Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, phương án 1 nhằm tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh cấu kiện, sơn chống gỉ sét, sơn phủ bề mặt…) và tu bổ, phục dựng một tháp canh. Kinh phí dự kiến hơn 12,7 tỷ đồng.
Ưu điểm của phương án là tu bổ kịp thời, song lại chưa phù hợp với một số quy định hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công (do công trình chưa được bàn giao về thành phố).
Hơn nữa, việc thi công làm tăng kinh phí, không có đường dẫn, không có công trình phụ trợ… sẽ không bảo vệ được công trình và không phát huy được giá trị công trình.
Cầu đường sắt Bình Lợi tồn tại 120 năm nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Ảnh: Lê Quân. |
Phương án thứ hai được đưa ra là bảo tồn tổng thể sau khi được bàn giao và xác định ranh đất. Phương án này phù hợp với quy định hiện hành, khắc phục được nhiều hạn chế của phương án 1, đặc biệt là phát huy được giá trị công trình sau khi tu bổ, phục hồi. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian, kinh phí.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, cầu đường sắt Bình Lợi dài 276 m với 6 nhịp, là công trình đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên tồn tại đã 120 năm. Công trình này có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển lịch sử Sài Gòn - TP.HCM của ngành đường sắt Việt Nam.
Hiện nay, công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ được các đơn vị liên quan thống nhất đề xuất đưa vào Danh mục kiểm kê di tích ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Do đó, công trình cần được ứng xử như đã xếp hạng di tích.
Vì thế, Sở Văn hóa thành phố sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích công trình này ngay khi có đơn đề nghị xếp hạng.
Ban đầu, ngành đường sắt dự định tháo dỡ cầu sắt có từ thời Pháp này khi dự án cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành. Tuy nhiên, phương án tháo dỡ gặp phải nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia đô thị, nhà nghiên cứu di sản.
Cầu sắt Bình Lợi nằm cạnh cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành năm 2013. Ảnh: Google Maps. |