

Qua khảo sát từ các bệnh nhân, bác sĩ Thành nhận thấy khi mang thai ngoài ý muốn ở độ tuổi còn rất trẻ, các em thường phá thai ở các phòng khám nhỏ, kín đáo hoặc tự tìm hiểu trên Internet. Các em không dám đến các bệnh viện lớn vì đông người, sợ gặp người quen. Đôi khi, trẻ tự ra các hiệu thuốc mua thuốc về uống.

"Trường hợp tự phá thai bằng thuốc nhưng thai không nằm trong tử cung mà nằm ngoài tử cung. Đến khi thai vỡ, hậu quả là mất cả lít máu, nguy hiểm tới tính mạng", bác sĩ Thành cho hay.

Ông cũng phân tích khi mang thai ở độ tuổi quá trẻ, cả mẹ và thai nhi có thể phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Mang thai khi còn đang trên ghế nhà trường, các em thường giấu bố mẹ hoặc không biết mình mang thai nên không được khám thai và dinh dưỡng đầy đủ, nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt, tăng huyết áp, tiền sản giật. Ngoài ra, thai nhi cũng có nguy cơ dị tật do chất lượng trứng chưa tốt, dễ sẩy thai, đẻ non.

Từ thực tế này, vị chuyên gia nhấn mạnh trẻ cần được giáo dục lối sống lành mạnh, tự biết cách bảo vệ bản thân và trang bị kiến thức căn bản về sức khỏe sinh sản. Đây là việc rất cần thiết và nên tiến hành ngay.

Theo khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt nam do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Giáo dục và đào tạo, thực hiện và công bố ngày 26/4/2022, chỉ trong 6 năm, tỷ lệ quan hệ tình dục của trẻ vị thành niên trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên mức 3,51% (2019). Đây được xem là con số đáng báo động.

Trong số học sinh từng quan hệ tình dục vào năm 2013, 52,6% có sử dụng bao cao su và 62,2% sử dụng các phương pháp tránh thai khác. Đáng chú ý, số liệu này ở năm 2019 có xu hướng giảm, lần lượt là 42,4 và 44%.

Kết quả Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai bất kỳ ở nhóm tuổi 15-19 chỉ đạt 35,5%.

Qua thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA nhấn mạnh việc mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe. Mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Mang thai ở tuổi 13 - dấu hiệu cha mẹ cần để ý ở con

Theo các chuyên gia, mang thai ngoài ý muốn và sinh nở ở độ tuổi quá nhỏ gây ảnh hưởng tới sức khỏe về thể chất và tâm thần. Tương lai của trẻ bấp bênh, mờ mịt.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm