Nhân viên và những người đã làm việc tại Facebook lập ra nhiều chủ đề trên diễn đàn Quora “giãi bày” tâm tư khi làm việc tại đây. Những điều dưới đây không phải là cảm giác của tất cả mọi người làm việc cho mạng xã hội này. Đây chỉ là những ý kiến chủ quan của một bộ phận nhỏ các nhân viên và cựu nhân viên.
"Mỗi năm có 6 tuần, tôi luôn phải sẵn sàng túc trực 24/7”
|
Trong suốt thời gian trực, các kỹ sư phải chịu trách nhiệm bảo trì hệ thống máy chủ vận hành liên tục. Keith Adams, một kỹ sư của Facebook cho biết: “Trong suốt những tuần này, tôi không rời khỏi tòa nhà kể cả ngày nghỉ; phải đảm bảo chắc chắn mình không tham gia vào quá nhiều những cuộc hội họp và điều quan trọng hơn cả là phải mang và trả lời những cú điện thoại gọi đến 24/7, để máy ở chế độ báo chuông kể cả khi ngủ”.
"Chẳng có bức tường nào ở Facebook."
|
Một kỹ sư Facebook giấu tên trên Quora cho biết, ở hầu hết các công ty, giữa các nhân viên đều có các bức vách ngăn. Nhưng bởi văn hóa của Facebook khuyến khích các nhân viên coi trọng tính tập thể và vì thế mất đi “tính chuyên nghiệp” giống như các doanh nghiệp khác.
"Hầu hết đội ngũ quản lý chẳng có ý tưởng hay tập trung vào việc xây dựng một nhóm”
Câu thần chú “hãy tạo nên ấn tượng” tại Facebook khiến toàn bộ nhân lực trong công ty chủ yếu tập trung vào thành tích cá nhân. Một người giấu tên trên Quora cho biết: “Người quản lý có rất ít giá trị để có thể điều khiển được số đông. Và người quản lý cũng chỉ là một người có đóng góp cá nhân vào công ty mà thôi. Trên thực tế, nếu bạn là người để mọi người phải gửi báo cáo công việc thì nó chỉ là công việc như vậy thôi. Điều đó không có nghĩa là đó là nhiệm vụ chính của bạn”.
"Tăng trưởng quá nhanh"
|
Các nhân viên cho biết cố gắng tìm ra những thứ hấp dẫn để làm với một nhóm 4.000 người khó hơn rất nhiều so với một nhóm 500 người. “Chúng tôi tăng trưởng quá nhanh, và chưa bao giờ tập trung vào công tác tổ chức, các hành động mang tính đánh bóng hơn là ổn định”.
"Đừng phàn nàn với tôi về Facebook chỉ bởi vì tôi đang làm việc tại Facebook”
Một người vợ của cựu nhân viên Facebook cho biết, chồng cô thường xuyên nhận được nhiều lời phàn nàn về ứng dụng này từ phía bạn bè, gia đình chỉ bởi vì anh ấy làm tại công ty này.
Cô nói: “Có chồng làm Facebook nên mọi người thường xuyên hỏi tôi về các cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội này”.
"Biết được rằng mình đang làm việc ở một công ty lớn nhưng cứ cố gắng cư xử như mình còn trẻ”
|
Một cựu nhân viên cho biết, mặc dù Facebook là một công ty lớn nhưng nó luôn cố gắng cư xử như mình là một công ty mới thành lập. Cựu nhân viên này viết trên Quora: “Điều này giống như các bộ phim của diễn viên Adam Sandler, mặc dù anh ta đã già rồi nhưng anh ta cư xử như mình còn teen lắm”.
“Hoàn toàn thiếu quan tâm đến nhóm của tôi”
Một cựu thực tập sinh trong mảng thiết kế và lập trình tại Facebook viết trên Quora: “Vào ngày cuối cùng trong thời kỳ thực tập của mình, nhóm của tôi quyết định sẽ không viết lại hoàn toàn dự án. Nếu như cả nhóm có thể thảo luận rõ hơn về viễn cảnh tương lai của một sản phẩm, tôi nghĩ rằng mình đã có thể đưa ra nhiều cải thiện hơn và nó sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho công ty”.
“Bạn sẽ không kiếm ra hàng triệu hoặc xây dựng được một công ty thú vị của riêng mình”
|
Có thể bạn đang làm cho một công ty rất thú vị nhưng bạn vẫn chỉ đang làm việc. Trong trường hợp này, bạn đang làm việc để hoàn thành ước mơ của một kẻ khác.
"Đây có lẽ không phải là kinh nghiệm làm việc tệ hại nhất của tôi cho đến nay”
|
Một cựu nhân viên giấu tên cho biết: “Là người được nhận vào làm để thế chỗ cho nhân viên nghỉ sinh em bé, tôi được ký hợp đồng tạm thời với vị trí hành chính và gần như không được hướng dẫn hay hỗ trợ gì cả và phải phục vụ hai trong số những vị lãnh đạo tệ nhất tôi từng gặp”.
"Mọi người dùng cái giọng rất xem thường và luôn tự cho mình là đúng”
Theo một cựu nhân viên từng làm việc cho gã khổng lồ mạng xã hội: “Cách nói của mọi người tỏ ra rất xem thường, luôn cho mình là đúng. Tôi thấy họ rất hống hách, bè phái và thẳng thắn là thô lỗ”.
"Tôi bị yêu cầu làm những việc hoàn toàn không phù hợp”
Một cựu nhân viên giấu tên cho biết: “Tôi bị mọi người đối xử như rác rưởi và bị sai những việc không phù hợp, ví dụ như đem quần áo bẩn của giám đốc đến chỗ giặt là chẳng hạn”.
“Những chỉ dẫn đưa ra chẳng rõ ràng, làm việc như chơi trò đánh đố”
|
Sau khi đưa ra một bản kế hoạch hiệu suất làm việc trong 10 ngày, một cựu nhân viên cho biết nhóm của anh thậm chí còn không buồn phản hồi. Anh nói: “Vào lúc đó, tôi nghỉ việc luôn”.
"Zuck và Sheryl tỏ thái độ thánh thiện hơn người"
|
Đánh giá về CEO Mark Zuckerberg và giám đốc quản lý Sherryl Sandberg, một nhân viên Facebook phàn nàn rằng hai người này dành quá nhiều thời gian vào các hoạt động ngoài giờ và sao chép từ các đối thủ, ví dụ như chức năng trêu chọc là sao chép của Snapchat.
"Hiểu rằng mình là một phần của một công ty bị thổi phồng giá trị quá mức”
|
Facebook với giá trị ước tính lên tới 200 tỷ USD nhưng lại có lần chào bán cổ phiếu công khai khá ảm đạm khiến cho nhiều nhân viên cảm thấy hoàn toàn vô vọng khi chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình sụt giảm.
"Nhìn vào Google quá nhiều"
|
Mặc dù không làm việc tại Facebook, nhưng anh chàng trên Quora này cho biết, mình thường xuyên tham gia vào các buổi trò chuyện công nghệ của Facebook và anh chẳng thấy một yếu tố bất ngờ nào.
Anh này viết: “Nhiều lần Facebook dường như nhìn vào Google quá nhiều hơn là tập trung vào giá trị và thế mạnh cốt lõi của mình”.
“Đừng nghĩ đến thức ăn và nước uống miễn phí, chỗ làm việc thật kinh khủng”
|
“Khi bạn nhìn thấy những căn phòng lớn với nhiều hàng dài bàn ghế dạng bàn picnic chất kín những người ngồi vai kề vai, chỉ cách nhau có 6 inch và chẳng có chút riêng tư nào, đó là khi bạn phải tìm cách giữ bí mật về những gì mình đang làm”.
"Tôi đã chứng kiến những quyết định được đưa ra bởi các thực tập sinh”
Philip Su, một kỹ sư phần mềm làm việc tại Facebook, đã đăng bài viết: “10 điều tôi ghét khi làm việc tại Facebook” trên blog cá nhân trong năm ngoái cho biết: “Tôi từng chứng kiến những quyết định được đưa ra bởi một kỹ sư duy nhất hoặc kỹ sư và nhà thiết kế sau khi ăn trưa với nhau. Những quyết định này được đưa ra mà không hề có sự trao đổi với người quản lý. Kiểu tự quyết này thể hiện sử thiếu hiểu biết về cung cách làm việc hợp tác tại công sở”.
“Nhận thấy công ty chẳng có tương lai nào trên di động”
“Có gì đó không ổn khi bạn nhận được những lời phàn nàn từ những người sử dụng kêu ca về trải nghiệm trên di động của họ”, một cựu nhân viên giấu tên trên Quora cho biết. Ứng dụng Facebook mobile bị gọi là cồng kềnh và nổi tiếng vì làm cạn pin nhanh. Cuối cùng sẽ chẳng còn ai lướt Facebook bằng di động nữa”.
"Làm việc tại Facebook đôi khi có nghĩa là phí thời gian ngồi lướt Facebook"
Felipe Oliveira Carvalho, một cựu thực tập sinh tại Facebook cho biết: “Thực tế, kiểm thử các dòng code của bạn hầu hết thời gian có nghĩa là bạn lướt Facebook. Việc này có thể làm bạn mất tập trung”.
“Bạn thực sự không bao giờ có thể rời xa công việc, kể cả khi đang đi nghỉ”
|
Sunayana Sen, người từng làm việc tại Facebook Ấn Độ cho biết, thậm chí khi không ở công ty, bạn có thể nhận được thông báo về công việc. “Vì luôn có những nhóm Facebook chat cho mỗi nhóm/công việc/dự án, nên bạn luôn nhận được thông báo và không bao giờ bạn thực sự rời khỏi công việc, thậm chí kể cả khi bạn đi nghỉ”.
“Một ngày bạn có thể nhận được 1.600 đoạn tin nhắn trao đổi”
|
Một cựu nhân viên Facebook có tên là Thomas Moore cho biết anh từng nhận được 1.600 đoạn trao đổi nội bộ mỗi ngày. Anh ao ước quay về thời mà mọi người còn chưa biết Facebook là gì.