Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2015 - năm thử thách cho tiền đồng?

Trong thời gian qua, ngân hàng Nhà nước đã ra sức tăng sự hấp dẫn và củng cố niềm tin vào VND bằng cách giảm “vàng hóa”, “đôla hóa”, tỷ giá ổn định, lãi suất đồng USD thấp...

3 năm gắng sức tạo niềm tin

Phải nói rằng, gần 3 năm nay tỷ giá VND/USD ổn định đã giúp cho việc tạo niềm tin vào tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt được mục tiêu. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao nỗ lực này của NHNN. Sau đợt phá giá 9,3% hồi đầu năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết ngày 07/9/2011 không phá giá tiền đồng quá lớn, góp phần ổn định nền kinh tế. Từ thời điểm đó, NHNN đã thực hiện điều chỉnh tỷ giá 3 lần,vào tháng 6/2013, tháng 6/2014 và tháng 1/2015, mỗi lần tăng  1%

Sự ổn định của tỷ giá cộng với mức lãi suất đồng USD đã giảm rất mạnh từ mức 1,25%/năm trong năm 2013 xuống 75%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,25% đối với khách hàng doanh nghiệpđã gần như xóa bỏ hoạt động đầu cơ USD.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn giữ quan điểm duy trì mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng thực dương (cao hơn lạm phát) để bảo toàn giá trị cho người gửi tiền. Điều này đã thúc đẩy người dân có USD bán lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng, thay vì nắm giữ USD không có lợi. Chẳng hạn, trong năm 2013 với số tiền 100 triệu đồng, người dân gửi vào ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Sau một năm tổng số tiền nhận được là 107,5 triệu đồng.

Nếu quy đổi 100 triệu đồng sang USD được 4.793 USD  (theo tỷ giá 20.860 của đầu năm 2013), đem số tiền này gửi tiết kiệm với lãi suất USD là 1,25%/năm. Sau một năm, số tiền nhận được là 4.852 USD.

Cộng với mức tỷ giá biến động 1% trong năm 2013, số tiền nhận được bằng tiền đồng là 102,28 triệu đồng (theo tỷ giá tính 21.080 vào cuối năm 2013). Như vậy, so với nắm giữ VND, việc giữ tiền USD sẽ bị thiệt 5,22 triệu đồng. Còn với việc nắm giữ vàng trong khoảng 2năm qua không còn nhiều thuận lợi. Trong khi giá vàng năm 2012 tăng  9%, khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2013, với việc đầu thầu 67,5 tấn vàng, NHNN đã gần như bình ổn thị trường vàng (không bình ổn giá). Giá vàng giảm trong năm 2013 tới 12 triệu đồng/lượng (từ 46 xuống 34 triệu đồng) khiến  người nắm giữ vàng lỗ lớn vì xu hướng giá trong năm này là giảm.

Tiếp tục trong năm 2014, giá vàng dù không có biến động nhiều và xoay quanh ở mức 35-36 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức 2-3 triệu đồng/lượng.Xét về giá trị, giữ vàng trong năm 2014 chỉ là giải pháp bảo toàn vốn.

2015 – vị thế nào cho tiền đồng?

Phải nhìn nhận một cách khách quanNHNN đã thành công trong việc ổn định thị trường tiền tệ, nhưng vẫn còn sử dụng nhiều biện pháp hành chính can thiệp thị trường. Một loạt các thách thức cho việc giữ ổn định giá trị tiền đồng trong năm 2014.  Trong đó các biện pháp nhằm giảm tình trạng “vàng hóa” và “USD hóa” đang được NHNN triển khai tích cực.

Thống đốc Bình tiếp tục khẳng định mức biến động tỷ giá không quá 2% tiếp tục trong năm 2015. Việc tỷ giá ổn định giúp nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tính toán được chi phí tài chính và không bị động dẫn đến lỗ tỷ giá như giai đoạn 2009-2011.

Tuy nhiên, ngay đầu năm 2015, ngày 7/1, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được tăng thêm 1%, lên 21.458 VND/USD, sau 6 tháng giữ nguyên. Mức giá niêm yết của các ngân hàng thương mại sau đó đã thăng thêm 110 đồng, lên mức 21.511 VND/USD.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, VND vẫn bị định giá thấp so với USD, nếu cứ duy trì tỷ giá thấp như hiện nay thì không có lợi cho xuất khẩu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu dùng tỷ giá như một trong các bộ phận kiểm soát lạm phát, củng cố lòng tin của nhà đầu tư, dân chúng là tốt. Nhưng mặt trái khi duy trì tỷ giá quá cứng, quả ổn định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế trong tương lai.

Một điều kiện nữa để VND tiếp tục duy trì được niềm tin của người nắm giữ nó là lạm phát trong năm 2014 của Việt Nam đã được kiềm chế như kỳ vọng ở mức dưới 5%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên,năm 2015 có nhiều yếu tố biến động tạo sức ép tăng lạm phát, ngay sau khi tỷ giá được điều chỉnh trong những ngày đầu năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận định trong Hội nghị triển khai ngành ngân hàng 2015 tại Hà Nội: “Áp lực tăng lãi suất trong năm 2015 là rất lớn khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhu cầu vốn cũng cao hơn”.

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc Gia, nhìn lại từ 2006-2010 tốc độ tăng tín dụng thường xuyên ở mức 30%/năm, thì GDP thực tế chỉ tăng 1,2 lần (GDP danh nghĩa tính cả yếu tố theo thời giá cũng chỉ tăng 1,73 lần) trong khi đó cung tiền tăng trên 2 lần. Như vậy lượng tiền đưa ra lớn hơn nhiều GDP thì không tránh khỏi yếu tố lạm phát.

Khi lạm phát tăng thì lãi suất phải tăng (chính sách lãi suất thực dương) để củng cố niềm tin vào VND.Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang xoay quanh mốc 6-7%/năm. Lạm phát mục tiêu năm 2015  khoảng 6%.

Trong khi đó, việc chống vàng hóa mặc dù đang thành công, nhưng tâm lý tích trữ vàng của người dân vẫn tồn tại do đây là công cụ tích trữ phòng thân hiệu quả. Một ước tính không chính thức, có khoảng 400 – 500 tấn vàng đang được “gối đầu” trong dẫn và  NHNN chưa có biện pháp cụ thể hiệu quả nào để khơi thông nguồn vốn này. Có thể nói, 2015 sẽ tiếp tục là năm thử thách cho niềm tin VND.

 

http://bizlive.vn/ngan-hang/2015-nam-thu-thach-cho-tien-dong-719089.html

Theo Linh Lan/ Bizlive

Bạn có thể quan tâm