Một tuần sau cuộc bầu cử hôm 7/5, Emmanuel Macron sẽ nhậm chức tổng thống Pháp vào 10h ngày 14/5 (giờ địa phương). Reuters nhận định việc Macron lên nắm quyền đánh dấu sự tạm ngưng của làn sóng chống toàn cầu hóa đang lan rộng sau chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ hay việc dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU).
Macron, từng làm lĩnh vực ngân hàng, ủng hộ EU và ủng hộ các doanh nghiệp, sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp kể từ sau thế chiến và là người đầu tiên sinh sau năm 1958, thời điểm Tổng thống Charles de Gaulle khai sinh nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp.
Tổng thống sắp nhậm chức Pháp, Emmanuel Macron, và người tiền nhiệm Francois Hollande. Ảnh: AFP. |
Bước đi dưới gà trống
Lễ chuyển giao quyền lực sẽ bắt đầu lúc 10h tại Điện Elysee, cung điện từ thế kỷ 18 và hiện được sử dụng làm dinh tổng thống Pháp. Tổng thống mới sẽ nhận lại mã kích hoạt tên lửa hạt nhân từ người tiền nhiệm Francois Hollande.
Bên trong Điện Elysee, người ta sẽ đọc lại kết quả bầu cử. Đó là giây phút Macron chính thức nhận lấy quyền lực của một tổng thống Pháp. Vị tổng thống mới sau đó sẽ được trao cho sợi dây chuyền biểu tượng của tước vị Tổng Chỉ huy Binh đoàn Danh dự.
Các cộng sự của ông Macron tiết lộ tân tổng thống sẽ không thật sự đeo sợi dây chuyền to và nặng này. Hai người tiền nhiệm của ông cũng chọn cách tương tự. Sau các nghi thức nhậm chức, lễ ăn mừng bắt đầu.
Tổng thống mới sẽ duyệt đội danh dự, theo sau đó là 21 phát đại bác chào mừng. Ông bước ra khỏi chiếc cổng sắt của Điện Elysee, bên dưới con gà trống biểu tượng cho nước Pháp nhiều thế kỷ qua.
Địa điểm đầu tiên vị tân tổng thống bước đến sẽ là Khải Hoàn Môn và ngôi mộ của một liệt sĩ vô danh đang nằm bên dưới chiếc cổng khải hoàn.
Khải Hoàn Môn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Pháp cận đại và hiện đại. Ảnh: AFP. |
Khải Hoàn Môn, nơi tràn ngập những biểu tượng quân sự, là lời nhắc nhở cho việc Pháp là một thành viên của NATO, vị trí của đất nước này trong Thế chiến thứ 2 cũng như quá khứ dữ dội dưới thời Napoléon. Chính Napoléon là người đã ra lệnh xây nên Khải Hoàn Môn vào năm 1806 để ghi nhớ cuộc chinh phạt châu Âu ngắn ngủi của ông (dù Napoléon bị lưu đày trước khi Khải Hoàn Môn hoàn thành).
Dù vậy, Khải Hoàn Môn hôm nay cũng là địa điểm đã chứng kiến cuộc tấn công mới nhất của các chiến binh Hồi giáo nhằm vào nước Pháp. Một vài ngày trước vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, một cảnh sát bị một tay súng, nghi là chiến binh Hồi giáo, bắn chết trên đại lộ Champs Elysees, con đường dẫn đến Khải Hoàn Môn.
Macron sẽ nhậm chức trong lúc nước Pháp vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp vốn kéo dài từ chuỗi khủng bố Paris năm 2015 đến nay.
Khoảng 1.500 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh cho buổi lễ nhậm chức. Một số con đường tại trung tâm Paris sẽ bị phong tỏa vào sáng 14/5.
Xe cộ trên đại lộ Champs Elysees hôm 13/5, một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống Pháp. Ảnh: AFP.
|
Thử thách phía trước
Emmanuel Macron nhận lại một nước Pháp đầy chia rẽ. Là một người ủng hộ toàn cầu hóa, ông sẽ phải xoa dịu cơn giận và nỗi thất vọng của gần 1/2 trong số 47 triệu người Pháp đã bỏ phiếu cho những chính sách chống toàn cầu hóa, ủng hộ đóng cửa biên giới, rút khỏi các định chế của EU mà Le Pen và một số ứng viên khác đưa ra. Họ là những người mất mát khi các công việc trong nhà máy bị đưa khỏi nước Pháp và sợ hãi trước làn sóng người nhập cư tràn vào làm xóa mờ bản sắc Pháp.
Thách thức gần nhất của Macron là đảng của ông phải giành được đa số trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới để các chính sách của tổng thống mới được thông qua. Nếu thất bại, Macron sẽ "nếm mùi" những khó khăn của một "kẻ ngoại đạo" không có chính đảng lớn đứng sau dù đây được cho là ưu thế của Macron trong cuộc bầu cử.
Dù vậy, Reuters nhận định thời điểm nhậm chức của Macron cũng là lúc kinh tế Pháp đang có dấu hiệu hồi phục. Sức mạnh công đoàn Pháp đã suy yếu đi ít nhiều dưới thời ông Hollande và có thể tạo điều kiện cho các chính sách thân doanh nghiệp của Macron.
Về đối ngoại, các cộng sự của Macron đã cho biết ông sẽ đến Berlin ngay sau ngày nhậm chức để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hành động này được xem là thông điệp về EU vững mạnh dù phải đối mặt với sự ra đi của nước Anh.