Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc chưa kịp giàu có thì đã già

Đến năm 2050, ở Trung Quốc sẽ có tới 330 triệu người trên 65 tuổi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với tình trạng dân số “chưa kịp giàu thì đã già”.

Theo Time, ước tính 1,5 triệu người ở độ tuổi về hưu đã di cư từ các tỉnh miền Bắc Trung Quốc lạnh giá để đến định cư tại đảo Hải Nam ấm áp. “Chúng tôi yêu bầu không khí nơi đây”, ông Li An Xiao, 85 tuổi, cho biết. “Hãy nhìn những gốc cây và hoa lá mà xem. Bầu không khí biển cả trong lành khiến chúng tôi trở nên khỏe mạnh hơn bao giờ hết”.

Đầu năm 2019, Viện Khoa học Xã hội công bố báo cáo khẳng định đến năm 2050, cả Trung Quốc sẽ có tới 487 triệu người trên 60 tuổi, chiếm gần 35% dân số. Các nhà đầu tư bất động sản ở Hải Nam chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc, nhưng tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là khá u ám.

“Dân số già sẽ là vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai”, Time dẫn lời ông Stuart Leckie, Chủ tịch Stirling Finance Ltd, hãng tư vấn ở Hong Kong.

Nguoi dan Trung Quoc chua kip giau thi da gia anh 1
Dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 1,248 tỷ người vào năm 2065, tương đương mức của năm 1996. Ảnh: AFP

Giới quan sát nhận định chính sách một con, dù kết thúc vào năm 2015, đã tạo ra một “quả bom dân số hẹn giờ” đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Đến năm 2065, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 1,248 tỷ người, tương đương với mức năm 1996.

Năm 2050, số người ở độ tuổi lao động (16-59) tại Trung Quốc sẽ sụt giảm tới 23%.

Quá nhiều thách thức kinh tế vĩ mô

Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ nhờ vào lực lượng lao động trẻ, lành nghề. Trung Quốc hoàn toàn không có sự chuẩn bị cần thiết cũng như hệ thống an sinh xã hội đầy đủ để đối phó với tình trạng dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp. “Trung Quốc sẽ trở nên lão hóa trước khi giàu có” là nhận định của rất nhiều chuyên gia quốc tế.

Dân số già và suy giảm sẽ là vấn đề lớn với bất kỳ quốc gia nào, nhưng đặc biệt nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Bởi điều đó có nghĩa là nước này sẽ phải chăm sóc rất nhiều người già, trong khi số người trong độ tuổi lao động gánh trên vai chi phí hưu trí và chăm sóc y tế giảm đi.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ người phụ thuộc (người quá trẻ hoặc quá già để làm việc) dự kiến tăng lên đến gần 70% dân số vào năm 2050 so với 36% của năm 2016. Như vậy, ở Trung Quốc cứ 1,3 người lao động thì có một người phụ thuộc, giảm mạnh so với mức 3-1 hiện nay.

Nguoi dan Trung Quoc chua kip giau thi da gia anh 2
Người cao tuổi Trung Quốc phụ thuộc vào con cái. Ảnh: Getty Images

Mà vấn đề là Trung Quốc không có hệ sống an sinh xã hội đủ lớn mạnh để lo cho số lượng người già quá lớn như vậy. Khác với ông Li An Xiao và nhiều người về hưu có kinh tế ổn định, đa phần người Trung Quốc khi về hưu không có đủ tích lũy để sống an nhàn và được chăm sóc y tế đầy đủ.

Nghiên cứu năm 2013 của Đại học Bắc Kinh cho thấy chỉ 3% số người được hỏi cho biết họ có đủ tích lũy để sống thoải mái khi về hưu. Trên thực tế, chi phí chăm sóc người già sẽ đổ lên đầu con cái của họ. Nói cách khác, con cái chính là “bảo hiểm hưu trí” của các bậc cha mẹ tại Trung Quốc.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế vĩ mô. Dân số giảm đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng và sản lượng sản xuất sụt giảm. Thị trường lao động bị thu hẹp sẽ đẩy mức lương tăng cao, khiến các ngành công nghiệp thiên về xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh. Đây là vấn đề lớn với nền kinh tế sản xuất, phụ thuộc vào lao động như Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo áp lực dân số sẽ lấy đi của GDP Trung Quốc 0,5-0,75% mỗi năm trong vòng 3 thập kỷ tới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức 2,3% hàng năm từ năm 2030 đến 2060, thấp hơn nhiều so với mức 6,8% của năm 2017.

Vấn đề trầm trọng hơn nhiều so với các quốc gia khác

Tất nhiên Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất vật lộn với vấn đề dân số già. Hàn Quốc, Nhật Bản và hàng loạt nước phương Tây cũng có tỷ lệ sinh thấp, dân số già và giảm sút. Nhưng theo trang Geopolitical Futures, Trung Quốc khác biệt ở 4 điểm so với các quốc gia này.

Thứ nhất, tình trạng này xảy ra nhanh hơn tại Trung Quốc. Tỷ lệ dân số già của Trung Quốc tăng vọt từ dưới 10% lên 25% chỉ trong 25 năm. Tại các quốc gia phương Tây, quá trình này diễn ra chậm hơn, thường là hơn 100 năm. Trung Quốc sẽ có quá ít thời gian để thích nghi.

Thứ hai, tình trạng dân số già xảy ra tại Trung Quốc quá sớm trong chu kỳ phát triển. Nói cách khác, Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có. Khi tỷ lệ người già trên tổng dân số ở Nhật Bản ngang bằng mức của Trung Quốc thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của Nhật lúc đó cao gấp đôi Trung Quốc hiện nay.

Nguoi dan Trung Quoc chua kip giau thi da gia anh 3
Tình trạng dân số già ở Trung Quốc trầm trọng hơn các quốc gia khác. Ảnh: AFP

Khi tỷ lệ người già ở Hàn Quốc chạm cột mốc này, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc lúc đó cao gấp 3 lần Trung Quốc hiện nay. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản và Hàn Quốc có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào chăm sóc y tế cho người già, còn Trung Quốc thì không.

Thứ ba, khác với các quốc gia phương Tây, Trung Quốc không tiếp nhận nhiều người nhập cư. Khả năng thu hút người nhập cư là một điểm mạnh truyền thống của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc không có truyền thống thu hút người nước ngoài đến định cư. Cả năm 2016, chỉ có hơn 1.500 người nước ngoài được cấp phép định cư tại Trung Quốc.

Cuối cùng, sự cân bằng kinh tế - chính trị tại Trung Quốc không ổn định và bền vững như các nước giàu. Lợi ích từ nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế vũ bão của Trung Quốc không được chia sẻ đồng đều giữa các vùng duyên hải và những tỉnh thành sâu trong nội địa.

Ngoài ra, chính sách một con gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc. Vào năm 2014, số nam giới tại nước này đã nhiều hơn nữ giới tới 41 triệu người. Và khoảng cách này đang ngày càng gia tăng. Suy giảm kinh tế có thể khiến tình trạng mất cân bằng kinh tế - chính trị trở nên trầm trọng hơn.

Không còn là quốc gia đông dân nhất, Trung Quốc đối mặt hậu quả lớn

Sau nhiều năm kiểm soát gia tăng dân số, Trung Quốc đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng dân số tăng trưởng âm và ngày càng lão hóa.




Minh Tú

Bạn có thể quan tâm