Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ thông tin trên tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Số ca điều trị sốt xuất huyết tăng ở các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Hưng cho hay đến ngày 27/7, trên địa bàn ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với năm 2021.
Ngoài huyện Củ Chi với 4 trường hợp, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh mỗi địa phương có 2 trường hợp, các quận 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức mỗi địa phương ghi nhận một trường hợp.
Sở Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn họp rút kinh nghiệm từng ca tử vong do sốt xuất huyết và bàn giải pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng tham vấn ý kiến các chuyên gia để xây dựng hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết trên thai phụ, kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Thống kê đến ngày 27/7, TP.HCM có hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 293% so với cùng kỳ năm ngoái với 1.888 ca. Trong đó có 502 ca nặng, chiếm 1,57% tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Hưng nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay vào mùa sớm, ca nặng tăng, tỷ lệ người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em, typ huyết thanh DEN 2 có xu hướng tăng cao hơn. Hiện thành phố phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần.
Theo vị đại diện Sở Y tế, việc ra quyết định xử phạt các cá nhân, tổ chức để lăng quăng sinh sôi đã quyết liệt hơn, nhưng chưa đồng đều. Có địa phương nhiều ổ dịch, nhưng không có một quyết định xử phạt nào.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng băn khoăn về chế độ chăm lo cho cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết ở cơ sở. Hiện dân quân tham gia phun xịt hóa chất không được chi kinh phí hỗ trợ.
Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn theo 3 kịch bản: Dưới 2.000 ca, từ 2.000 đến 4.000 ca và 4.000-6.000 ca điều trị tại bệnh viện.
Dựa vào kịch bản trên, hiện thành phố ở tình huống 2 (mỗi ngày có 2.000-4.000 ca mắc và 300-600 ca sốt xuất huyết nhập viện). Sở Y tế đã đề nghị tất cả bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.
Vừa qua, Sở Y tế đã triển khai tiếp nhận phản ánh của người dân về nguy cơ sốt xuất huyết tại cộng đồng thông qua ứng dụng Y tế trực tuyến.
Người dân chụp hình, quay clip về các điểm nguy cơ có nhiều lăng quăng, muỗi gửi lên ứng dụng, Sở Y tế phân công Thanh tra Sở Y tế là bộ phận thường trực để tiếp nhận các phản ánh, gửi về các quận, huyện để xác minh, xử lý.
Các quận, huyện xác minh, trả lời kết quả phản ánh lên ứng dụng trong 48 giờ. Đến ngày 26/7, có 48 phản ánh của người dân, đã xử lý 44 tin và còn 4 tin đang xử lý.