Theo Der Spiegel, trong một buổi chiều tháng 8/2018, tương lai của 8 chàng trai trẻ được quyết định bên trong một cơ sở tại trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở Hàng Châu, trước cửa được trang trí bằng một tấm biển ghi "Thành phố thân mật".
Vào ngày đầu tiên của khóa học, các chàng trai này mặc áo sơ mi chỉnh tề và tóc vuốt keo gọn gàng. Một số nhét tay vào túi quần jean, sải bước đĩnh đạc. Mục tiêu là học cách gây ấn tượng với phụ nữ. Đó là những gì mà tiến sĩ Love - huấn luyện viên hẹn hò - đã dạy cho họ.
Một trong số các học viên là Liu Yuqiang, làm việc tại một siêu thị trong thành phố. Anh đeo kính mát, mặc bộ đồ vest và đi giày bóng loáng, dáng vẻ điềm đạm. Tất cả đều nhằm che giấu sự thật rằng anh đến từ một ngôi làng nhỏ chỉ có 80 hộ gia đình.
Mất cân bằng giới tính khiến cho nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kết hôn. Ảnh: Forbes. |
Một người đàn ông đến từ nông thôn sẽ không phải là đối tượng hấp dẫn đối với phụ nữ thành thị Trung Quốc, điều mà Liu ý thức rất rõ. Bên cạnh đó, năm nay anh 27 tuổi, khá kỳ lạ nếu anh còn độc thân theo quan niệm truyền thống của nhiều người.
Cứ 114 nam giới ở Trung Quốc thì mới có 100 phụ nữ. Nhìn chung, ở quốc gia này số lượng nam nữ đang chênh lệch vào khoảng 30 triệu người. Và không một người Trung Quốc nào muốn mình là cái tên cuối cùng trong gia phả. Những người độc thân vẫn luôn là cái gai trong mắt gia đình.
Mặt trái của sự bùng nổ kinh tế
Tình yêu đã trở thành một vấn đề phức tạp ở Trung Quốc. Sự bùng nổ kinh tế của đất nước đang khiến mọi người trở nên xa cách, khiến họ phải xa rời quê hương của mình. Trong nhiều thế kỷ, cha mẹ ghép cặp con cái của họ với những gia đình môn đăng hộ đối.
Nhưng cuộc sống tình yêu của người Trung Quốc đã thay đổi đáng kể và tốc độ phát triển quá nhanh khiến nhiều người không thể thích nghi kịp thời. Sự kết hợp giữa tự do lựa chọn và áp lực xã hội đã trở nên quá sức đối với nhiều người.
Hàng nghìn huấn luyện viên hẹn hò, môi giới hôn nhân và các chuyên gia tình yêu xuất hiện nhằm hỗ trợ cho hàng triệu thanh niên Trung Quốc trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.
Giao diện của trang Baihe. Ảnh: Baidu. |
Baihe, nền tảng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc dành cho những người tìm kiếm đối tượng kết hôn, có hơn 300 triệu thành viên và 3.000 nhân viên mai mối. Các nhà tâm lý học của Baihe bay khắp đất nước để giúp đỡ những người độc thân đang tuyệt vọng.
Họ xem xét khả năng thanh toán của các ứng cử viên, sắp xếp các gói vay cho những người đàn ông nếu họ không có khả năng mua nhà. Các doanh nghiệp mai mối của Trung Quốc có doanh thu lên đến vài trăm triệu USD một năm.
Điều gì khiến hàng triệu người độc thân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nửa còn lại đến vậy?
Chính sách định mệnh
Số phận của Liu Yuqiang được xác định vào năm 1979, rất lâu trước khi anh được sinh ra. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc bắt đầu chính sách một con, một thời kỳ kéo dài đến 35 năm.
Chính sách một con của Trung Quốc đã tạo ra một kết cấu dân số nam nhiều hơn nữ. Điều này khiến cuộc sống đặc biệt khó khăn đối với hàng triệu lao động nhập cư chưa lập gia đình. Liu không thể tìm thấy tình yêu của đời mình bởi ba lý do: thiếu tiền, thời gian và sự kết nối.
Cha mẹ của Liu phải đi đến các thành phố lớn kiếm sống. Và như nhiều đứa trẻ khác, anh lớn lên cùng bà ngoại. Khi ông ngoại về đến nhà, bà sẽ dọn cơm lên bàn, nhưng bà không bao giờ thể hiện tình cảm với chồng.
Đã gần 30 tuổi nhưng nhiều thanh niên giống như Liu có rất ít kinh nghiệm hẹn hò với phụ nữ. Ảnh: Baidu. |
"Những người sống sót sau nạn đói lớn của Trung Quốc có ít thời gian để lãng mạn", Liu nói. Anh thừa nhận chưa bao giờ có bất kỳ hình mẫu nào khi nói đến mối quan hệ yêu đương.
Anh cũng không có bạn gái khi còn là sinh viên. Giáo viên và phụ huynh không khuyến khích việc hẹn hò trên ghế nhà trường, họ không muốn bất cứ điều gì làm xao lãng đứa con quý giá của họ khỏi việc học.
Và do đó, Liu cứ thế bước chân vào thị trường hôn nhân với sự thiếu kinh nghiệm điển hình về tình yêu và các mối quan hệ. Anh nên kết hôn từ lâu, nhưng anh lại chẳng có kinh nghiệm nào với phụ nữ.
15.000 USD một tháng cho dịch vụ mai mối
Công ty môi giới Diamond Love có trụ sở cách chỗ của Liu khoảng 200 km, tại Thượng Hải, thành phố phồn hoa bậc nhất Trung Quốc. Công ty có 5 triệu khách hàng.
Mỗi người phải trả tới 15.000 USD một tháng cho "dịch vụ mai mối" để tìm được một nửa đích thực. Hai trăm chuyên gia tư vấn và 200 người mai mối toàn thời gian đang làm việc cùng lúc tại 6 địa điểm trên cả nước.
Ren là một người mai mối chuyên nghiệp. Người phụ nữ 42 tuổi thanh lịch với mái tóc sáng bóng là chuyên gia nghiên cứu tâm lý học. Bà rất hiểu những vấn đề lãng mạn của giới thượng lưu cũng như bao người khác.
Khung cảnh một buổi hẹn hò tốc độ tại Trung Quốc. Ảnh: Baidu. |
"Khách hàng của chúng tôi bị mất phương hướng", Ren nói trong một quán cà phê ở Thượng Hải. Bà mở máy vi tính của mình và cho thấy danh sách câu hỏi mà khách hàng phải trả lời trước khi bắt đầu dịch vụ mai mối cho họ.
Trường hợp khó nhất của Ren là một người đàn ông 47 tuổi mà bà gọi là " Mr. Rich". Ông đã trả 1 triệu NDT (khoảng 145.000 USD), để tìm ra đối tượng phù hợp. Trên điện thoại, ông hào hứng hỏi khi nào sẽ có "tài nguyên mới".
Ông cảm thấy tất cả 50 phụ nữ mà Ren giới thiệu đều nhàm chán. "Cô đang mai mối sai người cho tôi rồi!" đây là phản hồi của ông ta sau mỗi bữa tối Ren sắp xếp tại khách sạn Ritz-Carlton.
Những cô gái “ế”
Phụ nữ rất khó tránh khỏi áp lực về việc kết hôn, đặc biệt là những người khao khát thành công hơn việc trở thành một người vợ. "Cha mẹ đã tìm một người chồng cho tôi", Hui Xue nói, cô không thể che giấu sự bối rối của mình.
Hồ sơ của Hui được đưa lên một “chợ hôn nhân” ở Thượng Hải, nơi mà các bậc phụ huynh đang vô cùng khẩn trương tìm kiếm đối tượng cho con mình.
Hui Xue năm nay 29 tuổi, rất xinh đẹp, cô là một nhà kinh tế học. Cô từng du học ở London (Anh) và Mỹ, thường xuyên phải di chuyển giữa châu Âu và Trung Quốc để làm việc cho một công ty lớn.
Chợ hôn nhân là nơi các bậc phụ huynh treo những tờ sơ yếu lý lịch của con em mình nhằm tìm đối tượng phù hợp. Ảnh: Baidu. |
Tuy nhiên, cơ hội tìm chồng của cô mấy khả quan, mặc dù số lượng đàn ông độc thân ở Trung Quốc là rất nhiều. Theo quan điểm truyền thống, cô quá để tâm đến sự nghiệp so với một người phụ nữ bình thường.
Hui cho biết chuyến thăm “chợ hôn nhân” của cô chủ yếu là để trấn an bố mẹ. "Cha mẹ tôi đang mong mỏi kiếm chồng cho tôi", cô nói. Nhiều bậc cha mẹ đã đến đây trong nhiều năm. Điều này làm cho họ cảm thấy khá hơn vì được đồng hành cùng con trong cuộc chiến số phận.
Không giống như Liu từ lớp học hẹn hò hay Mr.Rich từ công ty môi giới, cô Hui tin rằng tình cảm quan trọng hơn địa vị. Sau nhiều thập kỷ của chính sách một con, bây giờ phụ nữ có thể lựa chọn. "Tôi có đủ khả năng để chờ đợi", cô nói. "Tôi sẽ không chịu sự thúc ép của người khác."
Hui chưa nói với mẹ mình, nhưng cô đang hẹn hò với một đồng nghiệp. Một người đàn ông lịch sự và đối xử tốt với cô, nhưng anh ta không phải là người có thu nhập cao. "Tôi vẫn chưa biết liệu anh ấy có đủ tốt để kết hôn hay không", cô nói. Nhưng gia đình cô cần phải chấp nhận lựa chọn của cô.