Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 15/7 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin có thời điểm ghi nhận mức tăng mạnh, xuyên thủng ngưỡng 33.000 USD/đồng, đạt 33.182 USD/đồng.
Tuy nhiên, đồng tiền sau đó đã điều chỉnh về giao dịch quanh mốc 32.000 USD/đồng, giảm 1,51% so với một ngày trước đó. Các đồng tiền mã hóa khác đều đồng loạt điều chỉnh sau khi tăng giá.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng thị trường tiền mã hóa đã phục hồi phần nào từ cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch FED cũng giúp thị trường này chuyển biến tích cực.
Giá Bitcoin có thời điểm vượt ngưỡng 33.000 USD/đồng trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Coin Desk. |
Xu hướng tăng chung
"Tiền mã hóa đã phục hồi phần nào từ đợt sụt giảm do cuộc trấn áp hoạt động khai thác của Trung Quốc. Một số nhà đầu tư đã mua vào", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) bình luận.
"Điều giúp tiền mã hóa chuyển biến tích cực là sự gia tăng nói chung của các thị trường Phố Wall. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát đi tín hiệu rằng sự phục hồi của kinh tế chưa đủ để thu hẹp quy mô mua tài sản", ông nói thêm.
Điều giúp tiền mã hóa chuyển biến tích cực là sự gia tăng nói chung của các thị trường Phố Wall. Chủ tịch FED đã phát đi tín hiệu rằng sự phục hồi của kinh tế chưa đủ để thu hẹp quy mô mua tài sản
- Chuyên gia tài chính Edward Moya
Cụ thể, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận rằng lạm phát đã tăng cao hơn mức FED kỳ vọng. Tuy nhiên, ông cho rằng lạm phát sẽ sớm giảm xuống.
Do đó, FED sẽ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp mua nợ với giá trị 120 tỷ USD/tháng và giữ lãi suất điều hành ở mức gần 0%.
Phát biểu của ông Powell cũng thúc đẩy giá vàng. Trên sàn New York, giá vàng thế giới đóng cửa hôm 14/7 ở mức 1.827,3 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce.
Ông Powell cũng lưu ý rằng báo cáo tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ được công bố vào đầu tháng 9. Chủ tịch FED cho biết báo cáo phác thảo những lợi ích và rủi ro của CBDC, cũng như tiền mã hóa và stablecoin một cách rộng rãi hơn.
Theo chuyên gia Moya, quy định của Mỹ cùng với các lo ngại ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) là những rủi ro lớn nhất đối với tiền mã hóa. Do đó, việc FED đưa ra thông báo về mối quan tâm của họ dành cho tiền kỹ thuật số được coi là tin tốt của Bitcoin.
"Các thợ đào Bitcoin sẽ cần thêm một vài tháng nữa để thiết lập hoạt động khai thác bên ngoài Trung Quốc và sử dụng năng lượng sạch", ông nói thêm.
Các quy định là lành mạnh
Hôm 13/7, tỷ phú tiền mã hóa Wu Jihan cũng khẳng định các quy định đối với tiền mã hóa "rất lành mạnh". "Tôi tin rằng cuộc trấn áp sẽ là điều tốt cho ngành công nghiệp trong dài hạn".
"Đó là một lĩnh vực tài chính đang phát triển nhanh chóng. Ngành công nghiệp có vốn hóa thị trường hơn nghìn tỷ USD và hơn 10% công dân Mỹ đã tham gia vào tiền mã hóa", ông khẳng định.
Những lo ngại về quy định đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, kéo tụt giá tiền mã hóa. Giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - tăng mạnh vào đầu năm 2021 và đạt mức cao kỷ lục. Nhưng đà tăng kết thúc trong nửa cuối năm. Giá lao dốc khoảng 47% từ mức đỉnh.
Trung Quốc đã kiểm soát ngành công nghiệp tiền mã hóa từ năm 2017. Nhưng cuộc trấn áp leo thang trong năm nay. Các hoạt động khai thác tiền mã hóa tại đất nước 1,4 tỷ dân bị cấm. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng yêu cầu những nền tảng thanh toán lớn như của Alibaba không cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền thuật toán.
Các nền tảng thanh toán lớn tại Trung Quốc không được cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 4, Chủ tịch FED Jerome Powell đã gọi tiền mã hóa là “phương tiện đầu cơ”.
Trong bài phát biểu hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Gary Gensler của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) khẳng định Bitcoin là "một kho lưu trữ giá trị kỹ thuật số". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đồng tiền "rất dễ bay hơi". Do đó, Chủ tịch SEC kêu gọi đưa ra thêm các quy định nhằm ngăn chặn gian lận và những hành vi khác để bảo vệ nhà đầu tư tiền mã hóa.
Trong khi các nhà quản lý Mỹ và Trung Quốc tăng cường giám sát ngành công nghiệp tiền mã hóa, Singapore là trung tâm tài chính toàn cầu tương đối cởi mở với sự đổi mới trong công nghệ tài chính, theo tỷ phú Wu.
"Tôi nghĩ đó là một nơi rất tốt để xây dựng thương hiệu toàn cầu, thương hiệu dịch vụ tài chính", ông nhận định. Ông Wu không phải người duy nhất có quan điểm như vậy. Nhiều tổ chức tiền mã hóa khác cũng tìm kiếm nơi trú ẩn tại đảo quốc này.