Giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã trải qua 24 giờ biến động dữ dội. Chỉ trong vỏn vẹn một ngày, giá Bitcoin tăng vọt gần 19% từ ngưỡng 32.000 USD/đồng lên trên mức 38.000 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu cán mốc 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bitcoin giảm giá trị kể từ đó. 12 tiếng sau, giá Bitcoin rơi xuống mức hơn 33.000 USD/đồng. Hiện, đồng tiền này được giao dịch quanh ngưỡng 33.200 USD/đồng, tăng nhẹ 1,2% so với một ngày trước đó. Tính từ đầu năm 2021, Bitcoin vẫn tăng giá gần 15%.
Giá Bitcoin trồi sụt dữ dội trong vòng 24 giờ. Ảnh: Reuters. |
"Elon Musk đưa Bitcoin lên Mặt Trăng"
Chiều ngày 29/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin tăng dựng đứng từ mức 32.000 USD/đồng lên trên ngưỡng 37.000 USD/đồng, sau đó tiếp tục lên cao, xuyên thủng mốc 38.000 USD/đồng. Trước đó, đồng tiền này đã đánh mất đà tăng, thậm chí có thời điểm giảm xuống dưới 30.000 USD/đồng trong tuần vừa qua.
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (trụ sở tại Anh) mô tả "Musk đã đưa Bitcoin lên Mặt Trăng". "Ông chủ Tesla bất ngờ trở thành người có ảnh hưởng nhất trên Twitter, soán ngôi của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi tài khoản của ông bị xóa. Tất cả những gì Musk làm là đề cập đến bất cứ thứ gì và các nhà đầu tư sẽ phát cuồng vì điều đó", ông Erlam bình luận.
Người đàn ông giàu nhất thế giới (theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index) đã đổi dòng tự mô tả trên Twitter thành "#Bitcoin" và đăng tweet "Nhìn lại, đó là điều không thể tránh khỏi".
"Không sai khi nói rằng chính Elon Musk là nguyên nhân giúp thị trường tiền mã hóa toàn cầu cán mốc 1.000 tỷ USD. Dòng tweet của ông ta đã đưa tiền thuật toán trở lại ánh đèn sân khấu", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) giải thích.
Sau khi tăng dựng đứng lên hơn 38.000 USD/đồng, giá Bitcoin quay đầu lao dốc. Ảnh: Coindesk. |
Theo ông Moya, đà tăng giá của Bitcoin đánh mất nhiệt lượng khi các nhà đầu tư bán lẻ đổ xô vào cổ phiếu GameStop. Tuy nhiên, mới đây, nền tảng giao dịch miễn phí Robinhood đã cấm người dùng mua bán cổ phiếu của GameStop và một số cổ phiếu khác. Sau lệnh cấm, hàng loạt nhà giao dịch đổ tiền vào thị trường tiền thuật toán.
Binance - sàn giao dịch tiền thuật toán lớn nhất thế giới tính theo khối lượng - cho biết lượng người dùng mới tăng vọt khiến hệ thống quá tải. Do đó, họ buộc phải tạm ngừng rút tiền trong thời gian ngắn.
Quay đầu lao dốc
Nhưng giá Bitcoin bắt đầu lao dốc sau khi chạm ngưỡng hơn 38.000 USD/đồng. Tính đến trưa ngày 30/1, đồng tiền này đã sụt giá hơn 13% so với mức cao nhất trong vòng 24 giờ. Ngoài Bitcoin, các đồng tiền mã hóa khác cũng thu hẹp mức tăng ngày. Giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa mất mốc 1.000 tỷ USD.
Theo ông Moya, dòng tweet của Musk là phép thử cho đợt điều chỉnh giá của Bitcoin. "Để tiền điện tử thực sự 'tỏa sáng', giao dịch của các nhà đầu tư lẻ đối với những cổ phiếu như GameStop phải giảm bớt", ông bình luận.
Chuyên gia Gabriel Makhlouf, thuộc Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo nhà đầu tư Bitcoin "nên chuẩn bị tâm lý cho khả năng mất sạch tiền". “Tôi không rõ lý do gì khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào tiền mã hóa. Họ xem chúng là một tài sản thực thụ”, Bloomberg dẫn lời ông Gabriel Makhlouf, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, bình luận.
Hôm 13/1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng chỉ trích Bitcoin "tạo điều kiện cho các hành vi phạm tội". "Đối với những ai cho rằng Bitcoin có thể trở thành tiền tệ, thực lòng xin lỗi, nhưng nó là một tài sản có tính đầu cơ cao", bà chỉ trích. Chủ tịch ECB nhấn mạnh rằng Bitcoin cho phép các "hoạt động kinh doanh phạm pháp và hoạt động rửa tiền".
Các cơ quan tài chính cảnh báo nhà đầu tư có thể mất trắng khi đầu tư vào tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Vào thời điểm giá Bitcoin chạm ngưỡng 42.000 USD/đồng hồi đầu tháng 1, Cơ quan Giám sát Tài chính Anh (FCA) cũng đưa ra lời cảnh báo với nhà đầu tư. "Sự biến động giá đáng kể của các loại tiền mã hóa, cùng với những khó khăn cố hữu trong việc định giá tiền thuật toán một cách đáng tin cậy, khiến người tiêu dùng có nguy cơ thua lỗ cao", cơ quan này nhấn mạnh.
"Sự phức tạp của một số sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa có thể khiến người tiêu dùng không hiểu hết rủi ro", cơ quan này nói thêm. Theo FCA, không có gì đảm bảo rằng các loại tiền mã hóa sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt. Việc chuyển đổi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung và nhu cầu trên thị trường.