Phạm Thu Hà (sinh năm 1996) là một trong những cây bút triển vọng hiện nay. Dù sáng tác chưa nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của chị đều được giới phê bình đánh giá cao, đoạt một số giải thưởng uy tín như "Văn học tuổi 20", cuộc thi truyện ngắn "Lửa mới"... Chị chia sẻ về hành trình văn chương cũng như các dự định của mình.
Tác giả Phạm Thu Hà. Ảnh: NVCC. |
Văn chương là con đường đầy chông gai
- Được đào tạo bài bản về văn chương và đoạt một số giải thưởng quan trọng, con đường văn chương của Hà có vẻ suôn sẻ?
- Tôi thích văn chương từ lúc nào không biết, chỉ biết là từ bé đã đọc văn học. Tốt nghiệp trung học khi 18 tuổi, cũng vì còn non nớt và mông lung, tôi thi đại học vào một ngành không phù hợp để rồi không được bao lâu thì bỏ ngang.
Đó là quãng thời gian tôi cảm thấy vô cùng mất phương hướng. Lúc ấy không làm gì, nhiều thời gian rảnh nên tôi bắt đầu viết. Viết lách là việc duy nhất tôi có thể làm. Tôi đã bấu víu vào văn chương để định nghĩa lại và tìm kiếm bản thân.
Khi đã phần nào xác định được con đường mình muốn theo đuổi, tôi quyết định thi vào khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình. Thầy cô trong khoa đã định hình tôi, tiếp động lực cho tôi sáng tạo.
- Nhiều người cho rằng văn chương là thứ không thể dạy được. Hà nghĩ sao về đào tạo viết văn?
- Không chỉ nghề viết, mà với tất cả mọi nghề, nếu người học không nghiêm túc học thì không ai có thể dạy được. Đào tạo viết văn chịu nhiều điều tiếng hơn cả, có lẽ vì tính đặc thù, tính cá nhân và tính độc đáo quá lớn. Không có công thức để làm nên một nhà văn.
Cô chủ nhiệm lớp đại học tôi có nói để làm nên điều gì đó cần 99% nỗ lực, 1% tài năng. Để thành nhà văn, cần cả bản năng viết của người học lẫn quyết tâm rèn luyện và sự điều hướng đúng đắn.
- Ở trên, chị nói được thầy cô tiếp động lực mạnh mẽ, chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
- Tất cả tác phẩm của tôi đều được các thầy cô trong Khoa góp ý, đặc biệt là PGS.TS Văn Giá. Mặc dù chất lượng tác phẩm chưa tốt, thầy vẫn luôn cổ vũ tôi với một lòng nhiệt thành không kể xiết. Một tập bản thảo A4 dày 200 trang mà thầy khoanh lỗi, góp ý cho tôi từ trang đầu đến cuối.
Với sự tận tâm của thầy cô và khao khát khẳng định mình, tôi viết cuốn tiểu thuyết thứ hai khá suôn sẻ. Đó chính là tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi “Văn học tuổi 20”.
- Chị viết chưa nhiều, nhưng viết tác phẩm nào cũng “ăn” tác phẩm ấy, đều đăng ở những diễn đàn văn chương và đoạt giải thưởng uy tín. Chị có bí quyết gì không?
- Tôi nghĩ mình may mắn. May mắn xuất hiện đúng thời điểm, và gặp đúng người dẫn dắt.
Giải thưởng nào cũng vậy, dẫu là sự ghi nhận nhất định, nhưng nó rất đỗi phù phiếm. Như đã nói, quả thực tôi không có bí quyết “giành giải”. Thực ra, tôi thất bại rất nhiều. Có lẽ là nhiều hơn những người khác.
- Chị có thể chia sẻ về tác phẩm đang sáng tác?
- Hiện tại tôi không sáng tác gì, chỉ tập trung vào dịch thuật.
Khi tôi đi học, thầy cô luôn cảnh báo văn chương là con đường chông gai mà không phải ai cũng theo tới tận cùng của nó. Giờ tôi mới thấm câu nói ấy.
Tôi ngừng viết vì thấy nội lực của mình đang bị bào mòn dần. Tôi vẫn tha thiết với văn chương. Nhưng tôi cảm thấy phù hợp vị trí đứng ở hậu trường như biên tập, kết nối tác giả trẻ, dịch sách… Việc này cho tôi nguồn thu ổn định, cho tôi khoái cảm sáng tạo, mà không phải vắt kiệt bản thân để viết.
Nhưng cũng rất khó nói trước. Chuyện một người viết ngừng viết là rất bình thường. Có thể ngày nào đó cảm hứng và thôi thúc quay trở lại, tôi sẽ tiếp tục cầm bút.
Sách Giữa hai chúng ta do Phạm Thu Hà dịch. Ảnh: NVCC. |
Muốn giới thiệu văn học Việt ra thế giới
- Chị dừng viết lách phải chăng là để tập trung dịch thuật?
- Hai năm vừa qua tôi dịch một khối lượng tác phẩm tương đối lớn. Tôi coi đó là bước đệm cho những dự án trong tương lai mà mình ấp ủ.
- Chị có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Tôi hy vọng có thể góp phần đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài qua con đường dịch thuật. Tất nhiên đây là con đường nhiều khó khăn và tôi cũng chưa đủ tài, lực để khẳng định điều gì.
Tới nay, tôi đã dịch một số tác phẩm sang tiếng Anh, ví dụ như các truyện ngắn trong tập Hoàng tử rơm của NXB Kim Đồng. Tất nhiên, tôi vẫn cần người bản ngữ hiệu đính bản dịch của mình.
- Nhiều người không ở lại với văn chương vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Phải chăng vì thế mà chị chuyển sang dịch thuật?
- Theo tôi, rất hiếm người có thể sống được bằng nghề viết văn. Hơn nữa, những tác giả thành công về mặt thương mại lại thường khiến mọi người tranh cãi vì nhiều lý do.
Nếu dịch đều thì tôi sẽ nhận được một khoản nhuận bút tương đối so với sáng tác. Nhưng tôi đến với cả dịch thuật lẫn sáng tác đều không phải là vì kiếm sống. Nếu muốn kiếm sống, tôi chọn làm những công việc khác.
Dịch với tôi là bước đệm cho tương lai mà mình ấp ủ. Không chỉ mình tôi, nhiều người muốn mang văn học Việt ra thị trường lớn hơn, nhưng đó là điều vô cùng khó. Khó tới mức, cho đến giờ vẫn chưa có tác phẩm Việt nào vượt lên khỏi Nỗi buồn chiến tranh ở thị trường quốc tế dù tác phẩm của Bảo Ninh đã ra mắt được vài thập kỷ.
Sách Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà. Ảnh: NXB Trẻ. |
Người viết trẻ giỏi nhưng rất khó để phát triển
- Theo chị nền văn học của ta có thể trông đợi gì ở những cây bút trẻ?
- Câu này rất khó để trả lời. Lúc nào cũng có người viết, nhưng ngày nay định nghĩa thành công trong văn học đang thay đổi. Ví dụ, nếu trước kia, tác giả thành công là (tất cả những điều này cũng chỉ mang tính tương đối) người có bằng sáng tác từ trường Viết văn Nguyễn Du, in một số tác phẩm với các đơn vị uy tín, được một số giải thưởng của báo Văn nghệ, NXB Trẻ, tạp chí Văn nghệ Quân đội... Thì nay mọi thứ đã khác.
Cái khó không chỉ nằm ở tài năng người viết, mà còn ở việc xã hội có muốn đầu tư vào văn trẻ không. Tôi thấy đội ngũ người viết trẻ giỏi, có nhiều cây bút viết blog độc lập, giỏi ngoại ngữ, có kiến văn sâu sắc. Nhưng công việc sáng tác văn chương của họ chưa được coi trọng. Như vậy, rất khó để họ phát triển.
- Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, giới phê bình nói văn chương Việt đang có một khoảng trống. Là người cầm bút, chị nghĩ gì về điều này?
- Rõ ràng, Nguyễn Huy Thiệp là tượng đài văn chương khó ai vượt qua, nhưng nếu nói sau ông văn học Việt đối mặt với một thời kỳ trống rỗng thì tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ có rất nhiều tác giả Việt sau Nguyễn Huy Thiệp đáng đọc. Quan trọng là độc giả không từ bỏ tìm kiếm văn chương.
- Theo chị, chúng ta có thể tin vào tương lai của văn chương Việt?
- Theo tôi đọc là hình thức giải trí cổ xưa nhất, bền vững nhất. Ngay cả khi phải cạnh tranh với những loại hình giải trí hấp dẫn, đọc vẫn có sức cuốn hút ghê gớm. Vì vậy mà văn chương Việt vẫn có tương lai.
Văn học của tương lai, bên cạnh sách giấy sẽ là điện ảnh, văn học mạng, là các hình thức đọc tương tác (interactive novel), thậm chí là trong cả các loại game nhập vai… Tương lai nhất định chờ đón chúng tôi.