20 nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới
Châu Âu có tới 10 đại diện lọt top 20, trong đó có cả những nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế thế giới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đối với các quốc gia phát triển giảm từ 2% xuống còn 1,5%; trong khi các thị trường mới nổi sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 5,6% thay vì 6%.
Dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm khả năng đối mặt với khủng hoảng tài chính, sự phụ phuộc vào xuất khẩu và ngành du lịch, vấn nạn tham nhũng và tỷ lệ nợ dài hạn, IMF đã tiến hành nghiên cứu trên 185 quốc gia, và đưa ra danh sách dự báo 20 nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới trong giai đoạn 2013 - 2017.
20. Cộng hòa Dominica Tăng trưởng GDP 2012: 0,45% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,7% Nền kinh tế Dominica dựa chủ yếu vào ngành sản xuất chuối và chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu và thiên tai. Năm 2009, trận cuồng phong Dean gây thiệt hại khoảng 20% GDP của quốc đảo này. Hiện nay, chính phủ Dominica đang nỗ lực thực hiện chính sách cải cách toàn diện được đưa ra từ năm 2003 nhằm giúp đa dạng hóa và tăng tự do hóa cho nền kinh tế vốn quá phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch. |
19. Slovenia Tăng trưởng GDP 2012: -2,2% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,66% Chi phí quản lý hành chính của Slovenia hiện cao nhất trong khối các quốc gia châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây liên tục gia tăng ngay cả khi kinh tế đã có sự phục hồi nhẹ kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế 2009. |
18. Iran Tăng trưởng GDP 2012: -0,94% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,66% Nền kinh tế Iran phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu, và hầu hết hoạt động này đều nằm trong tay chính phủ. Việc theo đuổi chương trình hạt nhân đã khiến quốc gia này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ chính sách cấm vận của nhiều nước phương Tây. Tỷ lệ thất nghiệp tại Iran vẫn duy trì ở mức 2 con số, trong khi phần lớn lao động trình độ cao đều tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. |
17. Hungary Tăng trưởng GDP 2012: -1,02% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,55% Quốc gia này từng phải vay nợ từ IMF, Ngân hàng thế giới và Liên minh châu Âu (EU) để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn vào năm 2008. Các chương trình thắt lưng buộc bụng quá khắc khổ của chính phủ Hungary đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế quốc gia này, kéo theo sự xuất hiện của cuộc "khủng hoảng thuế" trong các công ty thuộc ngành tài chính, năng lượng, viễn thông và bán lẻ. |
16. Hà Lan Tăng trưởng GDP 2012: -0,46% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,51% Hệ thống ngân hàng của quốc gia này đã chịu nhiều thiệt hại khi các khoản thế chấp đầu tư chứng khoán đổ vỡ mà không thể thu lại được tiền. Tập trung vào việc giảm thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn khiến kỳ vọng tăng trưởng của Hà Lan sụt giảm. |
15. Pháp Tăng trưởng GDP 2012: 0,12% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,34% Là một điểm du lịch rất nổi tiếng trên thế giới nhưng Pháp lại đang đối mặt với nhiều vấn đề tồi tệ trong nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách tăng cao, chính sách thuế bị phản đối và những rắc rối liên quan đến vị thế của quốc gia này trong EU dưới thời Tổng thống Francois Hollande và người tiền nhiệm khiến Pháp đứng trong top 15 nền kinh tế có tương lai u ám nhất thế giới. |
14. Jamaica Tăng trưởng GDP 2012: 0,89% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,28% Doanh thu từ dịch vụ, đặc biệt là du lịch chiếm tới 2/3 GDP của Jamaica. Tuy nhiên, nợ công của quốc gia này hiện đã vượt quá GDP, trong khi thất nghiệp cao, tội phạm và tham nhũng hoành hành trở thành rào cản lớn trên con đường phát triển của quốc gia châu Phi này. |
13. Đức Tăng trưởng GDP 2012: 0,94% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,27% Nền kinh tế lớn nhất EU phải đối mặt với khó khăn bởi chính các quốc gia nội khối mang lại. Sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là đối với các quốc gia thuộc EU, khiến kinh tế nước này lâm vào tình trạng khó khăn. Về lâu dài, chính phủ Đức buộc phải khuyến khích tăng tỷ lệ sinh nhằm mở rộng thị trường nội địa và hạn chế nhập cư như là một cách tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển ổn định của kinh tế. |
12. Tuvalu Tăng trưởng GDP 2012: 1,21% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,2% Lực lượng lao động của Tuvalu được xếp vào diện thấp nhất thế giới, trong khi nguồn năng lượng và thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nước ngoài. Sự suy giảm mạnh của ngành du lịch đã kéo triển vọng tăng trưởng của quốc gia này đi xuống nhanh. |
11. Hy Lạp Tăng trưởng GDP 2012: -6% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,19% Việc nhiều tổ chức xếp hạng đã xếp quốc gia này vào nhóm các nước vỡ nợ đủ cho thấy tình trạng khủng hoảng của kinh tế Hy Lạp. Chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắc khổ nhằm cố gắng được ở lại trong liên minh châu Âu đã gây ra nhiều cuộc xung đột ở quốc gia này, và phủ một tương lai u ám lên những nỗ lực của chính phủ Hy Lạp. |
10. Bồ Đào Nha Tăng trưởng GDP 2012: -3% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,16% GDP bình quân đầu người của Bồ Đào Nha hiện thấp hơn so với mức trung bình của EU. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng rời bỏ thị trường này để tìm đến các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn. Mặc dù chính phủ Bồ Đào Nha đã mạnh tay thực hiện nhiều biện pháp khắc khổ như giảm lương, tăng thuế nhằm kìm hãm sự gia tăng của nợ công nhưng điều đó cũng khiến tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha rơi vào mức báo động. |
9. Nhật Bản Tăng trưởng GDP 2012: 2,22% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,15% Nền kinh tế của Nhật Bản đã chịu sự suy giảm mạnh trong "thập kỷ mất mát" do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đi kèm thảm họa kép. Ngoài ra, căng thẳng với Trung Quốc cũng khiến nhu cầu hàng xuất khẩu của Nhật giảm mạnh trong khi nguy cơ giảm phát vẫn còn cao. |
8. Bỉ Tăng trưởng GDP 2012: 0,04% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,13% Là một quốc gia có ít tài nguyên thiên nhiên, kinh tế Bỉ dễ dàng chịu tổn thương khi gặp phải cú sốc tăng giá toàn cầu cũng như suy thoái tại EU. Nợ công, chi phí cho hệ thống phúc lợi cùng dân số già là những nguyên nhân khiến dự báo tăng trưởng giai đoạn 2013 -2017 của Bỉ đứng ở top 8 quốc gia thấp nhất thế giới. |
7. Eritrea Tăng trưởng GDP 2012: 7,54% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,13% Eritrea là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với chỉ vài doanh nghiệp tư nhân nắm hầu hết hoạt động kinh tế của đất nước. Với 80% sản lượng nông nghiệp chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước, mùa màng thất bát là lý do khiến Eritrea thường xuyên phải nhập khẩu thực phẩm để tránh đói. Khai thác khoáng sản là ngành công nghiệp tiềm năng duy nhất của quốc gia này. |
6. San Marino Tăng trưởng GDP 2012: -2,57% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 1,03% Kinh tế San Marino phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng, du lịch và dệt may - những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Thị trường Ý, nơi chiếm tới 90% lượng xuất khẩu hàng hóa của San Marino, đã sụt giảm mạnh nhu cầu trong những năm qua, khiến kinh tế quốc gia này thêm trì trệ. |
5. Tây Ban Nha Tăng trưởng GDP 2012: -1,54% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 0,94% 16 năm tăng trưởng liên tục đã bị chặn đứng bởi cuộc suy thoái kinh tế, từ đó, Tây Ban Nha ngập trong nợ công, thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này hiện đã vọt lên mức 20%. Cùng với nợ nần chồng chất, lãi suất tăng cao, các ngân hàng Tây Ban Nha hiện chỉ còn trông vào sự hỗ trợ tờ Ngân hàng Trung Ương châu Âu cũng như các quốc gia thành viên để vực dậy nền kinh tế. |
4. Cộng hòa Síp Tăng trưởng GDP 2012: -2,25% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 0,93% Dịch vụ chiếm 80% GDP của Cộng hòa Síp, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành du lịch. Với những khoản đầu tư không có tương lai vào trái phiếu chính phủ và ngân hàng Hy Lạp, Cộng hòa Síp buộc phải áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất, tác động xấu đến phát triển kinh tế trong tương lai. |
3. Italy Tăng trưởng GDP 2012: -2,3% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 0,76% Nợ công của Ý hiện đã ở mức đáng báo động, và các biện pháp khắc khổ nhằm hạn chế gia tăng nợ đã khiến tăng trưởng kinh tế của Italy khó lòng bứt phá được. Trong khi đó, kinh tế ngầm chiếm tới 17% GDP của Ý nhưng chính phủ chẳng thể thu nổi một đồng thuế nào. |
2. Cộng hòa Guinea Tăng trưởng GDP 2012: 5,6% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: 0,5% Năm 1993, IMF và Ngân hàng thế giới đã phải cắt viện trợ cho Cộng hòa Guinea do những bê bối tham nhũng liên quan đến việc sử dụng các khoản thu từ dầu khí của chính phủ quốc gia này. Hiện Guinea vẫn phụ thuộc chủ yếu vào dự trữ dầu mỏ và khí đốt, trong khi phần lớn lao động làm việc trong ngành nông nghiệp nhưng đóng góp cho GDP lại chẳng đáng là bao. |
1. Swaziland Tăng trưởng GDP 2012: -2,9% Tăng trưởng GDP giai đoạn 2013 - 2017: -0,01% Nền kinh tế của quốc gia lạc hậu này phụ thuộc chủ yếu vào đối tác Nam Phi với 90% kim ngạch xuất khẩu. Doanh thu hải quan giảm sút khiến tỷ lệ thất nghiệp của Swaziland khá cao, lên tới 40% và có tới 70% dân số nước này sống dưới mức 1 USD một ngày. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới mà nền kinh tế đã được lên kế hoạch từ trước thông qua các hợp đồng trong giai đoạn 2013 - 2017. |
Hạ Minh
Theo Business Insider/Infonet