Trong quần thể 20 cây xoài cổ thụ này, cây lớn nhất có đường kính 1,2 m, tán rộng hàng chục mét, đều bị rầy bao quanh, lá thâm đen. Sư cô Đồng Thiện, trụ trì chùa, cho biết: “Cách nay 3 tháng, xoài ra rất nhiều hoa, sau đó rụng dần. Một số quả bằng ngón tay cái cũng rơi hết. Khách tham quan đến tìm một quả xin lộc cũng không có".
Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Phú Yên, xoài đang bị rầy bông và muội than gây hại rất nặng, nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, cây sẽ chết.
Xoài Đá Trắng khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh, mùi thơm dịu. Trước đây, người dân hái quả để cung tiến vua, nên còn gọi là xoài Ngự hay xoài Tiến Cung. Hơn 200 năm tuổi, xoài vẫn ra hoa, đậu quả đều đặn hàng năm.
Tuy nhiên, rằm tháng tư vừa qua, chùa Đá Trắng thu hút hàng nghìn Phật tử, khách du lịch đến thăm viếng và mọi người đều tỏ ra lo ngại khi thấy các cây xoài có dấu hiệu héo úa, không cho quả.
Nhiều cây xoài cổ thụ tại chùa Đá Trắng có nguy cơ chết vì bị rầy bông. |
Ông Hồ văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết đã đề nghị Sở NN-PTNT và Hội bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Phú Yên có giải pháp bảo vệ, chữa bệnh cho xoài quý.
Trước đó, ngày 9/2, tỉnh Phú Yên tổ chức lễ đón bằng công nhận quần thể 20 cây xoài cổ thụ tại chùa Đá Trắng là Cây di sản Việt Nam. Vườn xoài này do Hòa thượng Pháp Chuyên (hiệu Luật Truyền, đời thứ 36 thuộc dòng phái Lâm Tế) trồng vào năm 1793.