Nikkei Asia đã khảo sát số lượng vaccine được mua và số lượng liều đã được tiêm chủng trên 33 nước có dữ liệu tiếp cận được - bao gồm Mỹ, các nước châu Âu và Ấn Độ - để tìm ra số vaccine còn dư. Theo đó, sự chênh lệch trong việc tiếp cận với nguồn cung vaccine Covid-19 đang ngày càng sâu sắc trên toàn thế giới. Mỹ, EU và các quốc gia sản xuất, xuất khẩu vaccine đang có khoảng 150 triệu liều chưa được sử dụng.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt vaccine đang khiến chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia châu Á gặp nhiều khó khăn, theo Nikkei Asia.
Một số quốc gia đang xem xét tiêm liều vaccine thứ ba. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt vaccine tại các quốc gia đang phát triển sẽ ngày càng khó giải quyết.
UNICEF cho biết Mỹ đã quyên góp 46 triệu liều cho các quốc gia đang phát triển. Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận mượn vaccine dư thừa của Israel. Tuy nhiên, số lượng vaccine theo các thỏa thuận vẫn ít hơn rất nhiều so với mức cần thiết.
Người dân Indonesia xếp hàng đợi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Thừa vaccine ở nước phát triển
Những quốc gia phát triển nắm trong tay lượng lớn vaccine đã mở rộng chương trình tiêm cho nhóm đối tượng thiếu niên. Thậm chí, người dân được tiêm mũi thứ ba. Nhiều quốc gia này phớt lờ lời kêu gọi quyên góp vaccine cho những nước nghèo, nơi phần lớn dân số chưa được tiêm mũi vaccine nào.
Nikkei Asia đã khảo sát lượng vaccine được mua và sử dụng tại 33 quốc gia, bao gồm Mỹ, các quốc gia châu Âu và Ấn Độ nhằm tìm hiểu về lượng vaccine còn tồn đọng.
Chính phủ liên bang Mỹ đã chuyển 390 triệu liều vaccine đến các địa điểm tiêm chủng được chỉ định. Trong đó, mới có khoảng 340 triệu liều được tiêm cho người dân, còn 50 triệu liều chưa được sử dụng. Dựa trên số liệu tiêm chủng hàng ngày gần đây, Mỹ có khoảng 100 ngày để giải quyết lượng vaccine tồn kho.
Châu Âu còn khoảng 80 triệu liều vaccine chưa được sử dụng, bao gồm 14,7 triệu liều tại Đức và 10,6 triệu liều tại Pháp. Canada đã sở hữu lượng vaccine đủ để đảm bảo tiêm cho toàn bộ người dân.
Sau hạn chế xuất khẩu vaccine vào tháng 3 do làn sóng dịch quét qua toàn đất nước, Ấn Độ cũng đang tồn kho 20 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Thanh thiếu niên Mỹ xếp hàng đợi tiêm vaccine. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng lại thường gặp tình trạng đình trệ ngay trước khi đạt mốc phổ cập vaccine cho 70% dân số. Tốc độ tiêm chủng tại Israel đã giảm mạnh khi chạm mốc 60%. Con số đó tại Mỹ và Anh là 50%.
Trong tháng 6, lượng vaccine tồn kho tại châu Âu đã tăng 70% vì sự gia tăng số người từ chối tiêm chủng, sợ tác dụng phụ của vaccine.
Thiếu vaccine ở nơi cần
Các quốc gia dư thừa vaccine nhưng không muốn chia sẻ cho những khu vực đang thiếu thốn. Những liều vaccine sẽ được dự phòng cho những người chưa được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Delta đang càn quét khắp thế giới.
Mặc dù là nơi sản xuất vaccine AstraZeneca, số liều vaccine được triển khai hàng ngày tại Hàn Quốc đang giảm mạnh. Vào đầu tháng 6, mỗi ngày có khoảng 800.000 người được tiêm vaccine. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, con số này giảm xuống chỉ còn 100.000.
Tình trạng chênh lệch trong tiếp cận vaccine diễn ra ở khắp mọi nơi. Các quốc gia châu Á, châu Phi và vùng Caribbean phụ thuộc vào vaccine nước ngoài đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh quá trình mua vaccine nhưng vẫn chưa đảm bảo được số lượng cần thiết.
“Thế giới sẽ tiếp tục thiếu vaccine vì các nhà sản xuất dược phẩm không thể đáp ứng kịp nhu cầu”, Anthony McDonnell, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận định.
Dân làng Ấn Độ đợi tiêm vaccine trên những con thuyền lưu động. Ảnh: Reuters. |
Haiti chỉ cách Mỹ một chuyến bay ngắn nhưng đến ngày 15/7 mới được chuyển giao lô vaccine Covid-19 đầu tiên sau nhiều tháng trời. Tuy nhiên, Haiti cũng mới chỉ nhận được 500.000 liều, trong khi dân số nước này là 11 triệu người.
Tính đến ngày 15/7, đã có khoảng 3,5 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới. Để đạt được mức miễn dịch cộng đồng, thế giới sẽ cần thêm khoảng 7,2 tỷ liều.
Trong trường hợp triển khai lần tiêm thứ ba để chống lại biến chủng Delta, thế giới sẽ phải đảm bảo khoảng 12,6 tỷ liều vaccine, gấp khoảng 4 lần số lượng vaccine đã được tiêm.
Anh và Israel đang chuẩn bị cho vòng tiêm chủng thứ ba. Một số quốc gia sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất cũng đang bắt đầu sử dụng vaccine của Mỹ và Anh cho lần tiêm thứ hai.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết đến cuối tháng 6 sẽ phân phối 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho toàn thế giới. Nhưng cho đến giữa tháng 7, mới có 44 triệu liều được gửi đi, bao gồm 2,5 triệu liều chuyển đến Canada. Thậm chí, châu Phi chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào từ Mỹ.