Lô rác đã không về lại Hong Kong, mà thay vào đó được chuyển đến Thượng Hải, rồi mất dấu vết, theo South China Morning Post.
“Hải quan Hong Kong và Cơ quan Bảo vệ Môi trường có trách nhiệm điều tra xem đã có sai sót gì”, Kate Lin, nhà vận động cao cấp của tổ chức môi trường Greenpeace, cho biết.
Bà cho rằng chính quyền lẽ ra phải ngăn chặn ngay từ đầu, không để lô rác rời Hong Kong, vì rác điện tử được quy định trong Công ước Basel, cấm chuyển rác thải gây hại sang các nước đang phát triển, cũng áp dụng với Hong Kong.
Theo Greenpeace, Hong Kong là cảng trung chuyển rác thải nhựa lớn nhất thế giới, với 280.000 tấn rác đi qua đây mỗi năm.
Quan chức Philippines phát hiện lô rác vào tháng 5. Ảnh: Greenpeace Hong Kong. |
Chiếc container, chứa 25 tấn hàng điện tử bị nghiền nát, được vận chuyển sang Philippines vào tháng một, bởi công ty Hin Yuen Tech Env trụ sở ở Hong Kong. Greenpeace cho biết công ty này không có giấy phép xuất khẩu rác thải.
Theo chính phủ Philippines, công ty này khai báo sai loại hàng bên trong container, ghi là hàng điện tử. Philippines phát hiện lô hàng này vào tháng 5.
Greenpeace cũng đã theo dõi con tàu SITC Nagoya qua trang web chuyên theo dõi tàu trên biển, nhưng đã mất dấu, sau khi con tàu rời Philippines ngày 3/6 và cập bến Thượng Hải ngày 7/6.
Theo các tài liệu xuất nhập khẩu mà Greenpeace tiếp cận được, con tàu đã không dừng ở Hong Kong. Tổ chức này chưa rõ liệu container vẫn còn ở Thượng Hải, hay đã được đưa lên con tàu khác đi Hong Kong.
Các nhà vận động Greenpeace kêu gọi chính quyền Hong Kong điều tra vụ việc. Ảnh: Greenpeace Hong Kong. |
Ngay sau khi biết về container rác từ Hong Kong, Philippines đã tuyên bố sẽ trả lại, giữa lúc nước này đang cố gắng trút bỏ danh tiếng là “thùng rác” của toàn thế giới.
Giống như Philippines, Trung Quốc cũng đang giảm khối lượng rác thải chuyển đến từ nước ngoài. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhập khẩu 70% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu từ năm 1988-2016, và đã ra lệnh cấm vào năm 2017.
Greenpeace cho biết chính sách của Trung Quốc khiến rác thải được chuyển dần sang Hong Kong và các nước Đông Nam Á.
Theo tổ chức này, chính quyền Hong Kong nên làm sao để rác được xuất khẩu hay vận chuyển đi nước khác không bị trả lại, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tìm cách cắt giảm buôn bán rác thải.
Philippines đã trả lại container rác ngày 3/6. Ảnh: Greenpeace Hong Kong. |