Hội đồng Xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam vừa công bố thông tin về hoạt động 9 tháng đầu năm 2016 đối với 21 công ty thành viên. Hiện tại, mỗi ngày 3 tỉnh, thành phát hành 21-24 triệu vé. Riêng ngày thứ 7 có đến 30 triệu vé vì có thêm TP.HCM, do đơn vị này phát hành 2 kỳ/tuần.
9 tháng bán trên 500 triệu vé số
Theo báo cáo của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, 14 công ty phát hành 8 triệu vé (80 tỷ đồng) mỗi kỳ, tỷ lệ tiêu thụ bình quân đạt 87,22%. Trong đó, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Nai thuộc nhóm 8 triệu vé/kỳ và có tỷ lệ tiêu thụ cao, trên 90%.
Nhóm 7 công ty phát hành 7 triệu vé/kỳ có tỷ lệ tiêu thụ bình quân xấp xỉ 61%. Trong đó, Bình Phước có tỷ lệ tiêu thụ thấp nhất (45,5%) và cao nhất là Trà Vinh (gần 72%).
9 tháng năm 2016, các công ty XSKT phát hành gần 634 triệu vé. Ảnh: Việt Tường. |
Bốn tháng trước, thị trường xổ số ở miền Nam có thêm sản phẩm Mega 6/45 của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott). Điều kiện thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty XSKT trong quý III/2016.
Tổng số vé phát hành là 633,8 triệu vé, tương đương 68.380 tỷ đồng, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ bình quân của vé số truyền thống đạt gần 80%, tương đương với doanh thu tiêu thụ lên đến 50.635 tỷ đồng (tương đương hơn 506 triệu vé).
Doanh thu và lãi cao nhưng các công ty XSKT cũng trả thưởng với số tiền chiếm hơn 48% so với số tiền mà doanh nghiệp thu về. Trong 9 tháng, 21 doanh nghiệp XSKT chi đến 24.533 tỷ đồng để trả thưởng, riêng TP.HCM chiếm trên 2.700 tỷ đồng.
Tuy vậy, trong báo cáo tài chính của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, khoản mục "chi phí trả thưởng" trong 9 tháng của đơn vị này chỉ chiếm 11,3 tỷ đồng. Còn trong 3 tháng quý III, con số này là gần 4 tỷ đồng.
Hoạt động XSKT trong những năm gần đây được cho là mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương. Chính vì vậy, khi vé số điện toán in sẵn được bán tràn lan ở các tỉnh phía Nam, Hội đồng XSKT khu vực này đã lên tiếng "tố" Vietlott gây khó khăn và ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường kinh doanh vé số.
Thống kê của 21 công ty XSKT, 9 tháng năm 2016, các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước đến 17.283 tỷ đồng, tăng 742 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Từ khi vé điện toán in sẵn bán ngoài 6 tỉnh, thành mà Vietlott mở thị trường, Hội đồng XSKT miền Nam khẳng định các tỉnh còn lại đã bị thất thu ngân sách. Không chỉ vậy, những điểm bán lẻ vé điện toán bán cao hơn từ 1.000-2.000 đồng so với mệnh giá trên vé đã gây hoang mang, thiệt thòi cho đại lý vé số truyền thống.
Doanh số tiêu thụ đang giảm
Sau 3 tháng Vietlott mở thị trường ở 6 tỉnh, thành phía Nam thì nhiều công ty XSKT tuyên bố sẽ "sống chung với lũ" trong cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty xổ số. Tuy nhiên, từ tháng thứ 4, Vietlott liên tục xuất hiện giải đặc biệt với tổng số tiền lên đến 228 tỷ đồng. Trong đó, giải độc đắc 92 tỷ đồng ngày 16/10 và 65 tỷ ngày 2/11, đã có người nhận. 71 tỷ đồng của kỳ mở thưởng 51, ngày 13/10, vẫn đang hồi hộp chờ chủ nhân.
"Vé điện toán có người trúng đặc biệt với số tiền quá cao khiến người dân tìm mua sản phẩm của Vietlott. Doanh số tiêu thụ tháng 10 của công ty tôi giảm trên 3%", lãnh đạo một công ty XSKT phía Nam chia sẻ.
Vé số điện toán được nhiều người bán dạo đưa đến các quán nhậu ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường. |
Để bảo vệ thị trường truyền thống của mình, các công ty XSKT tiếp tục có những phản ứng khi thấy vé số của Vietlott được in sẵn bán ở các tỉnh chưa có thiết bị đầu cuối. Điều này đã không đúng với loại hình vé số điện toán tự chọn và mất quyền tự chọn của người chơi số.
Từ những bức xúc của các công ty kinh doanh vé số truyền thống, ông Tống Quốc Trường - Tổng giám đốc Vietlott - đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
"Để đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi và nguồn thu ngân sách địa phương, Vietlott đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngành chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực xổ số nói chung và xổ số điện toán nói riêng", công văn của Vietlott nêu.