Theo ông Võ Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá heo ở mức thấp trong suốt 8 tháng qua nên người nuôi rơi cảnh “càng nuôi - càng lỗ”. Hiện nay, khoảng 60-70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (trại dưới 500 heo thịt) ở tỉnh này đã phá sản, treo chuồng.
Giải cứu thất bại?
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc giải cứu heo thời gian qua mới chỉ giúp người tiêu dùng được hưởng giá thịt rẻ, người chăn nuôi vẫn rất khó khăn.
Ông Võ Kim Đoán chia sẻ sau 2 tháng rầm rộ giải cứu, giá heo tại địa phương cũng quanh mức 23.000-26.000 đồng/kg. Mức giá này không tăng so với đỉnh điểm khó khăn của nông dân, và giá này sẽ còn kéo dài đến hết năm.
Theo ông Đoán, thực tế lượng heo tồn trong dân hiện không nhiều, bởi họ không có vốn duy trì chăn nuôi tiếp theo sau giai đoạn lỗ vừa qua. Việc tồn này là ở các công ty chăn nuôi lớn mà hiệp hội cũng không thể nắm được số lượng, bởi các công ty luôn bí mật, không công bố.
Các hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai bỏ trống trang trại vì thua lỗ. Ảnh: Ngọc An. |
Ông cho rằng đây là vấn đề cần quan tâm, bởi doanh nghiệp không công bố số thực tế đang tồn, lượng thả nuôi mới ra sao thì khó có giải pháp cụ thể, trong khi người dân đã giảm đàn rất sâu. Hiện tại, các hộ nhỏ lẻ không dám tái đàn, bỏ chuồng trại, vì không gồng nổi khó khăn gần 8 tháng qua.
"Các công ty chăn nuôi lớn tồn nhiều nên liên tục đẩy ra thị trường, gây tồn đọng, kéo giá giảm liên tục. Chuyện người dân mang heo bán khắp nơi, tôi cho rằng cũng cần xem xét lại là heo của hộ dân nuôi hay heo gia công cho các doanh nghiệp lớn.
Bởi có nhiều trường hợp heo dân nuôi gia công cho doanh nghiệp, khi giá xuống, doanh nghiệp thu mua chậm hoặc dừng thu mua, dẫn đến heo tồn, quá lứa", ông Đoán nói.
Người chăn nuôi ở Đồng Nai nói rằng chương trình “giải cứu” không hề ăn thua, các động thái can thiệp chưa đồng bộ. Chương trình chỉ mới giúp người tiêu dùng được hưởng ưu đãi giá thịt rẻ. Còn người chăn nuôi vẫn rất khó khăn.
Mấu chốt vấn đề là phải nắm được số liệu heo tồn từ các công ty lớn, lượng tái đàn hiện nay ra sao, nhưng điều này chưa được thực hiện.
Nông dân nuôi nhỏ lẻ phá sản
Một nông dân ngụ huyện Thống Nhất cho biết gia đình ông nuôi 1.700 heo thịt và hơn 100 heo nái. Trong nhiều tháng giá không lên, trong khi chi phí thức ăn bỏ ra lớn nên ông buộc bán tháo để tránh lỗ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thể, ngụ ấp Võ Dõng (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) vẫn duy trì đàn 350 con heo thịt và 40 heo nái. Mỗi ngày, ông chi gần 16 triệu đồng để mua thức ăn chăn nuôi.
“Trước tôi nuôi nhiều, nhưng lỗ quá nên phải bán bớt. Đến nay gia đình vẫn còn nợ các đại lý cám số tiền hơn 1 tỷ đồng. Họ thấy tôi khó có khả năng trả nên buộc trả tiền mặt mỗi khi lấy thức ăn mới”, ông Thể nói.
Nông dân Thể nói thêm ông phải vay mượn những người trong gia đình để lấy kinh phí chăn nuôi. Thời gian tới, nếu giá không lên và hết chỗ vay vốn thì trang trại sẽ phá sản.
Chương trình giải cứu heo rầm rộ suốt thời gian qua được cho là mới chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận thịt giá rẻ, chưa hỗ trợ được người nuôi. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Nông dân bỏ chuồng, các trại sản xuất heo con giống cũng lỗ nặng. Hiện heo cai sữa chỉ còn 200.000-300.000 đồng/con, người nuôi lỗ khoảng 500.000 đồng/con nhưng bán không ai mua. Các trại này tiếc của nuôi thịt, mức lỗ lại nhân lên. Trung bình nuôi một con heo thịt đang lỗ khoảng một triệu đồng.
Phá sản tiếp theo là các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn vì không gồng nổi thua lỗ, nợ của hộ nuôi. Theo ông Đoán, thực tế chu trình nuôi heo không dễ như nuôi gà vít, có thể một vài tháng là "xóa" được.
"Chu trình nuôi heo muốn kết thúc cũng phải mất từ 10 tháng trở lên chứ không thể cắt như vòng nuôi con gà con vịt, như vậy thật khó. Hộ nuôi lỡ phối giống rồi thì phải chờ 4 tháng cho heo đẻ, sau đó nuôi 1 tháng để cai sữa rồi mới bán heo mẹ, heo con.
Bán luôn được heo con thì cắt lỗ ngay, nhưng không bán được thì lại phải nuôi heo thịt với thời gian đợi 3-4 tháng tiếp theo. Như vậy, lỗ chồng lỗ, giải cứu không đơn giản", ông Đoán nói thêm.
Doanh nghiệp chăn nuôi FDI tránh được thua lỗ
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết hiện nay, chỉ doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tránh được thua lỗ.
“Họ tổ chức được chuỗi sản xuất khép kín, nên dù giá xuống như thế nào họ cũng không lỗ”, ông Báu nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng nói rằng doanh nghiệp FDI tổ chức sản xuất theo chuỗi nên không bị ảnh hưởng bởi đợt giảm giá này.
Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng vừa qua, Chính phủ chỉ đạo giảm đàn từ 4,2 triệu con heo xuống 3 triệu con. Tuy nhiên, chỉ nông dân thực hiện còn doanh nghiệp FDI vẫn không giảm.
Theo Sở NN-PTNT, trước khi “giải cứu”, đàn heo của tỉnh trên 2 triệu con và hiện còn khoảng 1,6 triệu con.
Liên quan vấn đề “giải cứu” nông sản, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường nói rằng ngành nông nghiệp của tỉnh này cần quan tâm đến quy hoạch, xây dựng nền nông nghiệp sạch và sản xuất theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết hiện nay, đa phần người chăn nuôi heo dù nhỏ lẻ hay nuôi quy mô trang trại thì vẫn tự sản xuất từ con giống cho tới khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Cách làm này đang dần bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.
Tính đến giữa tháng 5, Cục Chăn nuôi cho biết các địa phương thông tin còn một lượng lớn heo trọng lượng từ 100-150kg/con tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi, tương đương 200.000 tấn thịt hơi.
Theo Tổng Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm, đàn heo cả nước có 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016. Đến cuối tháng 6, đàn heo giảm khoảng 1,6 triệu con so với đầu tháng 4, do người nuôi không tái đàn.