Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

20 ngày Đà Nẵng căng mình chống dịch

Sau 20 ngày thần tốc truy vết, TP Đà Nẵng đã cách ly hàng nghìn người để phòng, chống dịch. Ngành y tế địa phương cũng đã chữa khỏi cho ca mắc Covid-19 đầu tiên của đợt dịch.

Nguoi Da Nang ung pho dich Covid-19 anh 1

Hôm 21/5, anh N. (28 tuổi, trú TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao tận tay giấy ra viện. Hơn 18 ngày trong phòng điều trị, hơn ai hết anh hiểu được cảm xúc của người mang trong mình virus SARS-CoV-2.

Trước lúc lên xe về nơi cách ly, anh N. chào mọi người và nói lời tri ân đối với đội ngũ y tá, bác sĩ bệnh viện. Thanh niên 28 tuổi cũng mong muốn nhận được sự cảm thông, sẻ chia từ cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng trải lòng: "Đà Nẵng đã có gần 20 ngày sống chung với đại dịch. Thành công của Đà Nẵng thể hiện rõ nhất qua năng lực của ngành y tế và sẽ có rất nhiều ca bệnh được xuất viện trong nay mai. Mọi người hãy bình tĩnh, cùng nhau vượt qua thời khắc gian khó này".

Cuộc chơi đang vui bỗng bị dừng

Ngày 29/4, chị Nguyễn Thị Thu Trà cùng chồng và 2 con đáp chuyến bay vào Đà Nẵng du lịch. Đến thành phố biển, các thành viên trong gia đình chị thả mình trong làn nước biển trong xanh mỗi buổi chiều. Ăn sáng xong, gia đình chị ngược lên phía bắc, ngắm cảnh núi non hùng vĩ Bà Nà ở độ cao hơn 1.487 m so với mực nước biển.

Ngày 2/5, Đà Nẵng bắt đầu xôn xao có một người bị nhiễm nCoV. Chị Trà cũng như hàng trăm du khách đều hy vọng thông tin trên không phải sự thật.

Thế nhưng, 18h ngày 3/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chính thức phát hành Bản tin số 1, thông báo anh N.T.N. (BN 2982, trú phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) dương tính với SARS-CoV-2 sau 3 lần xét nghiệm.

Đêm hôm đó, gia đình chị Trà và hàng trăm đoàn khách sắp xếp hành lý, tư trang để rời thành phố biển. "Tôi dự định ở Đà Nẵng 7 ngày để các cháu được vui chơi thỏa thích nhưng dịch bất ngờ tái bùng phát khiến kế hoạch của chuyến nghỉ lễ phải tạm dừng. Tạm biệt Đà Nẵng và hẹn ngày gặp lại", chị Trà nói và tạm biệt nhân viên khách sạn.

Nguoi Da Nang ung pho dich Covid-19 anh 2

Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều du khách trả phòng khách sạn, rời khỏi Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tương tự, sáng 1/5, chị Nguyễn Ánh Lan cùng 10 người trong gia đình lên máy bay rời Đà Nẵng về Hà Nội. Hôm 29/4, du khách quê Hà Nội cùng người thân đến Đà Nẵng để tham quan. "Tôi đặt phòng khách sạn từ đầu tháng 4", chị Lan nói.

Tuy nhiên, sau một ngày ở Đà Nẵng, các thành viên trong gia đình này chỉ loanh quanh trong khách sạn ven biển Đà Nẵng. Theo lời nữ du khách, khi mọi người vừa đến Đà Nẵng, Bộ Y tế thông tin có ca bệnh ở Hà Nam sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày đã dương tính với nCoV.

"Tối đó, Đà Nẵng ban bố lệnh dừng các hoạt động lễ hội có đông người tham gia. Vì vậy, chúng tôi chỉ ở khách sạn, không đi Bà Nà, Hội An như dự kiến", chị Lan cho biết đó là lý do mọi người rời Đà Nẵng sớm.

Thần tốc khoanh vùng, truy vết

Từ chiều 3/5, các sở, ban ngành ở Đà Nẵng được báo động sẵn sàng bước vào cuộc chiến chống dịch. Ngay trong đêm, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng triệu tập cuộc họp khẩn kéo dài đến gần 2h sáng hôm sau. Trong cuộc họp này, những thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) liên tục cập nhật.

Lúc này, CDC Đà Nẵng đã ghi nhận có hơn 10 người dương tính nCoV sau 2 lần xét nghiệm. Lãnh đạo Đà Nẵng nhận định dịch Covid-19 chính thức bùng phát trở lại.

Ngay lập tức, người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tập trung khoanh vùng, truy vết và điều tra dịch tễ đối với những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đúng như lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận định, từ ngày 3 đến khuya 9/5, Đà Nẵng có 49 ca mắc Covid-19. Người đứng đầu Sở Y tế cho biết từ khi Đà Nẵng ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong năm nay, hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành y tế từ thành phố đến cơ sở nhiều hôm phải làm việc xuyên đêm.

Các lực lượng khác như công an, quân đội, sinh viên học ở các trường y tế... được huy động thực hiện nhiệm vụ khoanh vùng, truy vết, cách ly người bệnh. Hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên đã được huy động vào cuộc để kiểm soát, khống chế dịch Covid-19.

Nguoi Da Nang ung pho dich Covid-19 anh 3

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng liên tục ký ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, sở, ngành dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để tập trung công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, Sở Y tế được giao nhiệm vụ lên kịch bản ứng phó ở mức độ cao, phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

20 ngày qua, chính quyền thành phố cũng lập tức yêu cầu phong tỏa 29 khu vực, 51 khu vực lập chốt hạn chế ra vào, 100 điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm nCoV.

Những điểm nóng có ca mắc Covid-19 như khách sạn Phú An (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu), bar New Phương Đông (đường Đống Đa), Công ty Trường Minh ở khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà)... được phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Cùng với đó, lực lượng y tế đã khẩn trương truy vết, cách ly 5.619 trường hợp F1 và F2. Từ ngày 3/5 đến ngày 21/5, CDC Đà Nẵng và các đơn vị y tế khác đã lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm cho 271.962 trường hợp.

Tại cuộc họp diễn ra chiều 20/5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định địa phương đã và đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch. "Số ca nghi nhiễm nCoV được phát hiện sớm thì chúng ta sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định.

Bà Ngô Thị Kim Yến cũng nói thêm từ hôm 19/5 đến nay, mỗi ngày địa phương chỉ có từ 1 đến 2 ca dương tính nCoV. Đây là những trường hợp F1, đã được cách ly tập trung. "Nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng có thể vẫn còn nhưng Đà Nẵng đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh", bà Yến nói.

Bình tĩnh vượt qua đại dịch

Theo ghi nhận của Zing, từ những ngày đầu tháng 5, khi ngành y tế lần lượt thông báo các ca nhiễm mới, người Đà Nẵng có lo lắng nhưng không hoang mang như đợt dịch bùng phát năm trước. Họ bình tĩnh đón nhận thông tin, chủ động khai báo y tế và tự nguyện đến các cơ sở xét nghiệm.

Ngày 6/5, khi tuyến đường Đống Đa bị nhà chức trách phong tỏa, anh Nguyễn Thanh Phong (32 tuổi, trú đường Đống Đa) và hàng trăm người dân ở khu phố đều đóng cửa nhà, không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết. Theo lời anh, mọi người trong gia đình đã chuẩn bị tâm lý sẽ có ngày tuyến đường Đống Đa bị phong tỏa để phòng, chống dịch.

"Đọc báo, tôi biết được thanh niên này từng đến bar New Phương Đông nên dự báo có ngày này. Chúng tôi cũng đã có hơn một năm ứng phó dịch Covid-19 nên cũng không còn sợ nữa. Mọi người chủ động trong việc rửa tay sát khuẩn, thường xuyên mang khẩu trang để phòng dịch", anh Phong nói.

Nguoi Da Nang ung pho dich Covid-19 anh 4

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hàng trăm phương tiện vận tải hành khách ở Đà Nẵng phải nằm ở bãi xe. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại quận Sơn Trà, khi chính quyền thành phố ban bố lệnh tạm dừng bán hàng không thiết yếu, chỉ được bán hàng mang về thì hàng trăm chủ nhà hàng, quán xá dọn dẹp để đóng cửa, dừng kinh doanh.

Chị Trần Thị Tuyến (ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết từ ngày 3/5, khách sạn của chị luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Theo lời chủ khách sạn này, trong 2 năm đối mặt với dịch Covid-19, doanh thu bị sụt giảm.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú khác, chị Tuyến phải chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của thành phố.

"Dịch bùng phát là điều mà chúng ta không mong muốn. Mỗi người đều có ý thức phòng dịch, tuân thủ nghiêm các quy định thì lực lượng chức năng sẽ sớm khoanh vùng, khống chế được dịch. Hy vọng, thành phố sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để người dân được sống trong cảnh an bình", chị Tuyến nói.

Hơn 10 ngày qua, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng, phải yêu cầu nhân viên đưa hàng trăm xe taxi đi gửi ở những lô đất trống. Hàng nghìn ôtô phải nằm ở bãi chờ khi dịch được khống chế mới hoạt động trở lại.

Ông Quang cho biết dịch tái bùng phát, hãng taxi của đơn vị tạm dừng hoạt động, hàng trăm nhân viên nghỉ làm. Đối với doanh nghiệp, thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền nhưng mọi người trong công ty chia sẻ với hy vọng đại dịch sớm qua.

Những tín hiệu đáng mừng

Sáng 21/5, sau gần 20 ngày căng mình chống dịch, lãnh đạo TP Đà Nẵng đón nhận tin vui khi Bệnh viện Phổi thông báo BN 2982 đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Ông Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết sau 18 ngày điều trị, nam thanh niên được xét nghiệm 3 lần và đều âm tính với SARS-CoV-2.

Nguoi Da Nang ung pho dich Covid-19 anh 5

Nam thanh niên quê Hội An đã xuất viện sau 18 ngày điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Phúc cho biết thêm bệnh viện đang điều trị cho 82 trường hợp lây nhiễm tại địa phương và 19 ca dương tính nCoV là người nhập cảnh. Hầu hết bệnh nhân đang có tình trạng sức khỏe khả quan, các triệu chứng lâm sàng có biểu hiện tích cực.

"Thời gian tới, có nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Nhiều người đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2", ông Phúc thông tin.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cũng cho biết đơn vị đang điều trị cho 66 người mắc Covid-19, 3 trường hợp khỏi bệnh. Ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm lần cuối để làm thủ tục cho những người này xuất viện.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, cho biết thời gian qua mỗi ngày lực lượng y tế lấy được từ 25.000-30.000 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Trong đó, hầu hết mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính. Từ ngày 19/5 đến nay, mỗi ngày chỉ có 1-2 ca dương tính nCoV.

Theo bản tin 6h ngày 24/5 của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là Bắc Giang (33), Hà Nội (8), Bắc Ninh (7), Lạng Sơn (5), Điện Biên (2), Hải Dương (1). Tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã công bố 151 ca mắc Covid-19.

Thủ tướng: Việt Nam đã đăng ký hơn 100 triệu liều vaccine ngừa nCoV

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Bộ Y tế đã đăng ký một loạt hợp đồng cho trên 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Thủ tướng: 7 nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư

Nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; quản lý nhập cảnh trái phép sơ hở; địa phương chậm trễ, bị động… là một số nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát.

Ba người ở TP.HCM mắc Covid-19 không liên quan Đà Nẵng

Sau khi xác minh thông tin từ CDC TP.HCM, ngành y tế Đà Nẵng khẳng định 3 bệnh nhân 4780, 4781 và 4782 không phải lây nhiễm từ người con từng đến Đà Nẵng du lịch.

Dịch Covid-19

Đoàn Nguyên - Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm