Sau những năm đi học tại Singapore, Đức, Nhật, Úc, hai chị em sinh ra tại TP Đà Nẵng Lê Hạ Huyền (Helen Lê, 30 tuổi) và Lê Hạ Uyên (Summer, 26 tuổi) đã quyết định dành thời gian quảng bá các món ăn đặc sản của Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đến bạn bè quốc tế.
Sau 4 năm dốc sức, Hạ Huyền trở thành người sáng lập kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food) với gần 150.000 lượt người đăng ký theo dõi và hơn 20 triệu lượt xem, chủ yếu là người nước ngoài. Còn Hạ Uyên là chủ nhân website danangcuisine.com ghi lại những cảm nhận, bình luận các món ăn với khoảng 20.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Đà Nẵng có gì ăn ngon?
Năm 2009, Hạ Uyên đang học quản trị kinh doanh tại Đại học Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản), Uyên thường xuyên nghe những câu hỏi “Việt Nam có món ăn gì đặc sắc?” hay “Đà Nẵng có món gì ngon?”.
Lúc này gần như không có những trang web giới thiệu món ăn Việt bằng tiếng Anh. Uyên liên lạc với chị gái Hạ Huyền đang học thạc sĩ tại Đại học Hamburg (Đức) bàn việc lập website.
Sau hơn năm năm trải nghiệm trong môi trường sinh viên quốc tế, Hạ Huyền cũng gặp không ít câu hỏi tương tự. Vậy là hai chị em bắt tay lập trang mạng quảng bá món ăn Việt Nam, đầu tiên là những món ăn ở nơi họ sinh ra: Đà Nẵng.
Lê Hạ Huyền (trái) và Lê Hạ Uyên học cách làm bánh căn tại Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh |
Hạ Uyên với kỹ năng dịch thuật Anh ngữ tốt nhận lập blog (đến năm 2011 thì chuyển sang website) viết cảm nhận món ăn và giới thiệu điểm đến là những quán ăn bình dân, nhiều quán không bảng hiệu. Đến năm 2011, Hạ Huyền tham gia cùng người em bằng việc mở kênh YouTube, cô quay phim hướng dẫn mọi người cách chế biến món ăn và đưa lên mạng.
“Tìm lại phần cuộc đời bị đánh mất”
Trong việc hướng dẫn người nước ngoài cảm nhận và chế biến món ăn, Uyên bảo: “Chúng tôi chủ yếu chế biến các món đơn giản để người nước ngoài có thể học theo. Nhưng có một số món chúng tôi phải đầu tư hơi cầu kỳ, đúng điệu để người xem thấy thú vị, họ có thêm hứng thú đến Việt Nam”.
Từ đầu năm 2014 đến nay, các kênh thông tin ẩm thực của hai chị em Huyền, Uyên có thêm khoản thu quảng cáo, nhưng những năm trước đó họ phải dùng tiền túi để nuôi chúng. Huyền và Uyên nhắc đến những câu chuyện đã trở thành động lực cho hai chị em - để cứ đúng hẹn lại có bài viết hoặc phim xuất hiện trên YouTube, trang web. Adele Hoang Diep là một cô gái gốc Việt 16 tuổi, đang sống tại Mỹ và được nhận nuôi từ khi mới lọt lòng đã viết email gửi cho Hạ Huyền vào năm 2012:
“Em cảm thấy một phần cuộc đời mình là một bí mật, mối liên hệ với quê hương dù em cố tìm lại vẫn không tìm được. May mắn, khi em biết kênh thông tin ẩm thực của các chị và em đã làm theo. Em thấy thật thoải mái như mình tìm được một phần cuộc đời bị đánh mất”.
Một email khác, cô gái người Hàn Quốc có chồng Việt Nam thổ lộ: “Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không tốt, có lẽ do khác biệt văn hóa. Nhưng từ khi tôi được các bạn hướng dẫn nấu các món Việt Nam thì mọi chuyện tốt hơn hẳn, tôi và mẹ gần lại qua những buổi vừa xem phim của các bạn vừa nấu ăn.
Tôi cảm nhận sự khác biệt văn hóa có thể giải quyết bằng những món ăn các bạn ạ”. Những email chân thành đã khiến chị em Huyền cảm động, Huyền bảo: “Mình không thể ngừng việc đang làm dù lắm lúc nghĩ mình bao đồng, và tốn quá nhiều thời gian đáng lẽ nên dành để làm việc và kiếm tiền”.
Tour ẩm thực Đà Nẵng và sách dạy nấu ăn
Hiện Uyên đã về Việt Nam. Thông qua mạng Internet, du khách nước ngoài biết đến Huyền và Uyên ngày càng nhiều. Để tăng tương tác với người xem các trang ẩm thực của mình và có thêm chi phí, Uyên mở tour ẩm thực Đà Nẵng cho người nước ngoài.
Sau giờ đi làm, cô nhận đưa khách đi ăn ở những hàng quán vỉa hè khắp Đà Nẵng. “Nhiệm vụ của tôi không phải làm sao cho khách ăn cảm thấy ngon miệng mà là hiểu được chuyện thú vị ẩn sau món đang ăn” - Uyên nói.
Mới đây, một vị khách từ Úc đến gặp Uyên và mang theo một tập giấy in những bài viết của Uyên, có cả địa chỉ quán ăn. Ông nói: “Tôi thường đến Đà Nẵng và không khó để tìm đường đi ăn, nhưng tôi muốn cô kể tôi nghe chuyện ăn ở Việt Nam”.
Uyên đưa vị khách ấy ra góc ngã tư đường ăn xôi gà và kể với ông câu chuyện người Việt luôn tôn kính tiền nhân, dành hai thức ấy để cúng giỗ... Cứ như thế, Uyên kể cho những đoàn khách câu chuyện ẩn đằng sau các món mắm hải sản, món bánh bèo, bánh chén, bánh nậm... Uyên bảo:
“Để có vốn kể mình phải đọc sách về văn hóa và tìm gặp những người già hiểu chuyện. Câu chuyện của họ đơn sơ nhưng hồn hậu và theo tôi là đúng nhất về món ăn Việt”.
Còn Hạ Huyền tiếp tục làm việc tại Đức nhưng mỗi năm cô đều dành hết quỹ ngày phép về Việt Nam, đi ăn khắp nơi để quay phim món ăn. Trong những ngày tháng 7 này Huyền đang ở Việt Nam, chuẩn bị tư liệu thực hiện cuốn sách hướng dẫn người nước ngoài nấu món Việt. Huyền nói: “Tôi muốn thu hút bạn bè quốc tế đến Việt Nam bằng việc làm họ hiểu món ăn Đà Nẵng và Việt Nam”.