Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 năm thí điểm Uber, Grab: Cuộc chiến tìm kiếm sự rõ ràng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định Uber, Grab đã mang tới nhiều tích cực, tuy nhiên cần xác định rõ ràng Uber, Grab là ai trong kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Tranh luận đến cùng, đối thoại sôi nổi là những gì diễn ra tại buổi tổng kết Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, cái mà nhiều người vẫn gọi tắt là đề án thí điểm Uber, Grab.

Hội trường của Bộ Giao thông Vận tải không một chỗ trống với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, sở giao thông vận tải một số tỉnh, thành; các doanh nghiệp taxi; các hiệp hội vận tải; hợp tác xã vận tải…

Giám đốc Uber Việt Nam Tom White, đại diện Grab khu vực Đông Nam Á cũng có mặt.

Sự gay gắt của các doanh nghiệp taxi

Cuộc họp kéo dài đến 4 tiếng rưỡi, chủ trì là Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng và Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc.

tong ket 2 nam uber grab anh 1

Hầu hết ý kiến từ nhẹ nhàng đến gay gắt đều mong muốn tìm kiếm một sự rõ ràng trong việc thí điểm Uber, Grab. Họ là ai, họ kinh doanh như thế nào, họ có vi phạm pháp luật hay không, họ có giống hay khác taxi… là những câu hỏi liên tiếp được đặt ra.

Dù đã nói rất nhiều trong thời gian qua, các doanh nghiệp taxi tiếp tục mang đến hội nghị những câu hỏi cần được giải đáp. Doanh nghiệp taxi cho rằng họ cần một sự đối xử công bằng giữa các loại hình vận tải với nhau.

Trong khi Uber, Grab hoạt động như taxi, lại không có những điều kiện kinh doanh ràng buộc và khắt khe. Taxi truyền thống phải niêm yết giá, có điều kiện kinh doanh, bị hạn chế số phương tiện, thu thuế một cách rõ ràng, khi tăng giá cũng phải kê khai với cơ quan quản lý…. Thậm chí, tại một số thành phố, taxi còn bị cấm tại một số tuyến đường còn Uber, Grab thì không.

Taxi truyền thống còn tố cáo Uber, Grab có biểu hiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh, nghi vấn trốn thuế, không công khai minh bạch.

Đáp lại, đại diện Uber và Grab đều cho rằng mình hoạt động hoàn toàn tuân thủ pháp luật. Cả Uber, Grab đều cho rằng họ là doanh nghiệp cung cấp phần mềm chứ không phải là doanh nghiệp vận tải hành khách thông thường, không thể so sánh như taxi truyền thống.

tong ket 2 nam uber grab anh 2
Giám đốc Uber Việt Nam Tom White. Ảnh: Hiếu Công.

Về hoạt động, Grab đã có pháp nhân tại Việt Nam trong khi Uber đặt máy chủ ở nước ngoài. Đại diện 2 doanh nghiệp này cho biết đều làm những gì mà pháp luật không cấm, và thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ như thuế, đáp ứng điều kiện kinh doanh…

Phản đối, các doanh nghiệp taxi cho rằng đang có một sự không rõ ràng trong quản lý và định danh Uber, Grab. Cách thức cung cấp dịch vụ của Uber, Grab không khác gì taxi. Việc có phần mềm cũng giống như thay thế tổng đài. Loại xe này vẫn đón trả khách, vẫn tính cước và có hoạt động tương ứng taxi.

Một đại diện của doanh nghiệp taxi đề xuất cần phải có quy định rõ ràng về Uber, Grab là gì.

“Taxi chính thống có phải không, hoặc taxi thương mại điện tử, hoặc taxi đặt xe qua mạng… Hay chúng ta gọi là một loại taxi mới? Chúng ta cần phải rõ ràng điều này, để có điều kiện kinh doanh cho phù hợp”, vị này nhấn mạnh.

Các bộ ngành vẫn lúng túng

Sự rõ ràng cũng được đại diện các bộ ngành đặt câu hỏi. Đại diện Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, nhấn mạnh không phải Nhà nước không quản lý được, mà chúng ta chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý một cách toàn diện.  

Vị này lấy ví dụ Uber phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam thì cơ quan thuế mới có thể thực hiện cách tính thuế bình đẳng như doanh nghiệp Việt Nam theo cách nào. Tuy nhiên, nguồn thu lại thuộc về Uber B.V, là công ty mẹ ở Hà Lan, nên rất khó quản lý.

Bộ Tài chính đề nghị phải có quy định rõ ràng Uber thành lập tại Việt Nam hay không. Khi thành lập phải đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp rõ ràng. Nếu chỉ là hỗ trợ khách hàng, không có vận tải hành khách theo hợp đồng thì cũng rất khó quản lý.

tong ket 2 nam uber grab anh 3

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch & Đầu tư trước tiên phải thực hiện công việc của mình, là xác định rõ ràng Uber, Grab có hoạt động gì, quản lý như thế nào, pháp nhân tại Việt Nam ra sao... khi đó cơ quan thuế mới thống nhất thu một cách chính xác.

Bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cũng đồng tình điều này và cho rằng cần có tính thống nhất rõ ràng, để thực hiện việc thu thuế không chỉ với phần mềm này mà còn nhiều phần mềm khác. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86, để thời gian tới sẽ có hướng dẫn chung thống nhất với các loại hình vận tải.

tong ket 2 nam uber grab anh 4

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia thì nhấn mạnh việc xuất hiện loại hình mới, ứng dụng là nền tảng kinh doanh đang diễn ra nhanh chóng. Các doanh nghiệp có thể thực hiện việc kinh doanh, qua đó thay đổi toàn diện cách thức kinh doanh.

Ông Hùng cho rằng có 2 thiên hướng trên thế giới, là cấm hoàn toàn và để cho tự do phát triển. Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, làm những gì mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm cần có những đánh giá nhất định và điều chỉnh cho phù hợp.

Các địa phương: Làm rõ loại hình kinh doanh

Trong kiến nghị của mình, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng về bản chất, loại hình hoạt động xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống có ứng dụng khoa học công nghệ là dạng đặc thù của kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Do đó, cần xem xét đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và các chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab. Ngoài ra cũng cần làm rõ khi hết thí điểm mà nghị định thay thế chưa ban hành thì loại hình này hoạt động như thế nào.

tong ket 2 nam uber grab anh 5
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng cần xem xét Uber, Grab là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Ảnh: Hiếu Công.

Sở GTVT TP. Hà Nội kiến nghị yêu cầu người cung cấp phần mềm phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe, để cơ quan quản lý kiểm soát. Ngoài ra, cần có quy định về nghĩa vụ người cung cấp dịch vụ trực tuyến, công khai số lượng xe, các cá nhân tham gia mạng lưới để quản lý và thu thuế.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, cũng cho rằng phải định danh rõ, từ đó xem xét điều kiện người sử dụng công cụ là gì, điều kiện để công cụ đó tham gia vận tải là gì...

“Chúng ta phải sửa luật, tuy nhiên không thể sửa ngay được. Cũng cần kiến nghị các bộ ngành khác để cùng góp ý chung tay hoàn thiện cơ sở pháp lý”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài đề xuất làm rõ ràng về Uber, Grab, Sở GTVT các địa phương cũng kiến nghị giảm một số điều kiện kinh doanh đối với xe taxi truyền thống.

Bộ GTVT: Sẽ phải rõ ràng!

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ví chuyện hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý Uber, Grab như “xây nhà tầng, đóng kín cửa thì gió không bao giờ vào được”. Ông Thọ khẳng định những lợi ích không thể bàn cãi khi Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam, nhưng cũng cần hoàn thiện công tác quản lý sao cho chặt chẽ, rõ ràng, công bằng.

tong ket 2 nam uber grab anh 6
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: Hiếu Công.

Theo Thứ trưởng Thọ, công nghệ xâm nhập vào Việt nam phát triển một cách nhanh chóng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải bắt kịp để quản lý được nó là vô cùng khó khăn. 

“Hiện tại ranh giới đang không rõ ràng, điều kiện đặt ra không phù hợp, có thể vận dụng được nhưng cũng có thể lách được…”, ông nói.

Ông Thọ cũng nói rằng năm sau Chính phủ có chủ trương sửa Luật Giao thông đường bộ, kiến tạo môi trường kinh doanh, dự báo tương lai phát triển khi sẽ còn nhiều vấn đề được đặt ra. Bộ GTVT cũng sẽ sửa Nghị định 86 để điều kiện kinh doanh xe hợp đồng và xe taxi phải gần nhau.

"Nghị định 86 cần sửa đổi, cái đó là rõ ràng. Cần thể hiện rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ, càng rõ bao nhiêu, càng thực hiện dễ bấy nhiêu. Cần thiết yêu cầu có doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không để hợp đồng xuyên biên giới, phải có quy định rõ ràng”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

So sánh taxi truyền thống và Grab, Uber: Ai hơn ai? Grab và Uber ở thời điểm này được coi là dịch vụ nhiều tiện ích và ưu thế vượt trội so với taxi truyền thống, nhất là về thời gian chờ và "điểm" phục vụ thực tế.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm