2014 là năm thất bại của Microsoft do hãng tập trung phát triển các dòng điện thoại thông minh tầm trung giá rẻ. Thị trường thiếu vắng một thiết bị Lumia tầm cỡ, chứ không phải những thiết bị trung cấp nhưng nhạt nhòa.
Nadella đang từng bước thay đổi chiến lược của Microsoft. |
Chiến lược sai lầm này kéo theo tình hình kinh doanh thiết bị di động có phần ảm đạm trong năm 2015. Hồi tháng 7, Microsoft thừa nhận đang phải bù lỗ khoảng 0,12 USD mỗi thiết bị Windows Phone bán ra. Hãng cũng tuyên bố cắt giảm 7.800 nhân sự, chủ yếu nằm ở bộ phận sản xuất smartphone.
Satya Nadella từng tuyên bố sẽ từ bỏ chiến lược xây dựng ngành sản xuất điện thoại riêng biệt, thay vào đó tập trung phát triển đồng bộ các thiết bị Windows nhằm tạo ra hệ sinh thái mạnh mẽ. Việc đầu tiên vị CEO này làm là quy hoạch lại mảng sản xuất di động một cách hiệu quả nhất.
Quá trình 'xoay trục' bắt đầu diễn ra
Microsoft bắt đầu chuyển mình trong năm 2015 với động thái cắt giảm nhiều dòng điện thoại và tung ra các thiết bị hàng đầu vào cuối năm. Tất cả những thay đổi này được phản ánh rõ nét trên Surface. Gã khổng lồ Redmond tập trung bán các sản phẩm cao cấp có lợi nhuận cao ra thị trường thay vì phục vụ phần đông người dùng bình dân.
Microsoft ra mắt các sản phẩm cao cấp vào cuối năm. |
Công ty tự tin vào các thiết bị “xa xỉ” bởi cho rằng Windows 10 Mobile giờ không còn là một hệ sinh thái độc lập mà nằm trong thị trường phát triển cho Windows 10. Sức mạnh từ hệ sinh thái đa dạng là điểm tựa để hãng cạnh tranh với các đối thủ.
Steve Guggenheimer, giám đốc Microsoft chia sẻ: “Chúng tôi đang từng bước xây dựng lại để tiến xa hơn. Bắt đầu từ những thế hệ smartphone đầu tiên (tự Microsoft sản xuất) mà bạn sẽ thấy. Tôi không có một mốc thời gian cụ thể, nhưng đã tới lúc chúng tôi phân định rõ ràng giá dòng Lumia”.
“Hiện tại, Lumia đang trải đều tất cả các phân khúc. Nhưng sự thật thì việc tạo ra điện thoại cao cấp mang lại nhiều giá trị hơn, và đó đang là xu thế toàn cầu, giống như Apple. Chúng tôi muốn tạo ảnh hưởng trong đó”, Guggenheimer nói thêm.
Windows 10
Windows 7 vẫn là hệ điều hành dành cho máy tính phổ biến nhất thế giới sau 6 năm ra mắt. Tuy nhiên, nền tảng này lại không tối ưu cho các thiết bị mới trang bị màn hình cảm ứng.
Windows 10 mang diện mạo mới. |
Trong khi đó, Windows 8 là thất bại của hãng, dù cố gắng tạo ra môi trường thân thiện cho người dùng cảm ứng. Microsoft nhanh chóng sửa sai với phiên bản Windows 8.1, nhưng nỗ lực của họ vẫn còn yếu ớt và chưa “được lòng” khách hàng truyền thống.
Được giới thiệu trong năm 2015, Windows 10 gần như thuyết phục những vị khách từng quay lưng với Windows 8 trở lại. Nền tảng mới mang lại cảm giác quen thuộc cho người dùng máy tính truyền thống, bên cạnh trải nghiệm trên thiết bị màn hình cảm ứng mượt, tính tương thích cao.
Microsoft cho biết, từ tháng 7 tới nay đã có 120 triệu máy cài đặt Windows 10. Hãng đang muốn kết nối mọi thiết bị thông qua một nền tảng duy nhất. Điện thoại cũng có thể làm việc với Microsoft Office, kết nối với màn hình để biến thành máy tính.
Windows 10 không thúc đẩy tăng trưởng thị trường PC năm 2015, nhưng nó lại thuyết phục các doanh nghiệp nâng cấp. Theo khảo sát của Forrester, 49% doanh nghiệp được hỏi sẽ “lên đời” Windows 10 vào năm 2016.
2015 cũng là năm Microsoft ngừng thuyết phục người dùng sử dụng Internet Explorer. Trình duyệt Edge mới đi kèm với Windows 10 giờ đây đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Một sản phẩm đủ sức đánh bại Chrome nhờ những cải tiến đáng giá được tiếp thêm sức mạnh nhờ thị phần Windows rộng lớn.
Vẫn còn đó vòng luẩn quẩn
CEO Nadella không coi smartphone là mảng riêng biệt cần tập trung nhiều nhất, mà sẽ hướng đến việc phát triển tổng thể hệ sinh thái xung quanh Windows 10. Tuy nhiên, không thể phủ nhận điện thoại vẫn là thị trường tiên phong hiện nay mang lại nguồn lợi lớn cho công ty. Nhưng Microsoft vẫn hụt hơi so với đối thủ.
Microsoft chịu nhiều sức ép từ thị trường và người dùng. |
Vòng luẩn quẩn tiếp diễn khi các nhà phát triển ứng dụng gần như bỏ mặc điện thoại Windows lại phía sau. Thị phần smartphone toàn cầu của gã khổng lồ xứ Redmond chỉ dao động khoảng 3%, quá bé so với Android và iOS.
Nếu muốn thu hút bên thứ ba phát triển ứng dụng cho Windows 10, Microsoft cần mở rộng thị phần điện thoại của mình. Nhưng để thuyết phục khách hàng, công ty lại phải mang tới hệ sinh thái đủ mạnh. Câu chuyện “con kiến mà leo cành đa” có lẽ phù hợp với tình hình hiện nay.
Thắp lên hy vọng
Google và Apple đang đi từng bước chậm rãi nhưng chắc chắn khi khi mắt máy tính bảng Android và iOS có thể thay thế máy tính xách tay. Cả hai mạnh dạn tuyên bố hệ điều hành của họ đủ khả năng thay thế Windows. Khó khăn chồng chất, nhưng không vì thế mà giới chuyên gia đánh giá thấp Microsoft.
Tin đồn mới nhất cho rằng, gã khổng lồ xứ Redmond đang lên kế hoạch để ra mắt một chiếc điện thoại “sát thủ” có thể thay đổi cục diện. Và nếu Nadella làm tốt ở thị trường điện thoại cao cấp, đó sẽ là kỳ tích sẽ được ghi vào cuốn sách lịch sử làng công nghệ thế giới.