Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết theo thống kê từ các địa phương, đến 7h sáng 22/7, mưa lũ làm 19 người chết (Yên Bái 11 người, Sơn La 2, Lào Cai 1, Phú Thọ 1, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 2).
Mưa lũ cũng khiến 13 người bị mất tích và 17 người bị thương, tập trung chủ yếu ở Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ...
Gần 15.000 ngôi nhà ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An... bị sập, ngập, hư hỏng, phải di dời khẩn cấp do đợt mưa lũ này. Nhiều tuyến đường, cầu, hoa màu cũng bị thiệt hại lớn. Đến nay, con số thiệt hại về kinh tế chưa có thống kê cụ thể.
Nhiều sự cố tràn đê
Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều tính đến 20h ngày 21/7, các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra 23 sự cố đê điều.
Lực lượng quân đội tỉnh Phú Thọ sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ. Ảnh: Báo Phú Thọ. |
Cụ thể, tỉnh Phú Thọ xảy 3 sự cố tràn đê tả Thao và tả, hữu sông Bứa. Sự cố tràn đê tả Thao tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa với chiều dài 200 m, địa phương đã xử lý chống tràn đảm bảo an toàn. Sự cố tràn đê tả, hữu sông Bứa với tổng chiều dài 9.600 m, mức nước tràn cao 0,8 m, địa phương đã sơ tán người dân khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Ninh Bình có 4 sự cố, trong đó phát sinh thêm 2 sự cố tràn đê bao Hoa Tiên, xã Gia Hưng và đê bao sông Bôi xã Gia Thủy và Gia Lâm. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các huyện Gia Viễn và Nho Quan đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và người dân, cùng với các phương tiện (ôtô tải, máy xúc), bao tải đất để chống tràn.
Nghệ An xảy ra 3 sự cố sạt lở kè đê tả Lam, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến.
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở các tỉnh miền núi phí Bắc. Ảnh: Báo Yên Bái. |
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa.
Đồng thời cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho người dân.
"Các tỉnh, thành tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu", báo cáo của Ban chỉ đạo nêu rõ.