Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

18 doanh nghiệp thép kêu cứu lên Bộ Công Thương

Các doanh nghiệp thép kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam thời gian qua.

18 doanh nghiệp bao gồm Hoà Phát, thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, thép Pomina, Thép Vina Kyoei, Thép VSC - Posco, thép Việt Đức, Việt Ý… vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, kiến nghị xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn thời gian qua. 

Theo văn bản này, ngày 7/3, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. 

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đã có tác dụng lên ngành sản xuất thép trong nước nói chung, đặc biệt là ngành sản xuất phôi thép. Lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng 10 tháng năm 2016 tăng lần lượt 20,8% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng sản xuất phôi thép đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cho hay từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.

kien thep cuon vao Viet Nam ne thue anh 1
Đồ hoạ: Kiều Linh.

Theo thống kê, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh 15,4%. Trong 10 tháng năm nay lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.

Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90, với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.

Cũng theo văn bản này, năm 2015, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã 7213.91.90, song 10 tháng năm 2016 đã lên tới khoảng 70 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp xuất hiện mới đều là công ty thương mại. Đây cũng chính là các công ty trước đây nhập mã 7227.90.00 và đứng hàng đầu trong các công ty nhập mã 7213.91.90 nhiều nhất 10 tháng 2016.

Trước tình trạng trên, 18 doanh nghiệp thép kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều tra mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại, đưa những mã này vào danh mục hàng hoá cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.

Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo quy hoạch sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, với nội dung đáng chú ý là triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, phù hợp với quy định thương mại quốc tế, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước.

Mỹ điều tra vụ thép Trung Quốc 'khoác áo' Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến tiến hành điều tra chính thức vào ngày 7/11 về việc các công ty Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao khi xuất khẩu đến Mỹ.


Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm