Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền mất giá, Nga chống đỡ thế nào?

Giá dầu thô rớt mạnh làm đồng ruble của Nga “rơi vào hố không đáy” của sự mất giá. Nga đang dùng nhiều giải pháp để kéo đồng ruble lên.

Giá trị đồng ruble của Nga đã tụt xuống mức thấp mới so với đồng USD và đồng euro, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nga một lần nữa nâng lãi suất chủ chốt trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang sa sút của nước này, VOA viết.

Đồng nội tệ của Nga lần đầu tiên vượt lên trên mức 55 ruble đổi 1 USD hôm thứ Năm (11/12), và cũng tụt xuống đáy mới so với đồng euro được sử dụng trong 18 nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu.

Theo số liệu của Bloomberg, đồng ruble đã giảm giá 25% trong vòng 2 tháng qua, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên khoảng 40%, trở thành đồng tiền mất giá “thảm” nhất trong số 24 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, được hãng tin này theo dõi.

Sử dụng nhiều cách

Cách can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga là nâng lãi suất từ 9,5% lên 10,5%, tăng lãi suất tiết kiệm từ 8,5% lên 9,5%, nhằm chặn việc đồng ruble mất giá hơn 40% trong năm nay, hậu quả của việc bị phương Tây cấm vận kinh tế-tài chính, với lý do Nga can thiệp vào khủng hoảng ở Ukraine.

CBR cho hay, họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất “trong trường hợp nguy cơ lạm phát tăng cao”.

Theo tờ Telegraph (Anh), Nga đã mua vàng giá rẻ “để chuẩn bị đối phó khả năng chiến tranh kinh tế với phương Tây kéo dài”. Riêng trong quý ba, Nga mua vàng cho kho dự trữ nhiều hơn các nước khác và trong 10 năm qua, Nga đã tăng gấp ba kho vàng, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới.

Gần đây, Nga không phải dựa vào nguồn vàng này, nhưng nay CBR phải bán ra một ít để chống lạm phát, đã tăng lên 9,1 % hồi tháng 11 và đồng ruble mất giá nghiêm trọng.

Việc Nga lệ thuộc mạnh vào dầu khiến trước năm 2008, Moscow cho lập quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Nhưng các công ty Nga sử dụng tỷ lệ tín nhiệm tăng của họ để vay USD từ các quỹ này, buộc họ phải trả vốn và lãi suất cao hơn, trong khi đồng USD giảm giá.

Cho đến nay, CBR vẫn bác yêu cầu trợ giá để giúp lĩnh vực tư nhân trả nợ vay, nhưng một số lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo, công ty của họ sẽ bị phá sản nếu nhà nước không hỗ trợ.

Ngày 10/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Chính phủ nước này đang đàm phán với các công ty lớn về việc bán ra ngoại tệ của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Moscow cũng hối thúc các nhà xuất khẩu chuyển đổi tiền từ ngoại tệ sang ruble để hỗ trợ cho tỷ giá đồng nội tệ.

Đồng ruble mất giá mạnh đang làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Nga - một động lực chính của sự phục hồi nền kinh tế nước này từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009. Tuy nhiên, hiện không có lý do gì để Nga “đặc biệt lo sợ”, ông Medvedev nói trong chương trình trả lời phỏng vấn trên truyền hình Nga ngày 10/12.

“Chúng ta cần kiên nhẫn để vượt qua giai đoạn khó khăn này và nhìn về tương lai”, Thủ tướng Nga phát biểu.

Trong tuyên bố ngày 11/12, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức gần 0% trong năm 2015 - 2016 và lạm phát sẽ vào khoảng 10% trong 3 tháng đầu năm sau.

Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ tháng 6/2011. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga là giảm lạm phát về ngưỡng 4% trong trung hạn.

 

http://baodientu.chinhphu.vn/quoc-te/tien-mat-gia-nga-chong-do-the-nao/215765.vgp

Theo Bảo Trâm / Chinhphu.vn

Bạn có thể quan tâm