Trong khi nguyên nhân còn là bí ẩn, các nhà sản xuất hàu đã bắt đầu tìm cách giảm thiểu thiệt hại, theo hãng tin Nhật Jiji Press.
Phải mất 3-4 năm trong điều kiện nuôi cấy để có được một viên ngọc trai. Hàu tạo ra ngọc trai bằng cách tiết ra chất xà cừ bao bọc một hạt nhỏ được nhét vào giữa hai vỏ của chúng.
Tỉnh Ehime là nơi sản xuất ngọc trai Akoya lớn nhất Nhật Bản và các nhà sản xuất đã nhận thấy hiện tượng hàu chết vào cuối tháng 7. Vào cuối tháng 9, số hàu con đang được nuôi ở đây là khoảng 11 triệu con, dưới mức trung bình gần 70%.
Một số con hàu bị chết đặt cạnh một số con còn sống. Ảnh: Kyodo. |
Theo ông Takeshi Miura, giáo sư tại Khoa Nông nghiệp Đại học Ehime, đây là lần đầu tiên có hiện tượng như vậy ở Nhật Bản kể từ năm 1996.
Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được xác định, ông Miura cho biết có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng này, bao gồm môi trường thiếu thức ăn và số cá thể quá đông.
Thiệt hại đối với tỉnh Ehime lên tới 300 triệu yen vào cuối tháng 9, dự kiến làm giảm sản lượng ngọc trai nuôi cấy, vốn là nguồn thu nhập khổng lồ cho địa phương.
Sản lượng ngọc trai tỉnh Ehime giảm xuống còn khoảng 5,2 tỷ yên trong năm tài khóa 2019, từ mức 6,1 tỷ yên trong năm tài khóa 2018, chủ yếu do suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, nơi vốn mua nhiều ngọc trai Nhật. Trong năm tài khóa 2020, sản lượng dự kiến giảm còn khoảng 4 tỷ yen.
Trong năm tài khóa 2021, khi những con hàu non chết trong năm nay lẽ ra được thu hoạch, sản lượng dự kiến còn giảm hơn nữa.
Với tổn thất lớn như vậy, những người nuôi ngọc trai ở tỉnh Ehime có khả năng buộc phải giảm quy mô sản xuất.
“Nhiều nông dân là người già, họ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục sản xuất sau một năm gián đoạn”, ông Hiroyasu Takebe, người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản, nói với hãng tin Jiji Press.