Năm 1963, thông tin về “kho báu” núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hé mở khi ông Trần Văn Tiệp được Tỉnh trưởng Bình Tuy là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ “kho báu”, tiết lộ.
Hành trình tìm vàng
Năm 1993, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Tiệp và các cộng sự bắt đầu dồn tiền của thăm dò “kho báu”. Sau nhiều đợt, ông tìm được một số cổ vật và những dấu vết mơ hồ về kho báu như địa đồ vẽ bằng tay không rõ xuất xứ, thanh kiếm cũ, giấy bạc của Nhật.
Máy móc tham gia tìm kiếm “kho báu” ở núi Tàu. |
Đến tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép cho ông Tiệp thăm dò “kho báu”. Lần này, ông mời một nhà ngoại cảm xác định các điểm khoan thăm dò và TS Vũ Văn Bằng, công ty CP Nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội), dùng máy đo bức xạ điện từ trường khảo sát “kho báu”.
Tháng 6/2012, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò “kho báu” thêm 3 tháng. Sau đó, ông Tiệp tiếp tục xin gia hạn và được chấp thuận thăm dò đến cuối tháng 6/2013. Lúc này, đơn vị tìm kiếm cho biết có một số thông tin mới, như phát hiện nhiều khoang rỗng mà ông Tiệp cho rằng là đường dẫn vào hầm “kho báu”.
Cuối năm 2013, ông Tiệp lại tiếp tục xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận. Trong lần xin gia hạn được cho là cuối cùng này, đơn vị tìm kiếm đã thực hiện 372 mũi khoan, 7 đợt phá đá bằng mìn với 1.889 kg thuốc nổ, khối lượng đất đá được múc lên từ các hố nổ mìn là 610 m3. Đến ngày 29/12, khi đang khoan dở 21 mũi để nổ mìn thì hết hạn cho phép, nên việc tìm kiếm “kho báu” phải dừng lại.
Không có dấu hiệu của “kho báu”
Quá trình thăm dò, tìm kiếm mấy chục năm qua, không chỉ ông Tiệp bỏ ra hàng chục tỷ đồng, các cơ quan nhà nước có liên quan cũng tốn kém không ít về thời gian, chi phí bố trí cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, tổ trưởng tổ giám sát việc thăm dò, tìm kiếm “kho báu” núi Tàu, cho biết trong suốt 7 đợt nổ mìn trong năm 2014, tổ giám sát nhận thấy không có dấu hiệu có tài sản chôn giấu ở núi Tàu”. Do hết hạn, tổ giám sát yêu cầu đơn vị tìm kiếm chấm dứt mọi hoạt động, tháo dỡ toàn bộ lán trại, đưa phương tiện, máy móc ra khỏi núi Tàu trước ngày 31/1/2015; buộc hoàn thổ khu vực đã đào bới, trả lại môi trường tự nhiên cho núi Tàu.
Ông Hạnh thừa nhận: “Ngọn núi này vốn đã trọc từ lâu, quá trình tìm kiếm của ông Tiệp và cộng sự đều bảo đảm các quy định và an toàn lao động. Đất ở các hố đào xới lên sau khi tìm kiếm đã được lấp lại. Việc nổ mìn “tép” theo dạng tách đá nên không gây ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến vách núi”.
Ông Hạnh cho biết thêm việc có xin gia hạn tiếp hay không phụ thuộc vào gia đình ông Tiệp và quyết định của tỉnh.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã gia hạn nhiều lần, vì thấy sự quyết tâm cùng công sức và tiền của mà ông Tiệp đã bỏ ra để tìm kiếm, nhưng chưa thu được gì ở núi Tàu. Còn việc có gia hạn nữa hay không thì tỉnh đang giao cho cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất hướng xử lý.