Sáng 4/1, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, công an Hà Nội) triển khai cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) cho khoảng 200 người đến nộp hồ sơ, tăng gấp đôi so với ngày thường cấp CMND trước đây. |
Lúc cao điểm (từ 9h-10h), có gần 100 người đến trụ sở Phòng PC64 (44 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa) làm thủ tục cấp thẻ CCCD. |
Ngoài 10 cán bộ tiếp nhận hồ sơ, Đội căn cước công dân bố trí bàn tiếp dân nhằm giải đáp các thắc mắc. Nhiều cán bộ Phòng PC46 cũng ứng trực tại khu vực này để hỗ trợ các đồng nghiệp. |
Ngoài những trường hợp cấp mới, nhiều người dân có CMND cũ mờ hoặc sắp hết hạn sử dụng cũng đến nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD. |
Để tạo thuận lợi cho người dân, công an Hà Nội niêm yết “Thông báo cấp căn cước công dân” và “Hướng dẫn tờ khai căn cước công dân”. Người đến làm thủ tục chỉ phải mang theo sổ hộ khẩu bản gốc, lấy tờ khai và viết theo hướng dẫn. |
Đại diện phòng PC64 cho biết, người dân làm thủ tục cấp thẻ CCCD không bị thu lại các giấy tờ tùy thân cũ. “CMND 9 số bị cắt góc, còn loại 12 số sẽ giữ nguyên và giao cho người dân quản lý, sử dụng trong trường hợp cần thiết. |
Anh Nguyễn Cảnh Nam (trú tại quận Hai Bà Trưng) đến địa điểm 44 Phạm Ngọc Thạch từ sớm để làm thủ tục cấp thẻ CCCD. Anh cho biết, chỉ mất 20 phút để hoàn thành hồ sơ và hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ. |
Có 2 máy ảnh đặt ở điểm cấp thẻ CCCD 44 Phạm Ngọc Thạch. Thủ tục này được thực hiện ngay sau khi lấy dấu vân tay. |
Theo trung tá Hương, sau khi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thông tin, Phòng PC64 sẽ truyền dữ liệu đến Cục Cảnh sát quản lý đăng ký cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư. “Những thẻ CCCD đầu tiên sẽ được trả cho người dân vào thứ 3 tuần sau”, Phó đội trưởng Đội Căn cước công dân khẳng định. |
Sáng 4/1, vào giờ cao điểm, người dân phải chờ 30-40 phút mới đến lượt lấy vân tay. Thông tin cá nhân được lưu trữ trên phần mềm, giúp các cơ quan chức năng xây dựng một kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |
Ông Nguyễn Trọng Đào (73 tuổi, trú tại quận Đống Đa) đang dùng CMND 9 số nhưng sắp hết hạn sử dụng. Khi khai tờ khai cấp thẻ CCCD, ông bị vài trục trặc khi cơ quan công an yêu cầu ghi ngày, tháng, năm sinh và CMND của bố mẹ. "Bố mẹ tôi mất đã lâu, giấy tờ tùy thân của các cụ không ai giữ được. Sau khi hỏi các cán bộ, tôi được hướng dẫn để có thể bỏ qua phần khai này", ông nói. |
Ông Đào cũng kiến nghị Công an Hà Nội nghiên cứu, ưu tiên một bàn riêng cho người già, người có bệnh để tránh việc họ phải chờ đợi lâu. "Tôi chờ hơn một giờ vẫn chưa xong thủ tục, xếp hàng lấy vân tay là thủ tục phải đợi lâu nhất”, ông Đào chia sẻ. |
Lưu Thị Hồng Nhung (học sinh lớp 10 trường PTTH Trần Nhân Tông, Hà Nội) đi làm giấy tờ tùy thân lần đầu. Nữ sinh chia sẻ, em háo hức khi nghe thông tin thẻ CCCD có thể thay thế nhiều loại giấy tờ, trong đó có hộ chiếu.Tuy nhiên, do không biết hôm nay là ngày đầu tiên nên em phải đợi chờ lâu vì quá đông. |
Sau khi nhập đầy đủ thông tin, công an sẽ in "Phiếu thu nhận thông tin CCCD" để người dân đọc lại. Nếu không sai sót, công dân sẽ ký tên và nộp lấy giấy hẹn trả thẻ CCCD sau 7 ngày. |
Theo thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng phòng PC64 Công an Hà Nội, CMND và thẻ CCCD bản chất giống nhau, là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân. Hình dáng, màu sắc, nội dung in trên thẻ CCCD cơ bản giống CMND loại 12 số. Nội dung thẻ CCCD có 19 mục, trong khi CMND có 20 mục, bỏ phần "Họ và tên gọi khác".
Thẻ CCCD không có phần khai “dân tộc”, nhưng có thêm mục “quốc tịch”. Dấu in trên CMND là con dấu của Bộ Công an, nhưng trên Thẻ CCCD là hình Quốc huy.
Một điểm khác nhau nữa là hạn sử dụng (hạn của CMND là 15 năm): Với thẻ CCCD, sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.
Theo trung tá Nguyễn Văn Hương - Phó Đội trưởng Đội căn cước công dân, toàn thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã quán triệt tinh thần "làm hết việc chứ không làm hết giờ", để phục vụ tốt nhất người dân. Trung tá Hương dự báo, người dân đến làm thẻ CCCD sẽ vẫn đông trong ngày mai.